08/12/2011 12:45 AM
Rộ lên các mẩu quảng cáo cần tiền bán gấp căn hộ, nền đất với các mức giá giảm gần 1/3 so với giá các tháng trước.

Áp lực trả nợ vay ngân hàng và sức mua ở thị trường quá yếu đang khiến nhiều DN và nhà đầu tư buộc phải bán tháo sản phẩm bất động sản (BĐS).


Đua nhau xả hàng


Sau sự kiện hai Công ty CP Địa ốc Dầu Khí và Công ty Sài Gòn Mê Kông vì khó khăn thanh khoản và khát vốn đã bán giảm giá căn hộ đến 35% thì thị trường chứng kiến các cuộc đua xả hàng khác.


Những ngày cuối năm này trên nhiều trang quảng cáo BĐS rộ lên các mẩu thông tin cần tiền bán gấp căn hộ, nền đất với các mức giá giảm gần 1/3 so với giá các tháng trước.


Trên trang muaban.net, một nhà đầu tư rao bán nền đất ở khu dân cư Conic chỉ còn 1,3 tỉ đồng cho 100 m2 trong khi trước đó giá nền đất này là 2,4 tỉ đồng. Còn chủ nhân căn hộ The Mansion (Bình Chánh) rao bán căn hộ giá 9,5 triệu đồng/m2 dù trước kia mua giá 20 triệu đồng/m2. Ở trang diaoc online có người rao bán biệt thự ở Tân Bình giá 4,2 tỉ đồng và cho biết do cần tiền nên đã tự giảm giá đến 600 triệu đồng và mức giá trên còn thương lượng…


Có một điều là dù đã giảm giá nhưng không phải sản phẩm BĐS nào cũng có người mua. Như một cao ốc năm tầng ở quận 3 chủ đầu tư đã rao bán mấy tháng nay với mức giá bán đã lỗ so tổng số tiền bỏ ra đầu tư (lỗ tiền lãi nếu đem tiền đầu tư gửi ngân hàng) nhưng vẫn chưa có khách hàng quan tâm.


Trong tháng qua, một chủ đầu tư đưa nền đất ở khu nam TP ra bán nhưng thị trường trầm lắng nên sau đó buộc phải giảm giá tới gần 2 triệu đồng/m2.


Làn sóng bán tháo bất động sản

DN BĐS và nhà đầu tư thứ cấp (mua đi bán lại) đang bán tháo sản phẩm, trả giá cho việc đầu tư dàn trải, không dự báo được thị trường, lạm dụng nguồn vốn vay… Ảnh: M.Thảo

Ông Đoàn Chí Thanh, Tổng Giám đốc Công ty BĐS Hoàng Anh Sài Gòn, cho biết đang có làn sóng bán tháo ra BĐS do áp lực về tài chính trả nợ.


“Hiện tại công ty tôi cũng đang đàm phán với chủ đầu tư và dự kiến sẽ đưa ra bán hai dự án căn hộ với giá giảm mạnh, khoảng 30% so với mức giá đề ra ban đầu” - ông Thanh cho biết.


Trao đổi với phóng viên, bà đỗ Thị Loan, Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho biết sau khi nhà đầu tư Sài Gòn Mê Kông bán được gần 300 căn hộ An Tiến cũng có nhiều chủ đầu tư khác rục rịch giảm giá bán căn hộ.


“Nhưng lúc này do có quá nhiều người bán nên thị trường đang bị dội. Vì câu hỏi là tiền đâu để khách hàng mua?” - bà Loan phân tích.


Mất thanh khoản


Một trong các yếu tố khiến kênh BĐS bất động trong mùa cao điểm và đang có làn sóng bán tháo là do sức cầu thị trường sụt giảm mạnh.


