01/08/2014 1:30 PM
Cho biết sẽ chấp hành quyết định không lập khu kinh tế đặc thù song đại diện Formosa Hà Tĩnh - Vương Văn Tường phân trần đề xuất này hoàn toàn xuất phát từ mong muốn giảm thủ tục, đẩy mạnh đầu tư.

Sau khi gặp nhiều rắc rối trong các cuộc biểu tình quá khích hồi tháng 5, Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa - chủ đầu tư dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) thời gian qua lại gây chú ý khi có văn bản gửi Chính phủ đề xuất một số cơ chế ưu đãi đặc thù, trong đó có việc thành lập đặc khu kinh tế riêng.

Lần đầu tiên cởi mở với báo chí về vấn đề này, ông Vương Văn Tường - Phó tổ trưởng Tổ quản lý dự án Formosa Hà Tĩnh cho biết những kiến nghị trên xuất phát từ mong muốn giảm thiểu được các thủ tục cho các nhà đầu tư cùng tham gia dự án trong tương lai và hỗ trợ tối ưu cho việc triển khai.

"Nếu mỗi nhà đầu tư đều phải làm lại tất cả các thủ tục để xây nhà máy thì quá lâu và khó khăn, do vậy công ty đã đề xuất Chính phủ Việt Nam nên áp dụng chính sách đặc khu, giúp các nhà máy khác khi tham gia đầu tư vào sẽ giảm thiểu được thủ tục, nhanh chóng triển khai xây dựng", ông nói.

Công trường Formosa Hà Tĩnh. Ảnh: Báo hải quan

Tuy nhiên, đề xuất chưa được Chính phủ chấp nhận, thông qua văn bản của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải hồi đầu tháng 7 khi cho rằng thành lập khu kinh tế đặc thù cho dự án Formosa là "không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam".

Trước đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng thể hiện quan điểm thành lập khu kinh tế là không cần thiết và chưa có tiền lệ. Mặt khác, dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương đã được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật, như hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% (doanh nghiệp trong nước là 22%), miễn thuế thu nhập trong bốn năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; được miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị; miễn thuế tài nguyên với hoạt động hút cát san nền...

Sau khi được tổ công tác của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cùng phía tỉnh Hà Tĩnh giải thích, đại diện Formosa cho biết đã hiểu được vấn đề và chấp hành ý kiến của Chính phủ. "Bất kỳ nhà đầu tư nào cũng muốn được tạo các điều kiện thuận lợi nhất và chúng tôi đề xuất lên, nếu được chấp thuận thì làm, còn chưa chấp thuận thì thôi", ông Tường phát biểu.

Xung quanh lo ngại việc hạng mục lò cao khu liên hợp gang thép Vũng Áng có sự tham gia của nhà thầu Trung Quốc, đại diện Formosa trần tình đây là sự lựa chọn sau khi đã tham khảo nhiều nơi. "Riêng hạng mục lò cao, sau khi đi khảo sát ở cả châu Âu, châu Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, công ty nhận thấy chỉ nhà thầu Trung Quốc đảm nhận được việc xây lò cao trong 10 năm qua. Chính vì vậy chúng tôi đành phải chọn Trung Quốc", vị này cho hay..

Bên cạnh đó, ông Tường cũng khẳng định Formosa Hà Tĩnh hoàn toàn không phải là công ty của Trung Quốc. Theo vị này, những vụ đập phá hồi giữa tháng 5 có thể do sự hiểu nhầm từ cái tên China Steel - cổ đông hiện nắm 5% vốn của công ty. 'Đây hoàn toàn là doanh nghiệp Đài Loan, chỉ là cái tên nghe như Trung Quốc", ông khẳng định.

Thông tin trên website của China Steel ghi nhận đây là doanh nghiệp có trụ sở tại Đài Bắc (Đài Loan) và chi nhánh tại Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ, không có trụ sở tại Trung Quốc đại lục. China Steel cũng từng đứng thứ 25 thế giới về năng lực sản xuất thép và do Chính phủ nắm đa số cổ phần.

Việc mời China Steel tham gia góp vốn được đại diện Formosa lý giải là do đây là doanh nghiệp có kinh nghiệm lâu năm trong ngành thép nên sẽ hỗ trợ nhiều cho quá trình thực hiện dự án. Còn lại 95% vốn công ty đều của Đài Loan, bao gồm các công ty con của tập đoàn cùng tham gia góp vốn.

"Chúng tôi là một công ty tư nhân hoàn toàn, ngay cả Chính phủ Đài Loan cũng không thể can thiệp được vào quyết định đầu tư của chúng tôi thì nói gì đến Chính phủ Trung Quốc. Chúng tôi sử dụng tiền Đài Loan, cầm hộ chiếu Đài Loan đi khắp thế giới. Khi chúng tôi đầu tư vào Trung Quốc đại lục, chúng tôi cũng được đối xử hệt như nhà đầu tư nước ngoài, không nhận được ưu đãi gì", ông Tường bộc bạch.

Dự án khu công nghiệp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương bắt đầu triển khai từ năm 2008. Báo cáo tiến độ đầu tư dự án, ông Tường cho biết dự án mới giải ngân 4,2 tỷ USD, từ nay tới cuối năm sẽ giải ngân tiếp 2,1 tỷ USD. Tính đến ngày 30/6/2014, tiến độ tổng thể của lò cao số 1 và những công trình liên quan, bao gồm thiết kế, đặt mua, thi công đạt 73%.

Huyền Thư (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.