Cùng với quyết tâm giảm nhanh ngân hàng yếu kém của Ngân hàng Nhà nước, năm 2012 được cho là sẽ bùng nổ các thương vụ mua bán, sáp nhập ngân hàng.
Sau khi hợp nhất, ngay ngày làm việc đầu tiên, ngân hàng hợp nhất SCB đã “chào” năm 2012 với chương trình khuyến mãi khủng và mạnh tay nâng lãi suất vàng. Sự mạnh dạn này cho thấy, trong bối cảnh khó khăn, sáp nhập có thể là sự lựa chọn tốt.

Nhanh chóng phân loại

Những ngày qua, với việc Dragon Capital, REE và Ngân hàng ANZ thoái vốn khỏi Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), nhiều thông tin chưa chính thức cho rằng, sự việc này đang dự báo một hoạt động thâu tóm hoặc sáp nhập Sacombank trong tương lai gần. Ngoài ra, việc ANZ chính thức bán toàn bộ cổ phần đang nắm giữ cho ngân hàng xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng khiến dư luận đồn thổi về việc có hay không sự “chia sẻ” trong tương lai gần giữa hai ngân hàng này.

Làn sóng sáp nhập ngân hàng bắt đầu?

Sáp nhập giúp các ngân hàng lớn thêm nên dự báo giữa năm 2012, làn sóng sáp nhập ngân hàng sẽ mạnh mẽ. Ảnh minh họa: Như Ý.


Tuy nhiên, trả lời về vấn đề này, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết, đến hiện tại, các thông tin xung quanh việc sáp nhập, mua bán, hợp nhất các ngân hàng vẫn chỉ là tin đồn.

Tuy nhiên, ông này khẳng định, việc mua bán, sáp nhập, hợp nhất ngân hàng sẽ được làm nhanh, theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. “Ngân hàng Nhà nước sẽ chia các tổ chức tín dụng theo 4 nhóm, gồm nhóm hoạt động lành mạnh, nhóm hoạt động trung bình; nhóm dưới trung bình và nhóm hoạt động yếu kém. Để từ đó có những tiêu chí cụ thể về tái cấu trúc”, vị này nói và khẳng định, việc tái cơ cấu các ngân hàng nhóm dưới (trung bình và yếu kém) sẽ nhanh chóng thực hiện và nhiều khả năng sau khi làm xong thì số lượng các ngân hàng sẽ chỉ còn 2/3 hiện nay.

Chủ động tìm vốn

Dù Ngân hàng Nhà nước chưa khẳng định có hay không có làn sóng sáp nhập, mua bán, hợp nhất ngân hàng trong năm 2012 nhưng các chuyên gia và những người trong ngành thì cho rằng, yêu cầu về phát triển và tăng trưởng sẽ thôi thúc các ngân hàng làm việc này. “Nợ xấu bất động sản và việc thị trường này chưa thể khởi sắc nhiều trong năm 2012 sẽ khiến các ngân hàng phải tìm cách tái cơ cấu”, ông Lê Xuân Nghĩa nhận xét.

Trong khi đó, Tổng giám đốc một ngân hàng nhỏ tại TP HCM thì cho biết: “Tăng trưởng tín dụng trở nên eo hẹp hơn. Trong năm 2011, nhiều ngân hàng nhỏ như chúng tôi đã thấy khó sống, vì thế nếu tìm được người để bán cho tốt lên thì chúng tôi cũng bán”. Ngân hàng này hiện đang có hai đối tác tìm hiểu và trong tháng 2 này sẽ quyết định có hợp tác hay không.

Chuyên gia Lê Thẩm Dương, ĐH Ngân hàng TP HCM, nhận xét: “Việc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu giảm nhanh các ngân hàng yếu kém là lý do chúng ta nhìn thấy khả năng sẽ có nhiều sự thay đổi về số lượng các ngân hàng trong tương lai gần. Ngoài ra, với thị trường chứng khoán như hiện nay, những khó khăn về tăng trưởng từ tín dụng cũng buộc một số ngân hàng phải tự tìm đối tác nâng vốn lên, chủ động xin sáp nhập để tồn tại”.

Theo nhìn nhận, nửa sau năm 2012, việc mua bán, sáp nhập ngân hàng sẽ được công khai, minh bạch và mạnh mẽ hơn, vì lúc này các ngân hàng biết việc sáp nhập, mua bán không phải là điều gì nhạy cảm, đây là việc cần làm để lớn thêm, để tìm bước phát triển.
Theo Hà Phương (Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh