04/12/2022 3:42 PM
Thị trường nhà ở toàn cầu đã hạ nhiệt đáng kể trong những tháng gần đây. Lãi suất thế chấp cao hơn, lạm phát gia tăng và nỗi lo suy thoái lan rộng đã khiến thị trường này lâm vào bế tắc. Giờ đây, làn sóng sa thải tại hàng loạt tại công ty lớn có thể còn tạo ra nhiều thách thức hơn nữa với toàn ngành

Meta, công ty mẹ của Facebook, đã sa thải khoảng 11.000 nhân viên. Amazon có kế hoạch chấm dứt hợp đồng với khoảng 10.000 người lao động. Trong khi đó, Twitter chứng kiến 50% nhân sự ra đi sau khi Elon Musk lên nắm quyền. Tại Mỹ, gần 137.000 người lao động tại khoảng 850 công ty công nghệ và công ty khởi nghiệp đã nghỉ việc trong năm nay.

Những quyết định sa thải hàng loạt từ các công ty hàng đầu thế giới này cho thấy sự bất ổn của nền kinh tế, đồng thời có thể là “tấm gương” để nhiều doanh nghiệp làm theo trong bối cảnh tất cả đều phải cắt giảm chi phí tối đa để tồn tại.

Người mua và thuê nhà chùn bước do lo ngại thất nghiệp

Mua nhà được coi là khoản mua sắm lớn nhất đời người, nên hầu hết mọi người đều muốn có một công việc ổn định trước khi phải dành tới 30 năm để trả nợ thế chấp. Lãi suất cao khiến nhiều người mua tiềm năng bị loại khỏi thị trường, trong khi sự lo lắng về kinh tế suy thoái đã khiến nhiều người tạm hoãn mua nhà.

Chuyên gia phân tích Patrick Carlisle từ công ty Compass cho biết: “Sự không chắc chắn về tài chính là trở ngại lớn đối với thị trường nhà ở. Nếu mọi người đứng nguy cơ thất nghiệp, họ sẽ không tiến hành khoản mua sắm lớn nhất đời mình”.

Người thuê nhà cũng có thể bị ảnh hưởng. Họ thường thận trọng hơn khi tìm một căn hộ mới, hay đồng ý tăng tiền thuê nhà hoặc mua bất động sản nếu đang phải lo lắng làm sao để giữ được công việc hiện tại.

“Khi mọi người trải qua hoặc đọc báo về tình trạng mất việc làm, họ sẽ lo lắng. Sau đó, họ sẽ rút lại ý định thuê một căn hộ mới hoặc mua một ngôi nhà. Thậm chí, họ có thể kiếm người sống chung hoặc chuyển về ở cùng gia đình để tiết kiệm chi phí”, Robert Dietz, nhà kinh tế trưởng của Hiệp hội các nhà xây dựng Mỹ, cho biết.

Theo một báo cáo gần đây của Bankrate.com, 53% người trưởng thành trong tổng số 2.500 người được hỏi vào tháng 10 vừa qua đã trì hoãn các quyết định tài chính quan trọng của cuộc đời vì lo lắng về sức khỏe của nền kinh tế. Khoảng 25% đã tạm dừng việc cải tạo, sửa chữa nhà ở, và 15% trì hoãn vmua nhà.

Tuy nhiên, nhà ở vẫn sẽ được mua bán. Những người có gia đình đang lớn dần lên vẫn sẽ đổi sang những ngôi nhà rộng hơn, trong khi những người khác có thể thu nhỏ quy mô nơi sống. Ngoài ra, những người chuyển đến nơi làm việc khác cũng cần tìm mua nhà mới.

Dietz nói: “Ngay cả trong cuộc đại suy thoái trước đây, mọi người vẫn xây dựng và mua nhà, nhưng với số lượng và mức giá giảm”.

Làn sóng sa thải sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhà ở?

Ngay cả trước khi làn sóng sa thải diễn ra, thị trường nhà ở đã gặp nhiều khó khăn.

Lãi suất thế chấp tăng để kiềm chế lạm phát đã khiến nhiều người mua rời khỏi thị trường. Lãi suất cao hơn không chỉ làm tổn thương người mua nhà, chúng cũng đang ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và góp phần dẫn đến làn sóng sa thải.

