CafeLand - Trên đây là ý kiến của Thủ tướng Chính phủ khi nói về vai trò của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN vừa diễn ra.

“DNNN hết sức cần thiết cho sự phát triển đất nước, mà không chỉ chúng ta, các nước trên thế giới đều có DNNN để điều tiết, quản lý nền kinh tế”, Thủ tướng mở đầu bài phát biểu với khẳng định sự cần thiết của DNNN.

Thủ tướng cho biết đã có quyết định về tiêu chí phân loại DNNN. “Cái nào 100% vốn Nhà nước, cái nào 75% trở lên, cái nào 51%, cái nào không cần giữ lại”, Thủ tướng nói và cho biết thêm Nhà nước sẽ nắm quyền chi phối cảng, sân bay, điện lực, 4 ngân hàng lớn để điều tiết chính sách tiền tệ, quốc phòng, an ninh, viễn thông, cao su, dầu khí.

Thủ tướng: Nhà nước phải nắm quyền chi phối 4 ngân hàng lớn để điều hành chính sách tiền tệ

Cùng với đó, Chính phủ đã lập ra Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Theo Thủ tướng, đây không phải là cơ quan trung gian, gây khó khăn, ách tắc cho sản xuất kinh doanh. “Anh quản lý làm sao để doanh nghiệp phát triển, xứng tầm vai trò chủ đạo của nền kinh tế, chứ không phải càng ngày càng teo tóp, đi xuống”, Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng nhấn mạnh, DNNN sẽ hoạt động theo kinh tế thị trường định hướng XHCN, theo quy luật giá trị, từ tiền lương, đến giá cả, chứ không hành chính hóa DNNN và sử dụng mệnh lệnh hành chính, trừ những việc Nhà nước cần thiết phải chỉ đạo.

Thủ tướng Chính phủ nêu một số tồn tại của DNNN thời gian qua là hiệu quả, đóng góp của nhiều DN còn thấp. Bên cạnh đó, còn nợ xấu, thua lỗ, thất thoát lớn. Tính công khai, minh bạch, kiểm tra, kiểm soát có nhiều vấn đề. Thủ tướng cũng băn khoăn tình trạng có tập đoàn, tổng công ty trong nhiều năm liền không khởi công công trình nào.

Chống “đi đêm” trong cổ phần hoá

Thủ tướng yêu cầu các DNNN cần cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, không làm thất thoát vốn, tài sản Nhà nước, thậm chí cổ phần hóa ngay cả doanh nghiệp có hiệu quả.

Cổ phần hóa phải gắn với niêm yết trên sàn chứng khoán vì quá trình cổ phần hóa dễ gây thất thoát tài sản Nhà nước, dễ tham nhũng. Chống “đi đêm” trong cổ phần hóa, xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc để chậm trễ trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn. Có chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm các vi phạm, không để tái diễn.

“Tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ là tạo mọi thuận lợi về cơ chế, chính sách, pháp luật để thực hiện. Trường hợp có vướng mắc thì phải rà soát, đề xuất, sửa đổi ngay; đồng thời phải thực thi nghiêm pháp luật,không để có lỗ hổng pháp lý và tái diễn những vi phạm trong cổ phần hóa, thoái vốn”, Thủ tướng khẳng định.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN trước ngày 31/12/2018 hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý theo đúng quy định, trong đó nêu rõ tiến độ, cơ quan tổ chức thực hiện, người chịu trách nhiệm.

Trường hợp không triển khai thoái vốn đúng tiến độ đối với những danh mục đã được duyệt, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước có trách nhiệm chuyển giao về SCIC để tổ chức thoái vốn theo quy định trước ngày 31/12/2018.

Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch và xử lý nghiêm các vi phạm. Kiên quyết xử lý dứt điểm các DNNN, dự án đầu tư chậm tiến độ, hoạt động thua lỗ.

Thủ tướng cũng yêu cầu phải định kỳ công bố thông tin về cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước làm cơ sở để theo dõi, đánh giá tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

  • Năm 2018: Cổ phấn hoá được 12/85 doanh nghiệp nhà nước

    Năm 2018: Cổ phấn hoá được 12/85 doanh nghiệp nhà nước

    CafeLand - Theo kế hoạch được Thủ tướng phê duyệt thì năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp (trong đó có 21 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2017). Tuy nhiên, đến ngày 18/11/2018 mới cổ phần hóa được 12 doanh nghiệp.

Đình Vũ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.