19/10/2017 11:13 AM
Các căn hộ tái định cư (TĐC) được sang nhượng trái quy định (thông qua môi giới) vốn tồn tại từ lâu.
Giới đầu tư lập luận, khi Nhà nước đền bù cho dân thuộc diện giải tỏa bằng căn hộ TĐC, mặc nhiên thuộc sở hữu của họ.
Việc bán – mua vì vậy, không thể cấm đoán. Trong khi đó, các chuyên gia lại cho rằng, khi được ưu tiên mua suất TĐC với giá rẻ hơn giá thị trường, phải tuân thủ những yêu cầu nhất định của pháp luật. Không thể để tình trạng “bỏ trống” các căn hộ TĐC trong suốt thời gian dài… để tìm khách bán chênh.
Đội giá gần… 1 tỷ đồng?
Trong vai người cần mua nhà ở khu vực Lê Đức Thọ (Cầu Giấy), phóng viên đã được một cá nhân tên D. (tự xưng là người nhà của chính chủ) dẫn mối suất căn hộ tại dự án TĐC N01 - N02 Tây Nam Đại học Thương mại của Ban quản lý Sở Xây dựng Hà Nội.
Qua cuộc nói chuyện, D. hé mở về căn góc 1501 (diện tích sử dụng là 99,25m2) tại tòa nhà 7A. “Căn 1501 là căn nguyên bản, có quyết định nhận nhà từ năm 2015 nhưng chưa về ở. Hiện có giá 22,5 triệu đồng/m2, tức hơn 2,2 tỷ đồng/căn. Nếu chị ưng ý, người sở hữu suất TĐC sẽ làm hợp đồng ủy quyền định đoạt để công chứng rồi thanh toán tiền chênh 700 triệu đồng cho họ.
Tiếp theo, chị mang toàn bộ giấy tờ đến Công ty Xây dựng và Phát triển nhà Hà Nội thanh toán tiền gốc 1,542 tỷ đồng còn lại trên hợp đồng mua bán. Khi hoàn tất giấy tờ, bên em sẽ hỗ trợ làm sổ đỏ chỉ sau một tháng”, D. tư vấn.
Để tăng tính thuyết phục, D. nhấn mạnh: “Đã thực hiện thành công nhiều giao dịch tương tự” bằng nhiều mối quan hệ với cơ quan chức năng lẫn chính quyền sở tại.
Khu tái định cư Nam Trung Yên. Ảnh: Hải Linh
Tương tự, tại các dự án chung cư TĐC khác, hiện trường “cò” môi giới vây khách hàng diễn ra phổ biến. Theo website taidinhcuhanoi68.com, công ty với danh xưng Hưng Cường đang quảng cáo phân phối một số căn hộ TĐC tại hai tòa CT2, CT3 phục vụ di dân GPMB tại ao Hoàng Cầu. Tại văn phòng công ty, ông Hưng – Tổng Giám Đốc Công ty (tầng 9, tòa B6C, KĐT Nam Trung Yên), hé mở về căn hộ tầng 11 tòa CT3 (diện tích sử dụng là 59,17m2).
“Chị suy nghĩ trong một ngày và trả lời ngay với công ty về giao dịch căn hộ. Nếu đồng ý, thanh toán tiền đặt cọc 100 triệu đồng. Sau một ngày, khi xong hợp đồng ủy quyền định đoạt sẽ thanh toán nốt tiền chênh khoảng 800 triệu đồng. Vì căn này view hồ Hoàng Cầu nên giá chênh sẽ cao hơn thông thường” – ông Hưng nhấn mạnh về mức độ “hot” của căn hộ TĐC CT3.
Trái ngược với sự chắc chắn của các “cò” môi giới, ở góc độ pháp lý, các luật sư khẳng định, người mua nhà đang “cầm dao đằng lưỡi”. “Luật Nhà ở năm 2014, có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2015 đã quy định tại Khoản 9 Điều 6, mọi trường hợp thực hiện các giao dịch về nhà ở, trong đó có nhà ở TĐC không đúng quy định của Luật này đều bị cấm.
