Từng có cuộc sống khá giả trong căn nhà 3 tầng khang trang ở Hà Nội, sau 2 lần đầu tư đất "lướt sóng", đôi vợ chồng trung niên lỗ đậm, ngậm ngùi thanh lý tài sản để trả bớt nợ nần.

Lao vào cơn sốt đất "ảo" vì ham lời

Có hai con trai, lại sinh ra và lớn lên trong gia đình có đông anh chị em nên anh Đ.Q.T. (48 tuổi, ở quận Hà Đông, Hà Nội) luôn tâm niệm phải là chỗ dựa vững chắc cho các con cả về tinh thần lẫn vật chất.

Dù đảm nhiệm vị trí khá cao ở cơ quan với mức thu nhập hàng tháng khoảng 28 triệu đồng nhưng mỗi khi có cơ hội, anh T. lại tìm cách để "tiền đẻ ra tiền", có thêm khoản tiền linh động để tích cóp, tiết kiệm cho tương lai của hai con.

Vợ anh làm kế toán, lương 13 triệu đồng/tháng. Sau 15 năm kết hôn, hai vợ chồng tiết kiệm được 3,5 tỷ đồng.

Nếu gửi ngân hàng, anh chị cũng có được khoản lãi lớn, đủ để trả chi phí sinh hoạt của cả gia đình và tiền học hành của hai con. Nhưng anh T. dự định sẽ cho các con đi du học. Hai con đều có năng lực, lại giỏi ngoại ngữ nên anh chị cố gắng đầu tư để các con có tương lai tươi sáng hơn. Bởi vậy khoản tiền tiết kiệm tuy lớn nhưng nếu để chi trả việc ăn học ở nước ngoài cho các con thì chẳng mấy mà hết.

Năm 2014, sau khi biết ở Đông Anh có nhiều dự án sắp triển khai, lại được "cò" đất tiếp cận "rót mật vào tai", anh T. chắc mẩm đầu tư bất động sản ở đây sẽ "kiếm đậm". Chưa kể thấy một vài người bạn cũng "phất lên" nhờ đất "lướt sóng" nên anh càng ham dù bản thân chỉ là "tân binh" trong lĩnh vực tay ngang.

Anh dành một ngày cuối tuần cùng môi giới về huyện Đông Anh, Hà Nội để xem tận mắt lô đất rộng 120m2 đang được rao bán với giá 28 triệu đồng/m2.

Lao vào cơn sốt đất ảo, vợ chồng nuốt nước mắt nhìn tài sản 'đội nón ra đi'

Anh T. đầu tư đất ven đô với hy vọng "thắng đậm"

Mảnh đất nằm trong ngõ nhưng đủ để hai ô tô đi ngược chiều, dân cư đông đúc nhưng cảnh quan vẫn thoáng đãng, không quá ồn ào.

Theo lời của môi giới, khi các dự án ở Đông Anh được triển khai thì giá đất ở đây sẽ tăng nhanh, nhiều nhà đầu tư ngoại tỉnh cũng đổ về "săn" đất. Tin vào lời môi giới của cò đất, anh T. bàn với vợ "xuống tiền" để mua luôn. Hoàn tất các thủ tục mua bán xong, cặp vợ chồng chính thức sở hữu mảnh đất ven đô với giá hơn 3,3 tỷ đồng.

Chỉ đến cuối năm 2014, giá đất tại Đông Anh "sốt" mạnh, có nơi đạt ngưỡng 40-50 triệu đồng/m2. Anh T. thấy tình hình khả quan nên quyết định rao bán đất. Có khách sau khi xem hiện trạng lô đất, trả giá 4 tỷ đồng nhưng anh không bán vì tin giá sẽ còn tăng cao.

Dù thị trường đất khi đó tại Đông Anh rất sôi động nhưng thực tế, đó chỉ là cơn sốt đất "ảo", không mấy nhà đầu tư "tậu" đất với giá trên 32 triệu đồng/m2. Giai đoạn đất "sốt" trên cũng "sớm nở chóng tàn", sau vài tháng lại giảm.

Tiếc đứt ruột vì không bán ngay từ đầu, anh T. chờ đợi cơ hội gỡ gạc. Đến đầu năm 2015, giá đất không "nhích" là bao. Thấy tình hình không có dấu hiệu chuyển biến tích cực, anh lại đăng tin rao bán mảnh đất.

