Sân golf CT - Nhân Sư vẫn chưa thành hình sau nhiều năm đầu tư
Theo ước đoán, trong số gần 30 sân golf đang hoạt động trên cả nước, chỉ có khoảng 4 - 5 sân có lợi thế hạ tầng, khoảng cách gần các đô thị lớn... có thu đủ bù chi và lãi chút ít, số còn lại đang hoạt động cầm chừng. Thế nhưng, thời gian qua vẫn có tới 15 doanh nghiệp xin phép đầu tư sân golf, nâng tổng số sân golf trên cả nước theo quy hoạch tới năm 2020 lên tới 96 sân, chiếm diện tích khoảng 50.000 ha, trong đó có 2.000 ha đất lúa?
Tương lai mờ mịt
Con đường dẫn vào sân Golf Tân Mỹ sau gần 6 năm triển khai
Chúng tôi về ấp Chánh, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An nơi có dự án sân golf và khu dân cư đô thị huyện Đức Hòa do Công ty cổ phần đầu tư quốc tế C.S.Q đầu tư. Sau gần 8 năm kể từ khi sân golf này triển khai, chúng tôi vẫn chưa thấy bóng dáng của một sân golf nào tại khu vực này. Con đường Tỉnh lộ 7 nối liền xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi với xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa dài khoảng 5km vẫn trong tình trạng “nắng bụi mưa lầy”. Tiếp chúng tôi trong căn nhà tường xây đã cũ nhưng vẫn chưa một lần được quét vôi, ông Lê Văn Hòa (SN 1955, ngụ ấp Chánh, xã Tân Mỹ) cho biết: “Cái xã này có hai lần lãnh đền bù sân golf vào những năm 2007 - 2008. Tuy có được chút ít tiền nhưng không đáng là bao. Gia đình tôi có ba mẫu ruộng, dính vào quy hoạch trên hai mẫu, được đền bù khoảng 500 triệu đồng/mẫu nhưng chia tới chín phần nên mỗi người chỉ được trên 100 triệu. Lớp xây nhà, sửa nhà, lớp ăn lẹm vô đó nên trong năm đầu tiên đã sạch hết ráo”.
Trầm ngâm một lát, ông tiếp: “Hồi xưa, dù ở nhà lá nhưng mỗi năm làm 2 - 3 vụ lúa nên cuộc sống cũng tương đối thoải mái. Lấy tiền rồi, bây giờ còn khổ hơn. Không có ruộng mần nên tôi sớm trở thành người không có việc làm từ nhiều năm trước. Thu nhập bây giờ trông cả vào vợ chồng đứa con gái làm công nhân. Giá kể còn tiền thì nuôi trâu, bò xoay sở cũng được nhưng đất đai không còn, tiền cũng không thì biết xoay sao đây? Lúc đầu khi quy hoạch, mấy ông cán bộ nói mai mốt sân golf đi vào hoạt động thì dân xã có việc làm nhưng họ cứ để đất trống hoài. Nghe nói 12 công nhân đang làm việc trong đó thì chỉ có hai người là dân ấp Chánh này”.
Đất lúa bỏ hoang
Theo lời chỉ dẫn của ông Hòa, chúng tôi phải hỏi thăm dân địa phương mới biết đường vào trụ sở của chủ đầu tư sân golf. Gọi là sân golf cho oai chứ thực chất chỉ là căn nhà cấp 4, là trụ sở của ba công ty, trong đó có Công ty cổ phần đầu tư quốc tế C.S.Q. Theo lời giới thiệu của một công nhân, hiện nay việc triển khai xây dựng sân golf rộng 198ha này vẫn đang được tiến hành. Chủ đầu tư đã san lấp một số ít đất ruộng tại khu vực để đầu tư làm sân golf mini. Được biết, sân golf mini là dạng sân chỉ chiếm diện tích khoảng 10 ha và có chiều dài đường golf khoảng 500m hoặc ngắn hơn, tùy vào khoảng cách bố trí các lỗ trên sân. Dạng sân golf này thường dành làm sân tập cho những người muốn trở thành golfer.
Khi mất đất sản xuất, người dân xã Tân Mỹ mới thấm thía cái cảnh ở không. Từ sáng đến trưa, từ trưa tới tối nhưng tại hai cái quán nhỏ ở đầu cầu Tân Thái vẫn có rất nhiều người trong độ tuổi lao động tụ tập chỉ để chơi cờ hoặc nói dóc cho hết ngày. Ông Tư Hoàng (ngụ ấp Chánh, xã Tân Mỹ) cay đắng: “Ba bốn năm trước, khi lãnh tiền dân tụi tôi cứ tưởng có tiền là ngon vì hồi giờ có ai cầm số tiền lớn vài ba trăm triệu trong tay. Bây giờ trong cái ấp này giỏi chỉ 1/10 hộ, thậm chí 1/20 hộ là còn tiền. Nhà nước đầu tư KCN, CCN thì may ra dân có kế sinh nhai chứ đầu tư sân golf thì chẳng hưởng lợi được cái gì”.
