28/10/2020 4:45 PM
Đã có nhiều vụ bắt giữ, đã có cả ngàn người phải mang nợ vì mua phải dự án "ma" nhưng xem ra cơn lốc bất động sản ở TP HCM vẫn tạo ra những vòng xoáy cuốn nạn nhân vào tròng.

Ngày 26-10, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam ông Hoàng Mạnh Cường - SN 1985, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Bất động sản (BĐS) Phát An Gia - về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Cũng với tội danh này, ngày 22-10, ông Nguyễn Văn Tài - Giám đốc Công ty Kinh doanh nhà Năm Tài - đã bị Công an TP HCM bắt.

Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần đã có đến 2 giám đốc công ty BĐS ở TP bị bắt và kéo theo đó là hàng trăm người bị lừa với số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng. Vì đâu nên nỗi?

Tuyệt chiêu "vị trí đắc địa"

Kết quả điều tra ban đầu xác định Hoàng Mạnh Cường có hành vi không nộp hồ sơ xin phép đầu tư xây dựng dự án và không được cơ quan có thẩm quyền nào phê duyệt chủ trương cũng như không cấp phép đầu tư xây dựng dự án khu dân cư tại các thửa đất do Cường đứng tên quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, Hoàng Mạnh Cường đã tự đặt tên dự án, lập bảng quảng cáo, bản vẽ phân thành 193 nền đất để ký hợp đồng chuyển nhượng 91 nền đất cho 80 khách hàng để chiếm đoạt 100 tỉ đồng. Theo cơ quan chức năng, "chiêu" mà Cường dùng để dụ khách hàng là chọn mua những khu đất có vị trí tương đối đắc địa, ai nhìn vào cũng thấy dễ dàng sinh lợi.

Lật tẩy các chiêu lừa bất động sản ở TP HCM - Ảnh 1.

Lật tẩy các chiêu lừa bất động sản ở TP HCM - Ảnh 2.

Hai dự án "ma" mang tên khu dân cư Central House (ảnh trên) và khu dân cư Long Phước ở vị trí khá đắc địa nên khi chào bán với giá rẻ hơn so với thị trường thì lập tức nhiều nạn nhân "xuống" tiền cọc .Ảnh: Lê Phong

Và thực tế trong 2 ngày 26 và 27-10, tìm đến 5 dự án "ma" mà Hoàng Mạnh Cường vẽ ra, chúng tôi phải thừa nhận những khu đất mà Cường chọn có vị trí khá đẹp. Đơn cử, dự án "ma" mang tên khu dân cư Central House (phường Trường Thạnh, quận 9) hiện trạng đang dừng ở việc lắp đặt hệ thống cống nằm ở khu vực được xem là "hot" nhất nhì quận 9 với hạ tầng xung quanh tương đối đầy đủ. Tương tự, dự án "ma" thứ hai có tên khu dân cư Long Phước (272 Trường Lưu, phường Long Phước, quận 9) của "siêu lừa" Mạnh Cường cũng "ăn theo" một khu dân cư biệt lập chuẩn 5 sao của một tập đoàn lớn. Ở dự án "ma" này, Cường đã cho xây cổng vào và rào chắn xung quanh như thể công trình đang "đẩy nhanh tiến độ thi công" và giữa khu đất được đổ đá theo kiểu làm đường khá bài bản. Riêng 2 dự án "ma" mang tên khu dân cư Đường 8 và khu dân Võ Văn Hát, theo ghi nhận, cũng nằm ở vị trí khá đẹp trên 2 tuyến đường trên.

Cũng với chiêu thức chọn mua các khu đất có vị trí đẹp rồi sau đó vẽ dự án "ma" bán, Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty Kinh doanh nhà Năm Tài, đã lừa nhiều người sập bẫy với số tiền chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng. Cụ thể, với danh nghĩa giám đốc và là người đại diện pháp luật, Nguyễn Văn Tài đã ký hợp đồng mua 2 khu đất với tổng diện tích 11.000 m2 ở phường Tân Tạo A, quận Bình Tân. Trong đó, ông Tài đứng tên một khu đất và khu còn lại do người khác đứng tên, các khu đất này đều được đem đi thế chấp ngân hàng để vay tiền. Mặc dù đất đã thế chấp và không được các cơ quan chức năng có thẩm quyền chấp nhận chủ trương cấp phép đầu tư dự án nhưng ông Tài đã cho người lập bản vẽ 119 nền đất với diện tích 70 m2/nền rồi quảng cáo, bán đất. Do vị trí đất khá đẹp nên Công ty Năm Tài đã dễ dàng chuyển nhượng cho một đại gia BĐS 17 nền với giá 58 tỉ đồng, nhận hơn 31 tỉ đồng.

Thấy "ngon" nên vội vàng xuống cọc

Là nạn nhân của giám đốc Mạnh Cường, bà Lê Thị Tính (38 tuổi; ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) kể năm 2019 có sẵn nguồn tiền nhàn rỗi đã tự xuống khu vực quận 9 để tìm hiểu các dự án giá rẻ để đầu tư. Sau đó, được một số nhân viên Công ty CP Đầu tư BĐS Phát An Gia mời đi xem dự án với lời quảng cáo "dự án đang hoàn thiện pháp lý, sổ hồng riêng từng đất nền". Lô đất bà Tính mua có diện tích gần 58 m2 với giá 2,1 tỉ đồng (so với giá đất xung quanh rẻ hơn khoảng 400-500 triệu đồng) và chỉ cần đặt cọc 50% chờ đến ngày hoàn tất hồ sơ.