Do vậy, bản thân hành vi mua bán suất TĐC là một hành vi bị cấm. Mọi hình thức thể hiện cho hành vi này như hợp đồng mua bán viết tay, hay hợp đồng ủy quyền có công chứng, chứng thực, đều trái pháp luật. Tôi không rõ văn bản ủy quyền đem đi công chứng ở đây nội dung thể hiện như thế nào, nhưng nếu để che giấu một hành vi bị pháp luật cấm thì bản thân văn bản đó cũng trái pháp luật và vô hiệu.
Điều này dẫn đến rủi ro là bên bán có thể “lật kèo” với bên mua bất cứ lúc nào để đòi nhà. Lúc đó, bên mua thiệt thòi nhất, bởi thực tế, căn nhà vẫn thuộc quyền sở hữu của bên bán” - luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho biết.
Đề xuất thu hồi
GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nhận định, có tình trạng các “đầu nậu” chuyên đứng ra thu mua các suất TĐC với giá rẻ rồi “om” nhà, tìm khách có nhu cầu để bán ăn chênh lệch. Như vậy, về gốc vẫn là nhà TĐC được phân phối cho người thuộc diện TĐC nhưng chủ yếu lại là người diện ngoài vào ở, lãng phí nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.
Theo ông Nguyễn Đắc Thảo – Phó trưởng Phòng phát triển đô thị - Sở Xây dựng Hà Nội, tổng số căn hộ TĐC chưa có quyết định bán nhà gồm 1.244 căn hộ/149 tòa nhà. Trong đó, số lượng căn hộ đã thông báo cho các chủ đầu tư dự án phục vụ GPMB và số lượng căn hộ đã có văn bản chấp thuận nguyên tắc của TP là 1.168 căn. Riêng số căn hộ còn trống chưa có phương án bố trí, sử dụng còn 76 căn.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi liên quan đến số lượng các căn hộ TĐC bỏ trống thực tế ghi nhận nhiều hơn, ông Thảo phân tích: “Cần phải làm rõ hai khái niệm: Thứ nhất, bỏ trống vì chưa có phương án sử dụng. Thứ hai, bỏ trống do dân không đến nhận nhà”.
Vị này cho biết, về cơ bản, số lượng bỏ trống vì chưa có bố trí không đáng kể (76 căn). Trong khi đó, với trường hợp TP đã có quyết định bố trí về ở nhưng người dân chưa nộp tiền và nhận nhà dẫn đến số lượng nhà bị bỏ trống khá lớn. Tình trạng này xuất phát từ việc người dân “trì hoãn” để rao bán, hưởng chênh lệch, rất khó kiểm soát.
Bàn luận về quỹ nhà TĐC D4A bỏ trống trên phố Tạ Quang Bửu của Công ty CP Tu tạo và Phát triển nhà, ông Thảo khẳng định tòa nhà không do TP quản lý. Dự án này sử dụng vốn ngoài ngân sách xây để phục vụ TĐC cho dải đất phía Nam đường Đại Cổ Việt với hai hạng mục: Phát triển về nhà ở và xây dựng bãi đỗ xe thông minh ngầm. Hiện tại đang vướng khâu GPMB nên tòa nhà vẫn bỏ trống, chưa bố trí dân về ở.
Tuy nhiên, thực tế dự án vẫn thực hiện trong tiến độ cụ thể (từ 2012 - 2022) nên chưa thể quy kết chủ đầu tư không hoàn thành dự án.
Để tránh lãng phí và thất thoát ngân sách đầu tư của Nhà nước cho quỹ nhà TĐC, đại diện lãnh đạo Sở Xây Dựng Hà Nội cũng cho biết đang đề xuất thu hồi các căn hộ TĐC đã ký hợp đồng mua bán nhưng sau hai năm dân không chuyển về ở. Bên cạnh đó, kiến nghị khớp nối quá trình GPMB và tiến độ hoàn thành quỹ nhà TĐC của TP tương thích với nhau.
Vân Hằng (KT&ĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.