Tổ công tác gồm 14 người, do Phó chủ tịch UBND thành phố Bùi Xuân Cường làm tổ trưởng. Tổ có nhiệm vụ rà soát quy hoạch, tham mưu thu hồi đất, đấu thầu… để khai thác quỹ đất dọc tuyến vành đai 3 TP.HCM.

Hình phối cảnh tuyến Vành đai 3 TP.HCM

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký Quyết định thành lập tổ công tác khai thác hiệu quả quỹ đất dọc Vành đai 3. Tổ công tác gồm 14 người, do Phó chủ tịch UBND thành phố Bùi Xuân Cường làm tổ trưởng.

Theo đó, Tổ công tác sẽ nghiên cứu, tham mưu chính quyền thành phố rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị cũng như thu hồi đất, tái định cư, đầu tư hạ tầng kết nối, đấu thầu, để phục vụ kế hoạch khai thác đất dọc tuyến vành đai.

Ngoài tham mưu, tổ công tác sẽ rà soát và đề xuất UBND thành phố các dự án cần ưu tiên đầu tư để đồng bộ khai thác hiệu quả quỹ đất. Bên cạnh đó, tổ cũng nghiên cứu thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phục vụ giao thông (TOD) giúp chỉnh trang đô thị và tạo quỹ đất đấu giá.

Bên cạnh đó, Tổ sẽ rà soát các khu đất công, đất nông nghiệp dọc Vành đai 3 trước khi đề xuất triển khai các dự án bồi thường để tạo quỹ đất sạch. Việc này sẽ giúp thành phố có cơ sở tính toán đấu giá các khu đất, tạo nguồn vốn phát triển hạ tầng, kinh tế.

TP.HCM từng rà soát sơ bộ khoảng 514 ha đất dọc tuyến vành đai do nhà nước quản lý, khi chưa có hạ tầng có thể đấu giá mang về gần 30.000 tỷ đồng. Ngoài ra, dọc tuyến qua địa bàn thành phố còn có gần 1.900 ha người dân sử dụng, dự tính thu hồi để đấu giá.

Hàng nghìn hecta “đất vàng, đất bạc”

Dự án Vành đai 3 TP.HCM đi qua 4 địa phương gồm TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai với chiều dài hơn 76km, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 75.000 tỉ đồng. Theo kế hoạch, trong tháng 6/2023, các địa phương sẽ đồng loạt khởi công tuyến giao thông quan trọng này.

Tuyến đường Vành đai 3 sẽ tạo thêm hàng nghìn hecta đất "vàng"

Không chỉ có ý nghĩa tăng cường kết nối giao thông, thúc đẩy giao thương trong khu vực, tuyến đường Vành đai 3 còn có ý nghĩa đặc biệt nhiều mặt về kinh tế. Nhất là quỹ đất dọc hai bên tuyến đường này sẽ được khai thác ra sao được nhiều người dân, doanh nghiệp quan tâm. Cả TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương hay Long An đã lên danh sách, khảo sát cẩn thận quỹ đất này để tạo động lực phát triển cho địa phương.

Trước đó, vấn đề khai thác quỹ đất dọc các tuyến Vành đai cũng đã được nhiều đại biểu đề cập đến trong các cuộc họp Quốc hội.

Dự án Vành đai 3 TP.HCM khi triển khai sẽ giúp giảm tải áp lực giao thông, mở ra không gian phát triển đô thị, liên kết vùng. Sẽ có thêm hàng ngàn hecta “đất vàng, đất bạc” dọc hai tuyến vành đai này cần được khai thác hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), từng cho biết, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM và Vành đai 4 vùng thủ đô không chỉ mở rộng không gian phát triển đô thị, giảm đi áp lực về giao thông cho các đô thị trung tâm, đồng thời tạo nên một sự kết nối về không gian phát triển cho cả vùng.

Khi tuyến đường này hình thành thì các vùng lân cận quanh đường sẽ hình thành lên các trung tâm đô thị, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối. Đây chính là một nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển ở các vùng.

Do đó, cùng với việc phê duyệt chủ trương xây dựng tuyến đường này, đại biểu đề nghị Chính phủ nên đề xuất với Quốc hội có một cơ chế đặc thù để khai thác nguồn lực này.

Cụ thể, cơ chế này được thực hiện theo phương thức là cùng với việc quy hoạch chi tiết xây dựng các tuyến đường vành đai này thì nên quy hoạch đồng thời khu vực hai bên đường này để hình thành nên các khu đô thị hiện đại, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối, các trung tâm trung chuyển hàng hóa và các hệ thống đường không chỉ là đường song hành mà kể cả các hệ thống đường kết nối trong khu vực.

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.