19/08/2013 7:36 AM
20 năm qua, vợ chồng cụ Nguyễn Văn Lên (84 tuổi) và Nguyễn Thị Hạnh (82 tuổi), ngụ tại thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương) mòn mỏi gửi đơn đến các cơ quan chức năng đòi bồi thường hơn 9ha đất mà chính quyền đã thu hồi của 2 cụ để giao cho doanh nghiệp làm sân golf Sông Bé.

Cụ Nguyễn Văn Lên ở cái tuổi “gần đất xa trời” vừa phải chăm vợ liệt giường, vừa theo kiện đòi quyền lợi. Ảnh: L.T

Lấy đất của dân làm sân golf

Theo trình bày của 2 cụ, vào năm 1942 cụ Nguyễn Thị Hạnh được thừa hưởng 11,1ha đất của gia tộc bằng “Bản tương phân gia tài”. Đến năm 1957 cụ Hạnh kết hôn với cụ Nguyễn Văn Lên, từ đó 2 vợ chồng cùng sử dụng đất vào việc trồng hoa màu, canh tác trên diện tích đất được chia.

Ngày 14.10.1992 có chủ trương để Liên hiệp Xí nghiệp sản xuất và XNK Sông Bé liên doanh với nước ngoài xây sân golf (Cty liên doanh sân golf Sông Bé). Sau đó ban giải tỏa đền bù sân golf của UBND tỉnh Sông Bé tổ chức bồi thường cho 2 cụ diện tích 1,989ha đất với giá tiền là 27.846 ngàn đồng.

Phần diện tích còn lại đang trong quá trình thương lượng giá tiền đền bù thì Cty liên doanh sân golf Sông Bé lập tức tiến hành san lấp mặt bằng, cố tình xóa sạch các cột mốc ranh giới đất hơn 9ha đất của 2 cụ (ông Lê Quang Vân - đại diện Cty viết giấy tay xác nhận việc san lấp này). Không đồng tình, cụ Nguyễn Thị Hạnh đã đứng ra cản xe ủi san lấp hoa màu của gia đình và bị té ngã, dẫn đến tai biến phải nằm liệt giường từ đó...

Bất lực trước việc giữ đất, từ năm 1992 đến nay 2 cụ liên tục làm đơn cầu cứu các cơ quan chức năng, đồng thời khiếu nại UBND tỉnh Bình Dương. Theo 2 cụ, mặc dù đã đưa ra toàn bộ cơ sở pháp lý giải trình cho cơ quan chức năng như: Ngày 12.12.1973, cụ Hạnh đã xin trích lục địa bộ (của Tổng nha điền địa chế độ cũ) tổng diện tích 11,1050ha. Hai cụ cũng được cấp bản phục hồi ranh giới theo trích lục địa bộ, do Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Sông Bé cấp.

Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, ngày 1.4.1976 các cụ làm đơn gửi đến UBND cách mạng xã Thuận Giao, huyện Lái Thiêu (tỉnh Sông Bé) xin tiếp tục cai quản và canh tác trên phần đất sở hữu của gia đình... Ngoài việc có các giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất thì nhiều cư dân kỳ lão địa phương sống lâu năm cạnh diện tích đất của 2 cụ đều biết và tự nguyện đứng ra làm chứng. Dù vậy, UBND tỉnh vẫn một mực cho rằng: “Đất này Nhà nước quản lý theo diện vắng chủ từ 30.4.1975”, đồng thời liên tục bác các đơn khiếu nại của 2 cụ.

Im lặng đến bao giờ?

Trao đổi với PV, luật sư Hồ Nguyên Lễ - Trưởng văn phòng LS Luật Tín Nghĩa, TPHCM - phân tích: Tại Quyết định số 1893/QĐ-CT ngày 9.5.2005 Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương kết luận: “Phần diện tích 9,1160ha đất này Nhà nước đã quản lý theo diện vắng chủ từ 30.4.1975”. Nhưng thực tế UBND tỉnh không có chứng cứ - “văn bản” nào chứng minh được Nhà nước đã có văn bản quản lý diện tích 9,1160ha đất của 2 cụ theo diện vắng chủ. Trong khi đó con người và sự việc luôn có mặt trong sản xuất của gia đình (các giấy tờ liên quan, đơn xin canh tác có xác nhận của UBND xã ngày 1.4.1976...).

Sự việc xảy ra từ năm 1992 nhưng 12 năm sau (ngày 7.4.2004) UBND tỉnh Bình Dương mới yêu cầu ông Lên ra xác định ranh giới đất trong khi giờ nó đã biến thành sân gold là điều không thể. Trong khi đó UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích 104ha cho sân golf (có bao gồm 9,1160ha đất của gia đình 2 cụ), vậy UBND tỉnh phải biết rất rõ vị trí đất của các cụ nằm ở thửa nào, tờ bản đồ số mấy, do ai đăng ký sử dụng hoặc Nhà nước đã giao cho ai sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước từ năm nào? Vì thế UBND tỉnh Bình Dương phải đền bù cho các cụ già mới là thấu tình đạt lý.

Đáng nói, vụ việc của 2 cụ đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều cơ quan trung ương chỉ đạo giải quyết, nhưng tất cả đều rơi vào im lặng. Nhiều cơ quan trung ương khác như: Văn phòng Chính phủ có công văn số 7700/VPCP-KNTC. Vụ Pháp luật thuộc Văn phòng Chủ tịch Nước có công văn số 455/VPCTN-PL. Thanh tra Chính phủ có công văn số 1320/TTCP-VP yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương giải quyết... Thế nhưng mặc tất cả, UBND tỉnh Bình Dương vẫn không giải quyết cho 2 cụ.

Phản ánh với báo Lao Động, cụ Lên lại rưng rưng: “Tôi vừa lên trên gặp Văn phòng UBND tỉnh nhưng họ nói văn bản đã ban hành giờ không giải quyết nữa. Chẳng lẽ chỉ một cái văn bản lại có thể phủ quyết tất cả quyền lợi chính đáng của người dân sao”?

Lê Tuyết (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.