Bộ GTVT đề xuất bỏ quy định lấy ý kiến người dân khi lập trạm BOT vì cho rằng đã lấy ý kiến HĐND

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến các bộ, ngành, cơ quan về dự thảo (lần 2) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 49/2016 quy định việc xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá (thu phí) dịch vụ sử dụng đường bộ BOT. Việc lấy ý kiến được thực hiện đến hết ngày 8-6 và dự kiến thông tư mới sẽ được ký ban hành, áp dụng từ tháng 7-2018.

Trạm phải nằm trong phạm vi dự án

Theo nội dung dự thảo thông tư sửa đổi, vị trí trạm BOT phải bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư, người dân địa phương; thuận lợi cho việc thu phí, bảo đảm khả năng hoàn vốn. Đối với quốc lộ, trạm thu phí phải nằm trong phạm vi dự án và có ý kiến thống nhất của các cơ quan địa phương (HĐND, UBND, Đoàn Đại biểu Quốc hội). Đối với đường địa phương, trạm thu phí phải nằm trong phạm vi dự án do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của địa phương quyết định sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ GTVT.

Dự thảo cũng quy định việc thu phí phải thực hiện thông báo công khai liên tục trước 5 ngày và niêm yết công khai tại trạm BOT về thời gian, địa điểm, đối tượng… Trong suốt quá trình thu, đơn vị thu phí phải công khai các thông tin trên biển báo điện tử được gắn tại khu vực trạm, trong đó có tổng thời gian được thu phí, thời điểm bắt đầu thu, thời gian thu còn lại, doanh thu tháng trước của trạm...

Nhiều dự án BOT đã gây bức xúc trong thời gian qua. Trong ảnh: Trạm BOT Quốc lộ 6 (Hòa Bình) từng liên tục xảy ra các vụ việc người dân phản đối, không chấp hành nộp phí qua trạm

Điểm đáng chú ý nhất của dự thảo thông tư lần này là ban soạn thảo đã bỏ quy định về khoảng cách tối thiểu 70 km giữa các trạm thu phí và hỏi ý kiến người dân địa phương về vị trí đặt trạm BOT. Ban soạn thảo cho rằng việc bỏ quy định về khoảng cách trạm thu phí 70 km là tiếp thu ý kiến của một số bộ, ngành, địa phương. Còn bỏ nội dung lấy ý kiến của người dân địa phương là do đã lấy ý kiến của HĐND.

Không hỏi dân là không xong

Sau khi được công bố, dự thảo thông tư đã vấp phải nhiều phản ứng của dư luận. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng việc bỏ quy định lấy ý kiến người dân là vô lý, có thể gây ra những hệ lụy lớn.

Theo ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, việc bỏ đi một số quy định quan trọng về trạm thu phí trong dự thảo là không hợp lý, gây phản cảm. "Thu tiền của dân thì phải thỏa đáng. Vì vậy, không nên thay đổi dự thảo mà cần phải nghiên cứu các phương án hợp lý để khi đưa ra áp dụng tạo được sự đồng thuận của người dân. Dân mà không đồng tình sẽ rất khó khăn trong vấn đề đầu tư xây dựng các dự án BOT" - ông Liên cảnh báo.

Ông Bùi Văn Xuyền, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, dẫn chứng việc Chính phủ đã nêu quan điểm sẽ xây dựng một dự án luật về hợp tác công - tư trên tinh thần có tính toán một cách khoa học, công khai, minh bạch. Tất cả các dự án phải để dân biết đóng phí bao lâu, mức đóng bao nhiêu, có đáp ứng nhu cầu thực tiễn hay không. Chỉ khi nào làm được như vậy thì quan hệ nhà nước - nhân dân - doanh nghiệp mới bảo đảm hài hòa lợi ích. Vì vậy, việc không lấy ý kiến người dân khi đặt trạm BOT là không hợp lý, cần xem xét lại.

"Với tất cả các dự án BOT, người dân phải trả phí nên cần phải tham vấn cộng đồng, tính toán cụ thể để chắc chắn không gây phản ứng, dẫn tới hậu quả như thời gian vừa qua" - ông Xuyền nhìn nhận.

Dẫn chứng việc hàng loạt trạm thu phí BOT từ Bắc vào Nam thời gian qua bị người dân liên tục phản đối, ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng nguyên nhân là do còn nhiều bất cập, từ vị trí đặt trạm, khoảng cách và nhiều điểm trong hợp đồng không rõ ràng.

"Tham gia các đoàn giám sát của Quốc hội đi giám sát về BOT, tôi có thể khẳng định việc đặt các trục BOT có cái không phù hợp. Nếu đặt vào đường khu đông dân cư thì khiến người dân rất bức xúc. Cho nên, khi làm BOT, doanh nghiệp đầu tư, nhà nước cần giải thích những mặt lợi cho người dân, đối thoại với người dân trước, chắc chắn sẽ giảm được các vụ phản đối" - ông Lưu Bình Nhưỡng lưu ý.

Bộ GTVT không quy định khoảng cách trạm BOT

Tại cuộc họp sửa đổi Thông tư 49/2016 về xây dựng, tổ chức hoạt động trạm thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ diễn ra chiều 17-5, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết trong Thông tư 49 không có quy định về khoảng cách trạm thu phí BOT, việc này được quy định tại Thông tư 159 của Bộ Tài chính. "Dự thảo sửa đổi Thông tư 49 không liên quan đến khoảng cách trạm thu phí" - ông Thể khẳng định.

Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng tổ soạn thảo của Tổng cục Đường bộ không hiểu rõ bản chất sự việc nên trong quá trình thực hiện đã xảy ra sai sót không đáng có, dẫn đến phản ứng của dư luận, không trực diện giải thích với dư luận, không cung cấp thông tin đầy đủ, nhất là lý do vì sao dự thảo lần 1 có đưa quy định về khoảng cách đặt trạm nhưng dự thảo lần 2 lại bỏ ra.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Thông tư 159 của Bộ Tài chính quy định về khoảng cách giữa các trạm BOT là 70 km. Trường hợp dưới khoảng cách này thì phải có thỏa thuận của Bộ GTVT, UBND các tỉnh, thành phố và Bộ Tài chính.

"Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu không làm BOT trên đường cũ, độc đạo nên quy định khoảng cách không còn ý nghĩa. Bộ GTVT sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo này và chỉ xây dựng dự án BOT trên các tuyến đường mới để cho người dân, doanh nghiệp có sự lựa chọn" - ông Thể nói.

Tuy nhiên, dù Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định có sai sót nhưng đến tối 19-5, dự thảo sửa đổi Thông tư 49 vẫn còn nằm trên website của Bộ GTVT và nội dung không có gì thay đổi so với trước đó.

Văn Duẩn (NLĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.