Trong đại dịch COVID-19, lãi suất ở mức rất thấp, nhiều công ty công nghệ trên thế giới đã tổ chức tuyển dụng rầm rộ. Nhưng khi lãi suất tăng và nền kinh tế thay đổi, các nhà lãnh đạo nhận ra rằng họ không còn đủ khả năng chi trả cho những người lao động mới này. Vì vậy, họ bắt đầu sa thải hàng loạt.

Nhiều nhà kinh tế nói rằng dường như chưa có lý do để lo lắng khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn thấp. Nhiều công ty công nghệ đang thiếu lao động, do vậy những người bị sa thải có thể tìm được việc làm mới tương đối nhanh chóng.

Anneliese Vance-Sherman, một nhà kinh tế, cho biết: “Chúng tôi đang ở trong một thời điểm khó hiểu. Có rất nhiều lý do để mọi người lo lắng và không lo lắng. Làn sóng sa thải tại các công ty công nghệ lớn đã tạo ảnh hưởng lớn, nhưng những gợn sóng tiếp theo hầu như không rõ rệt”.

Trong khi đó, nhiều nhà kinh tế khác tin rằng những đợt sa thải gần đây chỉ là khởi đầu của một làn sóng lớn hơn và có tác động mạnh mẽ hơn nhiều.

“Đó là nguy cơ dẫn đến tình trạng thất nghiệp diện rộng sắp xảy ra. Nền kinh tế đang trên đà suy thoái”, Dietz cho biết.

Giá nhà được xác định bởi cung và cầu. Nếu không có nhiều người tìm nhà hoặc hàng loạt ngôi nhà giá rẻ tràn vào thị trường do bán khống và tịch thu, thì giá sẽ có xu hướng giảm. Do đó, các thị trường sẽ chịu mức độ ảnh hưởng khác nhau.

Ví dụ tại Mỹ, những thành phố có cơ cấu kinh tế nặng về công nghệ như Thung lũng Silicon ở California, các thành phố Seattle, Sacramento, Denver hay Austin sẽ chứng kiến tình trạng tồi tệ hơn nhiều do làn sóng sa thải trong lĩnh vực công nghệ quá lớn.

Tại trung tâm thành phố San Francisco, một nơi ở phổ biến với dân công nghệ, giá trung bình cho các căn hộ hai phòng ngủ giảm 14% so với năm trước, theo Compass.

Thị trường nhà ở đang tiến vào giai đoạn suy thoái?

Một số người tin rằng việc sa thải là một dấu hiệu cho thấy kinh tế đang suy thoái. Theo công ty dịch vụ kiểm toán KPMG, khoảng 91% CEO tại Mỹ tin rằng nước Mỹ sẽ suy thoái trong vòng 12 tháng tới.

Tuy nhiên, đây dường như không phải là khúc dạo đầu cho một cuộc khủng hoảng nhà ở khác vì thị trường thế chấp ngày nay ổn định hơn nhiều so với trong cuộc đại suy thoái trước đây.

Vào những năm 2000, rất nhiều chủ nhà không thể thanh toán các khoản chi trả khi lãi suất đột ngột tăng. Hàng loạt căn nhà bị tịch thu và thị trường tràn ngập nhà giá rẻ do bán tháo, kéo giá nhà trung bình lao dốc. Lần này, điều ngược lại mới đúng khi thị trường nhà ở đang thiếu nguồn cung.

Dietz cho biết: “Hiện tại thị trường Mỹ đang thiếu khoảng từ 1 triệu đến 2 triệu căn nhà”.

Nguyên nhân là ngay cả khi có tình trạng sa thải diễn ra trên diện rộng, mọi người vẫn sẽ cần nơi ở. Điều này sẽ giúp ổn định mức giá mua và thuê nhà tiêu chuần.

Ngay cả khi các chủ nhà không trả được khoản vay thế chấp, họ sẽ chọn bán nhà thay vì đợi bị tịch thu, vì hiện giá nhà giảm nhưng vẫn còn cao hơn so với trước đây. Chủ sở hữu thậm chí còn có thể bỏ túi một khoản lợi nhuận nhất định sau khi bán nhà.

Lam Vy (RE)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.