Rất nhiều nhánh sông, kênh rạch trên địa bàn TPHCM thời gian qua đã bị san lấp không phép, sai phép. Nếu hoạt động này không được ngăn chặn kịp thời, nguy cơ phát sinh các điểm ngập mới khó tránh khỏi.

Tràn lan vi phạm

Rạch TT6 là một nhánh của sông Nhà Bè, rộng chừng 20m, có chức năng thoát nước cho khu vực dân cư đường Huỳnh Tấn Phát, Đào Tông Nguyên và thoát nước mưa cho khu vực dân cư rộng lớn thuộc thị trấn Nhà Bè, xã Phú Xuân.

Vậy nhưng, khi triển khai dự án khu dân cư Sài Gòn Mới, CTCP BĐS Sài Gòn Mới (thành viên của CTCP Vạn Phát Hưng) đã tự ý san lấp đoạn rạch với diện tích gần 12.000m2 để phân lô bán nền. “Một con rạch có chức năng điều tiết dòng chảy quan trọng ngay trung tâm huyện, nhưng không hiểu sao chính quyền lại buông lỏng quản lý, để doanh nghiệp san lấp tràn lan như chốn không người” - một người dân sống tại đây bức xúc.

Trong quá trình xử lý sai phạm lấp rạch TT6, cuối năm 2013, UBND huyện Nhà Bè ra quyết định xử phạt CTCP BĐS Sài Gòn Mới 65 triệu đồng, buộc khôi phục lại tình trạng cũ của rạch. Công ty này không chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả, nên đến tháng 8-2014, UBND huyện Nhà Bè yêu cầu trong 30 ngày phải khôi phục hiện trạng diện tích đất rạch đã bị san lấp. Do doanh nghiệp vẫn chây ì trong việc khắc phục sai phạm, UBND thị trấn Nhà Bè đã xin ý kiến UBND huyện về kế hoạch thực hiện cưỡng chế.

Tại phần rạch hạ lưu thoát nước ra sông Nhà Bè, Tổng kho Xăng dầu C (trực thuộc Công ty Xăng dầu khu vực 2) cũng tiến hành san lấp, đặt cống hộp d1000, xây dựng nhà xưởng - xưởng cơ khí PCC1 giai đoạn 2. Qua kiểm tra tại hiện trường của UBND huyện Nhà Bè ngày 29-9-2014, kết quả cho thấy chủ đầu tư chưa thực hiện các thủ tục sử dụng đất và xin phép xây dựng. Người dân ở đây cho biết đoạn rạch tiếp nối với Tổng kho Xăng dầu C cũng bị san lấp và thay thế bằng cống hộp thoát nước để làm khu dân cư.

Tại dự án Rivira Point (quận 7), Công ty TNHH Riviera Point tiến hành san lấp rạch Cả Cấm để mở đường nhánh N1, nối từ cầu Phú Thuận vào khu căn hộ Riviera Point. Việc san lấp này khiến hàng trăm hộ dân sống tại khu phố 3 (phường Tân Phú, quận 7) nơm nớp lo sợ xảy ra ngập úng. Căn cứ theo bản đồ hiện trạng - vị trí 25/2006/ĐĐBĐ ngày 4-4-2010 do Chi nhánh Trung tâm Tư vấn dịch vụ kỹ thuật trắc địa bản đồ lập, xác định tổng diện tích các rạch san lấp là 4.688m2.

Trong đó, rạch (a) 102m2, rạch (b) 2.709m2, rạch (e) 44m2, rạch (f) 1.095m2, rạch (i) 738m2. Nhằm khắc phục sai phạm trên, từ tháng 7-2013, UBND TP đã yêu cầu Công ty Riviera Point xây hồ điều tiết trong dự án, nhưng đến nay công ty vẫn chưa tiến hành xây dựng.

Buông lỏng quản lý

Những năm qua, chính quyền TPHCM đã chi hàng ngàn tỷ đồng để khơi thông dòng chảy, cải tạo và chỉnh trang đô thị tại các tuyến kênh lớn (Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tham Lương). Cùng với đó, chính quyền TP cũng chỉ đạo sát sao các địa phương không để xảy ra nạn san lấp, lấn chiếm sông rạch. Năm 2004, UBND TP ban hành Quyết định 150 về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh rạch.

Trong đó, quy định nghiêm cấm mọi hành vi lấn chiếm, sử dụng đất bất hợp pháp, sử dụng đất không đúng mục đích đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; những hành vi gây tác hại xấu, gây sạt lở bờ sông, kênh, rạch làm ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của các công trình xây dựng trên sông, kênh, rạch. Chỉ thị 09/2010/CT-UBND của UBND TPHCM một lần nữa giao trách nhiệm cho UBND quận, huyện tổ chức rà soát, đảm bảo chỉ giới đường sông, suối, kênh, rạch thuộc địa bàn quản lý; phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi san lấp, lấn chiếm, xây dựng nhà, kè bao… phá vỡ quy hoạch đã được phê duyệt.

Công ty Riviera Point lấn chiếm rạch
nhưng không xây hồ điều tiết trong dự án. Ảnh: M.TUẤN

Theo các số liệu báo cáo, sau khi Quyết định 150 có hiệu lực, toàn TP có thêm 1.860 trường hợp nhà ở, công trình vi phạm xây dựng hành lang an toàn kênh rạch. Con số trên cho thấy nạn san lấp, lấn chiếm sông rạch diễn ra phổ biến.

Tại các dự án BĐS, để có view sông thoáng mát, thơ mộng - yếu tố làm tăng giá trị BĐS - chủ đầu tư không ngại lấn chiếm hành lang an toàn sông, rạch. Với người dân và các chủ kinh doanh nhỏ lẻ, hành lang sông, kênh, rạch là vị trí lý tưởng để lấn chiếm kinh doanh cà phê, quán nhậu, nhà hàng…

Chia sẻ với ĐTTC về thực trạng lấn chiếm kênh, rạch trái phép, ông Phan Hoàng Trí, Phó Giám đốc Khu Quản lý đường thủy nội địa TPHCM, cho biết: “Hệ quả của việc lấn chiếm kênh, rạch là làm mất quỹ đất công cộng, phá vỡ cảnh quan đô thị, ô nhiễm môi trường, điều hòa dòng chảy và hạn chế chức năng giao thông thủy. Ngoài những khu vực ở trung tâm TP, tình hình lấn chiếm xây dựng nhà cửa, quán sá sát bờ sông ở các quận, huyện đang rất phổ biến. Trong khi đó, công tác thanh tra, xử lý giữa các cơ quan được giao chưa kiên quyết, còn khá lúng túng, thiếu kinh phí”.

Minh Tuấn (Sài gòn Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.