Tổng giám đốc một công ty BĐS ở khu nam TP.HCM phân tích ở thị trường BĐS có ba nhóm khách hàng thể hiện sức cầu thị trường là mua đầu tư, mua ở và mua để ở kết hợp bán lại. Tuy nhiên, tình hình kinh tế hiện nay quá khó khăn đã loại trừ gần như hết số lượng các nhà đầu tư, còn với người mua ở thì lãi suất ngân hàng trên 20%/năm quá cao nên người mua nhà không vay. Nhóm còn lại mua ở và đầu tư thì mắc kẹt do thị trường ảm đạm.


Từ sức cầu thị trường sụt giảm mạnh cộng nguồn cung căn hộ, nền đất ra nhiều nên thị trường BĐS như bội thực. Mặt khác, khi các hợp đồng vay nợ ngân hàng đến ngày phải thanh toán khiến cho nhiều nhà đầu tư bóp bụng bán tháo ra lấy tiền xoay xở. Điều đang nói là trong cùng thời điểm nhiều người bán nên thị trường bị dội hàng và ít nhiều đã có các trường hợp buộc phải bán BĐS lỗ quá 40%.


Trưởng bộ phận thu hồi công nợ của một ngân hàng thương mại có trụ sở ở TP.HCM cho biết hai tháng gần đây nhiệm vụ chính của anh chỉ là lên danh sách các khách hàng đến hạn để thu hồi các khoản nợ khó đòi từ BĐS.


Lý do là các ngân hàng muốn giảm các khoản nợ xấu và đưa dư nợ tín dụng phi sản xuất về mức 16% như quy định của Ngân hàng Nhà nước.


Ghi nhận nội tình các ngân hàng cũng cho thấy vì nợ xấu gia tăng nhất là nợ xấu BĐS nên các ngân hàng ráo riết đòi các khoản vay ở lĩnh vực này. Thậm chí có những kiểu đòi nợ rất lạ: “Có khách hàng vay hai hợp đồng thế chấp bằng BĐS và xe ô tô. Một hợp đồng đến hạn khách hàng thanh toán đầy đủ để lấy ô tô ra thì ngân hàng không chịu mà đòi thanh lý luôn hợp đồng vay có thế chấp bằng BĐS” - một cán bộ ngân hàng cho biết.


Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho rằng xu hướng thị trường BĐS còn nhiều khó khăn nhưng sợ nhất là thị trường tài sản bị mất niềm tin.


Cứu thị trường BĐS


Tôi cho rằng nhiệm vụ sắp tới của Chính phủ là làm sao khôi phục lại các thị trường tài sản (BĐS, chứng khoán). Vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã tháo vốn tín dụng cho một số lĩnh vực xây dựng, đầu tư ở kênh BĐS nhưng tôi cho rằng ngân hàng cần hỗ trợ mạnh hơn nữa. Dự kiến sắp tới, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia sẽ đưa ra các đề xuất rót thêm tín dụng cho các lĩnh vực khác của BĐS.


TS LÊ XUÂN NGHĨA, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia


DN BĐS và ngân hàng cần ngồi lại với nhau


Nợ xấu BĐS trong ngân hàng ai cũng biết nhưng lúc này theo tôi là hai bên DN và ngân hàng phải ngồi lại bàn với nhau. Cả hai phải tin nhau thì mới có hướng giải quyết các khó khăn về thanh khoản, về nợ hiện tại. Vì nếu DN có phá sản thì ngân hàng cũng bị tác động.


Ông VÕ TRÍ THÀNH, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương


Giá căn hộ còn giảm

Theo tôi, giá các căn hộ ở vùng ven TP.HCM sắp tới sẽ còn giảm nữa. Giá căn hộ còn giảm vì thu nhập để trả tiền mua nhà của người dân chưa tương xứng, mặt khác hạ tầng các dự án ở vùng ven TP chưa đồng bộ, kết nối là yếu tố quan trọng. Nói BĐS còn giảm giá vì so với Thái Lan, Malaysia dự án căn hộ ở các nước này có hạ tầng tốt hơn nhưng giá không cao như Việt Nam là ví dụ.


Ông ĐOÀN NGUYÊN ĐỨC, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai

Theo Bùi Nhơn (Pháp luật TPHCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.