Trên thực tế, sau khi nhận tiền người dân rót tiền sửa nhà cũng tạo nên bộ mặt mới cho nông thôn song thực sự thì nội lực trong dân đang kiệt quệ vì mất đất lại không có hướng sản xuất nên đời sống kinh tế đi xuống. Bản thân ông Hoàng cũng được đền bù ít ruộng, khoảng 300 triệu đồng nhưng sau khi sửa nhà, mua xe máy cũng chỉ còn gần 100 triệu đồng. Vừa qua, ông tổ chức cưới vợ cho con, thế là mất đứt non chục công đất.
Theo ông Tư Hoàng, 2/3 cánh đồng bưng ấp Chánh - Đầu Đò trước kia là đất sản xuất 2 - 3 vụ lúa cho năng suất rất cao nhưng từ ngày có quy hoạch sân golf, người làm, người bỏ nên sinh ra nạn chuột hại, cắn phá. Thời gian gần đây do chủ đầu tư niêm yết thông báo họ đang triển khai đào đắp nên người dân bỏ luôn việc sản xuất. Thanh niên trong ấp giờ phải đi làm thuê làm mướn ở các KCN tận Tây Ninh, TPHCM. Trong số những người bị mất đất, chỉ rất ít hộ gia đình giữ được ít tiền sau đền bù. Bà Cao Thị Lệ (SN 1966, ngụ ấp Chánh) cho chúng tôi biết: “Năm 2009 tôi nhận tiền đền bù diện tích 1,7 ha được khoảng hơn một tỷ đồng, sau đó gia đình mang tiền đi mua đất nơi khác nên vẫn còn giữ được đất”.
Nói về hiệu quả của sân gofl tại địa phương, bà Trần Thị Ngọc Sương - Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ cho biết: “Hiện nay còn 12 hộ dân bị ảnh hưởng bởi sân golf vẫn chưa chịu nhận tiền đền bù. Thực sự thì nó cũng chưa tạo được công ăn việc làm cho người dân do hiện nay chủ đầu tư mới triển khai các công đoạn ươm cây xanh, triển khai xây dựng sân golf quy mô nhỏ. Theo chúng tôi, đời sống của người dân bị ảnh hưởng cũng có đi lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm”.
Có lẽ, cái đi lên của vùng đất này theo lời vị chủ tịch xã chính là sự hiện diện của những căn nhà tường thay thế cho những căn nhà mái lá. Còn thực tế, sau khi quăng cho các hộ dân một mớ tiền đền bù, cả chủ đầu tư lẫn địa phương không ai chú ý tới những người dân bị thu hồi đất sẽ làm gì để sống và ai sẽ là người đến đánh golf tại đây? Nếu như đánh giá sự đi lên của một vùng đất qua một bộ mặt được trang điểm bởi những căn nhà tường thì có lẽ chỉ cần để yên cho dân làm ăn chừng ấy năm, chắc cũng có sự đổi thay mà không cần đến một dự án sân golf.
Không một lời xin lỗi
Lần theo con hẻm trải đá mi trước mặt UBND xã Long Hậu, chúng tôi thẳng xuống bến đò từ Long Hậu (Cần Giuộc) đi Tân Kim (Cần Đước), tỉnh Long An. Hai bên con đường dài hơn 1km, vẫn có các con hẻm dẫn vào những căn nhà khuất sâu trong những cánh rừng cỏ lác, bần mắm và dừa nước. Chỉ cho chúng tôi một căn nhà phía xa, một vị cán bộ xã Long Hậu xót xa: “Đây, bên tay trái là dự án sân golf tại huyện Cần Giuộc của Công ty CP Việt - Hàn, bên tay phải là dự án làng đại học. Bây giờ Việt - Hàn bị thu hồi rồi, dự án làng đại học thì vẫn treo đó. Nói là vùng đất này phèn mặn, hằng năm chỉ trồng được một vụ lúa, dân nghèo nhưng mà trước năm 2008 làng xóm không đến nỗi tiêu điều, xơ xác như bây giờ. Cánh đồng ấp 4 và ấp 26 của xã Long Hậu này rộng mà trống trải nên làm lúa một vụ đủ ăn cả năm chớ đâu đến nỗi. Sau vụ lúa là nuôi cá, nuôi vịt, nếu chăm làm cũng có dư. Vậy mà chỉ sau năm - sáu năm bị bỏ hoang, bây giờ nó thành rừng như vậy, muốn khôi phục để sản xuất cũng đâu có dễ”.
