Bà Chu Thị Bình gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng EximBank từ năm 2013-2017. Bà Bình cho biết, kể từ khi vụ án xảy ra đến nay, bà cùng các luật sư tư vấn, hỗ trợ về mặt pháp lý đã cùng đại diện EximBank tiến hành việc kiểm tra, làm rõ nguồn gốc số tiền 245 tỉ đồng gửi tiết kiệm của bà. Đó là số tiền hoàn toàn hợp pháp.
Đồng thời cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Viện kiểm sát nhân dân tối cao chứng minh hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Lê Nguyễn Hưng và hành vi thiếu trách nhiệm của một số nhân viên EximBank Chi nhánh TP. HCM thông qua bản Kết luận điều tra vụ án và cáo trạng.
Quá trình thương lượng, thỏa thuận đã được hai bên tiến hành trong một thời gian dài. Đến tháng 8/2018, trước khi phiên toà xét xử chính thức diễn ra, EximBank đã tạm ứng 100% số tiền gốc gửi tiết kiệm tạm tính qua 2 đợt cho bà Bình. Để thể hiện thiện chí của mình, bà đã gửi tiết kiệm tại Chi nhánh Eximbank TP. HCM toàn bộ số tiền mà Eximbank tạm ứng nói trên.
Trong khi đó, phía EximBank cho biết vụ việc xảy ra với nhiều tình tiết phức tạp nằm ngoài tầm xử lý nội bộ của EximBank. Đối tượng chính của vụ án là Lê Nguyễn Hưng hiện vẫn đang bị truy nã, nên EximBank đang nỗ lực phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng tại Trung ương và TP.HCM để đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ việc.
EximBank khẳng định quyền lợi hợp pháp của khách hàng luôn là ưu tiên hàng đầu và mong muốn các cơ quan tiến hành tố tụng nhanh chóng có một phán quyết thấu tình, đạt lý nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên liên quan.
Động thái này của EximBank đã có nhiều thay đổi so với các phát ngôn trước đó từ phía ngân hàng, phủ nhận trách nhiệm, cho rằng trách nhiệm thuộc về nhân viên ngân hàng chứ không phải ngân hàng.
Điều này cũng đang khơi lên hy vọng về một phán quyết hợp tình hợp lý với khách hàng gửi tiền tại ngân hàng, rằng ngân hàng phải chịu trách nhiệm trực tiếp với số tiền mà khách hàng gửi tại ngân hàng khi xảy ra rủi ro với bất cứ lý do nào. Nếu điều này xảy ra sẽ tạo một tiền lệ trong xét xử các vụ án “tiền trong ngân hàng bỗng dưng biến mất”, qua đó lấy lại niềm tin của khách hàng gửi tiền tại ngân hàng.
Án lệ “Huyền Như”
Nếu nhìn lại có thể thấy một vụ việc tương tự đã từng xảy ra và được xét xử công khai. Đó là vụ án Huyền Như, nhân viên ngân hàng VietinBank lừa đảo 4.000 tỉ đồng của nhiều đối tượng và doanh nghiệp.
Tuy vụ án Huyền Như có tính chất phức tạp hơn nhưng về tính chất thì có nhiều tình tiết tương tự, như nhân viên ngân hàng lợi dụng sự tin tưởng của khách hàng với ngân hàng để lừa đảo; các giao dịch diễn ra ở các địa điểm khác nhau mà không phải ở trụ sở ngân hàng… Và nếu có sự khác biệt đáng kể giữa 2 vụ án này thì có thể là một vụ án xảy ra tại ngân hàng thương mại tư nhân và một ngân hàng thương mại nhà nước.
Trong một diễn biến mới đây nhất của vụ án Huyền Như, sáng 30/5, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã tuyên bản án phúc thẩm vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại ngân hàng VietinBank. Tòa bác kháng cáo của bốn công ty là nguyên đơn dân sự trong vụ án yêu cầu VietinBank phải trả 1.085 tỉ đồng.
Theo tòa, trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án này thuộc về Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank chi nhánh TP.HCM. Do Huyền Như không kháng cáo nên bản án sơ thẩm với bị cáo Như đã có hiệu lực pháp luật.
Tòa phúc thẩm nhận định: Hành vi chiếm đoạt hơn 1.085 tỉ đồng của Huỳnh Thị Huyền Như là thực hiện thỏa thuận bên ngoài ngân hàng VietinBank. Đối với kháng cáo của các nguyên đơn dân sự, các công ty đã mở tài khoản tại VietinBank, ký hợp đồng tiền gửi. Tiền vào hệ thống bị mất là do người gửi tiền không giám sát chặt chẽ, để Huyền Như dùng hàng loạt thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt.
Vụ án Huyền Như được giới luật sư đánh giá như một “án lệ”, tạo một tiền lệ không tốt trong xử án những vụ việc mất tiền tại ngân hàng, thay vì quy trách nhiệm cho ngân hàng – là tổ chức được khách hàng lựa chọn gửi tiền lại chuyển sang quy trách nhiệm dân sự giữa cá nhân với cá nhân (nhân viên ngân hàng và khách hàng). Điều này đang làm xói mòn lòng tin của khách hàng vào ngân hàng, dấy lên nhiều lo ngại khi gửi tiền vào ngân hàng.
Nếu vụ án tại EximBank đi theo một hướng khác, kết luận trách nhiệm với khách hàng hoàn toàn thuộc về ngân hàng, chứ không phải nhân viên ngân hàng thì có thể sẽ tạo ra một tiền lệ, hứa hẹn lấy lại niềm tin của khách hàng với ngân hàng, cũng như tạo tia hy vọng mới cho các vụ án “tiền trong ngân hàng bỗng dưng biến mất” còn đang dang dở.
Từ năm 2013, bà Chu Thị Bình đã gửi tiết kiệm tại Eximbank Chi nhánh TP.HCM. Do số tiền gửi tại ngân hàng này rất lớn nên khách hàng này được chăm sóc theo chế độ khách hàng VIP. Toàn bộ giao dịch với bà Bình từ trước đến đầu tháng 2/2017 đều do ông Lê Nguyễn Hưng, Phó giám đốc Eximbank TP.HCM, trực tiếp thực hiện, theo dõi, liên hệ khách hàng cũng như phê duyệt trên chứng từ giấy và trên hệ thống corebanking của Eximbank. Lợi dụng sự tin tưởng của bà Bình, ông Hưng nhiều lần cùng nhân viên ngân hàng lập chứng từ giả để rút tiền từ tài khoản chưa đến hạn tất toán của bà rồi gửi vào tài khoản đã đến hạn tất toán. Bằng thủ đoạn này, ông Hưng chiếm đoạt số tiền của bà Bình gửi ngân hàng trong một thời gian dài. |
-
Thủ tướng: Nhà nước cần nắm ngân hàng lớn để điều tiết chính sách tiền tệ
CafeLand - Trên đây là ý kiến của Thủ tướng Chính phủ khi nói về vai trò của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN vừa diễn ra.