Nhiều khách gọi điện hỏi thăm nhưng nghe giá 30 triệu đồng/m2, họ "lặn mất hút". Cực chẳng đã, hai vợ chồng anh bàn kế hoạch bán cắt lỗ, thu hồi vốn để về gửi tiết kiệm ở ngân hàng. Tận cuối năm, anh chị mới bán được lô đất, chấp nhận lỗ gần nửa tỷ đồng.

Ngậm ngùi nhìn tài sản "đội nón ra đi"

Tưởng như thất bại lần đầu khiến anh T. nhụt chí nhưng cuối năm 2018, nghe thông tin hàng loạt dự án cả nghìn tỷ USD tiếp tục được đầu tư vào huyện Đông Anh, anh lại "ôm mộng" đầu tư "đón sóng".

Dù cẩn trọng hơn, chọn mua mảnh đất nhỏ 70m2 nhưng do vẫn thiếu nhận định và kinh nghiệm nên anh rót tiền khi thị trường gần đạt đỉnh với giá 32 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, chỉ tháng sau, thị trường quay đầu, đất giảm giá xuống chỉ còn 25-26 triệu/m2.

Không từ bỏ, anh T. quyết định "ôm đất". Khi hay tin về đề án đưa huyện Đông Anh lên quận, người đàn ông trung niên này càng hy vọng về một thị trường bất động sản khởi sắc hơn. Nhưng trong suốt năm 2019, các dự án ở Đông Anh có tiến độ triển khai rất chậm trễ. Cả huyện chỉ có một dự án bất động sản quy mô diện tích khiêm tốn 7ha với 346 lô liền kề đã triển khai xong hạ tầng.

Giá đất cũng "giậm chân tại chỗ" dù khu vực có nhiều tiềm năng. Suốt 1 năm chờ đợi, anh T. "ngắc ngoải" vì cú đầu tư thất bại thảm hại của mình. Cứ mỗi lần thấy cuộc gọi đến, nghe đầu dây bên kia giới thiệu là người muốn mua đất, trong lòng anh lại nhóm lên tia sáng hy vọng. Nhưng 10 lần thì cả 10 khách đều "hủy kèo" vì cho rằng anh ảo tưởng về giá.

"Tôi cũng từng là nhà đầu tư, bây giờ đứng ở vị trí người bán. Có khách gọi hỏi, nghe tôi ra giá bằng thời điểm tôi mua nhưng tất cả đều lắc đầu từ chối. Có người thiện chí còn góp ý cẩn thận, chia sẻ kinh nghiệm đầu tư với tôi. Trước "máu" là thế mà giờ muốn bán lấy đủ gốc, thậm chí cắt lỗ mà cũng khó tìm được khách mua", anh T. ngậm ngùi.

Đầu năm 2020, sau thời gian dài "ôm" đất không hy vọng, vợ chồng anh bàn bạc rao bán cắt lỗ sâu. Anh chị chia nhau đăng bài khắp các hội nhóm, nhờ cả môi giới hỗ trợ để bán "sớm ngày nào đỡ mệt đầu ngày đó". Hơn 1 tháng, cuối cùng cũng có người cần mua mảnh đất đó để xây nhà. Anh chị chấp nhận lỗ 600 triệu đồng, thu về 1,6 tỷ.

Số tiền 3,5 tỷ đồng tiết kiệm được ban đầu của anh chị đến giờ bị hao hụt đáng kể, chỉ giữ lại được hơn 2 tỷ đồng. Không những không tăng mà còn lỗ nặng, anh T. ám ảnh đến già vì công cuộc đầu tư thất bại tới 2 lần.

Cuối năm nay, con trai đầu sẽ đi du học Úc, số tiền tiết kiệm hiện có trong nhà chỉ vừa đủ đóng phí nuôi con ăn học trong 1 năm. Anh vừa bán chiếc xe ô tô của gia đình, nhận lại 1 tỷ đồng để "phòng thân".

"Tôi đã phải trả giá đắt vì sự vội vàng, tham lam của bản thân nên giờ chỉ mong có thể đầu tư trọn vẹn cho tương lai của các con mà thôi. Có thế mới không áy náy với vợ, với các con vì đã đầu tư thua lỗ như vậy", anh nói.

Thảo Trinh (Dân Trí)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.