Cánh đồng Long Hậu trở thành hoang hóa
Nhớ lại thời gian trước đây bị quy hoạch sân golf “treo” hành hạ, ông Trương Quốc Tuấn - một nông dân ở ấp 26, xã Long Hậu - vẫn như còn gặp ác mộng: “Trời ơi! Khổ trần ai chú ơi! Nhà dột nát, xuống cấp cũng không cho sửa, không cho xây cất gì hết ráo. Con cái ra riêng, muốn chia đất cất nhà cũng không được. Có liều lĩnh cất căn nhà trái phép đi thì chỉ mấy ngày là bị cưỡng chế tháo dỡ, bị lên mặt báo khổ lắm. Tôi vẫn còn nhớ như in cái cảnh một đoàn cán bộ tỉnh, huyện đi cùng với một thằng quay phim xuống ấp này, nó đi hết trọi, quay hết địa hình từ nhà cửa, đất đai, mồ mả. Kể từ đó là hết xây cất, hết tách thửa, hết chuyển đổi gì được. Không an cư thì làm sao lạc nghiệp, cứ thắc thỏm chờ đợi đền bù rồi đi chỗ khác hết năm này qua năm khác mà chưa thấy mặt mũi nhà đầu tư nào xuống tới đây. Riết rồi ruộng vườn bỏ hoang, cỏ lác mọc um tùm. Trước đây làm gì nhiều dừa nước như vầy. Năm 2013, bà con nghe mấy ông cán bộ xã nói với dân là quy hoạch sân golf Việt - Hàn đã bỏ rồi nhưng vẫn giữ quy hoạch. Chỉ tháo gỡ cho bà con là cho phép cất nhà, tách thửa, chuyển đổi đất thổ cư để chờ nhà đầu tư mới. Đó, tới xin đất làm dự án đã đời, để cho dân dính quy hoạch treo suốt 5 - 6 năm trời rồi đi mà không có một lời xin lỗi”.
Cùng nỗi xót xa với ông Tuấn, ông Võ Văn Chín cũng chia sẻ: “Mấy năm trước gia đình tôi cũng có ba công ruộng, cấy một vụ cũng có vài chục giạ lúa ăn nhưng khi có quy hoạch sân golf thì ba công ruộng bị bỏ hoang, tất cả thu nhập trong gia đình đều phụ thuộc vào nghề đóng đáy của tôi nhưng cũng bấp bênh lắm. Bây giờ nếu Nhà nước bỏ quy hoạch thì người dân cũng phải mất nhiều công sức mới có thể khôi phục được nhưng thực tế thì quy hoạch này vẫn chưa bỏ nên gia đình tôi cũng chưa dám khai phá trở lại”.
Theo người dân, việc để đất đai hoang hóa, quy hoạch sân golf ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sản xuất kinh tế của người dân trong suốt nhiều năm là trách nhiệm của những người làm công tác quy hoạch, là lỗi khách quan trong quản lý Nhà nước khiến người dân bị thiệt đơn, thiệt kép. Được biết, chỉ riêng tại ấp 26, xã Long Hậu, quy hoạch sân golf Việt - Hàn “treo” đã khiến 150/167 hộ gia đình bị ảnh hưởng. Vậy mà trước đây chỉ riêng tại Cần Giuộc có tới ba dự án sân golf được quy hoạch, nhưng sau đã phải lần lượt hủy bỏ do các nhà đầu tư không có năng lực triển khai dự án.
Không chỉ có sân golf mà hàng loạt các dự án khác trên địa bàn Cần Giuộc cũng đang được triển khai một cách ì ạch. Ông Trần Thanh Quang - Chủ tịch UBND xã Tân Tập cho biết hiện nay cũng có các dự án của Cty CP Long Hậu đầu tư xây dựng nghĩa trang (26 ha), Cty CP DV TM Thiên Hào (20 ha), Cty Đại Hoàng Kim (170 ha) đã có quy hoạch nhưng từ khi nhận chủ trương đầu tư, các công ty này không thực hiện triển khai đền bù giải tỏa và tỉnh đã có quyết định thu hồi các dự án này.
*Tiêu đề được đặt lại cho phù hợp với quan điểm CafeLand.
-
Thủ tướng yêu cầu giải quyết dứt điểm các dự án gây lãng phí nguồn lực, gây bức xúc dư luận
Trong số các dự án trì trệ gây lãng phí được Thủ tướng Chính phủ nêu ra có bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở hai, bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, dự án chống ngập úng khu vực TP.HCM.
-
Phát huy tối đa nguồn lực từ đất đai sẽ là “trợ lực” lớn cho phát triển kinh tế
Đất đai hội tụ nhiều cái nhất: phức tạp nhất, nhiều khiếu nại, tố cáo nhất và tham nhũng lớn nhất, do đó, phát hiện vướng mắc và sửa đổi quy định về đầu tư, quản lý đất đai là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian sắp tới....
-
Trăn trở nhất là lãng phí tài sản công
Thảo luận báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chiều 24/7, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị quản lý chặt chẽ tài sản công, nhất là đất công, tránh tình trạng một số bộ, cơ quan trung ương đã được đầu tư trụ sở mới nhưng...