Bà Tính cho hay bà quyết định mua vì vị trí dự án khá đẹp, có sổ là sinh lợi nhiều. "Thế nhưng, đến hẹn giao đất thì công ty khóa cửa. Điện thoại thanh lý hợp đồng thì ông Cường khóa máy. Và sự thật thì như các chú đã thấy, đó là ông Cường bị bắt, số tiền cọc cả tỉ đồng của tôi đối diện nguy cơ mất trắng" - bà Tính chua xót nói. Bà Tính cũng thừa nhận do thấy khả năng sinh lời cao nên bỏ qua những yếu tố rủi ro để đầu tư vào dự án, bởi không ít người quen sau khi "lướt sóng" bằng những dự án này lợi nhuận gấp đôi.

Tương tự, bà N.A (SN 1986; ngụ quận Thủ Đức, TP HCM) cho biết đầu tháng 12-2018, sau khi thấy dự án phân lô của ông Cường khá đẹp cộng với sổ đất được ông Cường "trưng" ra đàng hoàng nên bà lập tức xuống cọc 1 tỉ đồng vì sợ không còn nền để mua. "Ngoài vị trí đẹp, khả năng sinh lời cao, tôi chọn mua là vì công ty ông Cường có đến 5 dự án với các khu đất đều do ông ấy đứng tên. Ai ngờ đây lại là chiêu của kẻ lừa đảo" - bà N.A nói.

Trong khi đó, ông L.T.K, nhiều năm làm cho Công ty Kinh doanh nhà Năm Tài, tiết lộ công ty dùng chiêu đánh vào tâm lý khách hàng là chủ đầu tư kẹt vốn nên bán giảm giá. "Đa phần nhân viên công ty biết pháp lý dự án không ổn nhưng với chiết khấu lên đến 10%-15% nên ai cũng ra sức thuyết phục khách hàng" - ông L.T.K kể. Theo ông này, ban đầu các nhân viên môi giới chỉ cần thuyết phục khách hàng chấp nhận đặt cọc giữ chỗ số tiền 50 triệu đồng/nền. Và một khi đã bỏ tiền ra giữ chỗ thì khách chắc chắn sẽ bỏ thêm tiền để đầu tư khi nhân viên liên tục vẽ ra bức tranh giá khu đất sẽ tăng cao khi hoàn tất dự án.

Nạn nhân đa phần là ai?

Theo ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Việt Nam - người nhiều năm nghiên cứu thị trường BĐS, ở TP HCM vừa trải qua 2 đợt dịch Covid-19 nhưng tình trạng mua bán đất nền vẫn diễn ra sôi động, đây là điều tương đối bất thường. "Theo ghi nhận của chúng tôi, có khoảng 90% người mua đất nền ở TP là để đầu cơ, không phục vụ mục đích để ở. Từ đó, các công ty làm ăn chụp giật liên tục vẽ các dự án "ma" với "bề ngoài nhìn là ngon ăn" để lừa gạt" - ông Hoàng nói.

ThS Trần Quang Chung (Trường ĐH Kinh tế TP HCM) cũng cho rằng để bị cuốn vào vòng xoáy BĐS có một phần lỗi của người mua khi bất chấp tất cả hòng đầu tư theo kiểu "một vốn bốn lời". Chính việc này đã khiến thị trường BĐS tiềm ẩn yếu tố bất ổn với việc đầu cơ tích trữ rất nhiều và sang tay liền. Đồng thời dẫn đến việc các công ty bán dự án "ma" bất chấp tất cả mà hình thành và ra tay lừa gạt.

Luật sư Nguyễn Thành Công, Giám đốc Công ty Đông Phương Luật, nhìn nhận thủ đoạn gian dối của các đối tượng lừa đảo là rất tinh vi nên người mua phải tự trang bị cho mình nhiều "vốn liếng" hơn để có thể tự bảo vệ. Hiện tại người mua có thể tìm hiểu thông tin pháp lý của dự án thông qua ứng dụng trực tuyến App mobile SXD 247 (của Sở Xây dựng TP), trong đó có thông tin của tên chủ đầu tư, quy mô đầu tư, diện tích, tra cứu quy hoạch, giấy phép xây dựng, văn bản chấp thuận đầu tư… Hay tìm hiểu thông tin chủ đầu tư tại cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, các dự án đã thực hiện… Ngoài ra, khi mua đất cũng cần lưu ý về tranh chấp, do đó cần liên hệ UBND xã, phường, thị trấn có đất để hỏi thông tin về đất như quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất…

Lời cảnh tỉnh từ nạn nhân

Ba năm kể từ khi đầu tư vào dự án "ma" có tên "Khu dân cư Triều An" (phường An Lạc, quận Bình Tân), đến nay, chị Nguyễn Thị Ngọc Phương (tiểu thương chợ Phú Lâm, quận 6, TP HCM) cho hay chị cùng 30 người khác vẫn ngóng chờ Công ty Angel Lina (chủ đầu tư) trả tiền cọc nhưng xem ra việc khó thành bởi giám đốc công ty đã bị tạm giam và phía công ty thừa nhận đã phá sản. "Đây là bài học đắt giá cho tôi và 30 người cùng cảnh ngộ. Qua bài học này, tôi muốn nhắn nhủ những ai đang có ý định mua đất dự án chớ "lóa" mắt vì mối lợi dễ nhìn thấy nhưng không lường được hết các tình huống pháp lý" - chị Phương đưa ra lời cảnh tỉnh.

"Giữa năm 2019, quận Bình Tân, TP HCM phát thông báo cảnh báo 9 dự án “ma”, đến nay đã có 5 công ty vẽ 9 dự án trên bị cơ quan công an tống đạt quyết định khởi tố vụ án.

Nhóm Phóng viên (Người Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.