Trong mùa đại hội cổ đông ngân hàng năm nay, việc Eximbank thay Tổng Giám đốc (CEO) được xem là động thái khá bất ngờ khi người vừa kế nhiệm ông Trương Văn Phước - ông Nguyễn Quốc Hương - chỉ mới tại vị chính thức được 4 tháng (hồi tháng 9.2013, ông Hương là quyền CEO và đến tháng 12 thì chính thức giữ vị trí này). Người thay ông Hương là ông Phạm Hữu Phú.

Ông Phạm Hữu Phú, người được biệt phái qua Sacombank giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị, giờ đã quay về Eximbank.

Ở kỳ đại hội cổ đông Eximbank năm nay, ông Phạm Hữu Phú được rút về Hội đồng Quản trị nhằm tăng cường nhân lực quản trị cho Ngân hàng. Trước đó, ông Phú là Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank nhiệm kỳ 2008-2012. Từ năm 2012 đến trước kỳ đại hội diễn ra, ông đại diện cho phần vốn của Eximbank được biệt phái qua giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị ở Sacombank.

Như vậy, không những trúng cử trở lại vào vị trí cũ, ông Phú còn được giao thêm trọng trách điều hành Eximbank thay cho ông Hương.

“Ông Phú trở về Eximbank là một điều đáng mừng”, một cổ đông đã chia sẻ tại Đại hội cổ đông Eximbank vừa qua. Lý do của cổ đông này cũng đơn giản: ông Phú là người được biệt phái sang lãnh đạo Sacombank, mà ngân hàng này trong năm qua lại chia cổ tức đến 16% (8% bằng tiền mặt đã được thực hiện và 8% bằng cổ phiếu), trong khi ở Eximbank chỉ có 4%.

Một số ngân hàng khác cũng nhiều lần thay CEO. VIB, chẳng hạn, đã trải qua 4 đời CEO trong vòng 2 năm. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2013, ngân hàng này thay đến 3 lần. Lần đầu tiên là bà Dương Thị Mai Hoa từ nhiệm vào tháng 1. Sau đó vào tháng 5, bà Đàm Bích Thủy từ Ngân hàng ANZ chuyển sang chính thức ngồi vào chiếc ghế nóng. Nhưng chỉ 4 tháng sau đó, bà Thủy cũng từ nhiệm và ông Hàn Ngọc Vũ, đang là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, phải trở về vị trí điều hành.

Ở Techcombank, dù không thay đổi nhiều nhưng ngân hàng này được xem là đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm CEO thay thế. Vị trí CEO được chuyển giao từ ông Nguyễn Đức Vinh sang Simon Morris (người Anh). Đến tháng 8.2013, ông Morris cũng nhường lại chiếc ghế nóng này cho ông Đỗ Tuấn Anh, một thành viên Hội đồng Quản trị.

Cả 3 ngân hàng trên đều có một điểm chung là thay CEO liên tục trong bối cảnh tình hình kinh doanh không mấy khả quan. Lợi nhuận trước thuế của Techcombank giảm 13,7% trong năm 2013, trong khi năm trước đó giảm tới 75,9%. Còn ở VIB, lợi nhuận trước thuế năm ngoái chỉ bằng khoảng 11,5% so với năm 2012.

Trên thực tế, việc thay CEO cũng là chuyện bình thường khi kết quả kinh doanh không thỏa mãn được Hội đồng Quản trị và cổ đông. Thế nhưng, có vẻ như đây là một vòng lẩn quẩn khi mà kết quả kinh doanh yếu kém dẫn tới việc thay CEO, nhưng chính việc thay CEO lại khiến cho hoạt động ngân hàng không ổn định và dẫn đến kết quả kinh doanh kém.

Vòng lẩn quẩn này đang xuất hiện ngày càng nhiều trong ngành ngân hàng, một phần là do bối cảnh chung của thị trường. Nói như Chủ tịch Eximbank Lê Hùng Dũng, đó là “không ngờ được tình hình thị trường lại xấu đến như vậy”.

Vòng lẩn quẩn vẫn sẽ tiếp tục cho đến khi ngân hàng tìm kiếm được người thích hợp, giải quyết được những trục trặc trong việc kết nối chiến lược và điều hành trực tiếp trong bối cảnh môi trường kinh doanh ngân hàng đang thay đổi nhanh chóng.

Có một thực tế là chuyện tìm kiếm CEO cho ngân hàng không hề đơn giản, như trường hợp của Ngân hàng Đông Á. Ngân hàng này đã mất nhiều năm để đào tạo CEO kế nhiệm. Nhưng cho đến giờ này, vị trí CEO vẫn do ông Trần Phương Bình nắm giữ, trong khi ông Bình là người được biết đến nhiều hơn dưới vai trò lập chiến lược, thay vì điều hành trực tiếp.

Hầu hết các ngân hàng đang gặp khó khăn đều ưu tiên lựa chọn “người cũ” để điều hành. VIB hiện giờ có ông Vũ, nguyên là Chủ tịch Hội đồng Quản trị và cũng từng giữ vai trò điều hành trong giai đoạn 2006-2008. Ở Techcombank, có Tổng Giám đốc Đỗ Tuấn Anh, cũng là người kinh qua nhiều vị trí điều hành và có chân trong Hội đồng Quản trị. Tại Eximbank là sự quay về của ông Phạm Hữu Phú.

Hãy trở lại với Eximbank. Năm 2014, ngân hàng này đặt kế hoạch lợi nhuận là 1.800 tỉ đồng, cao gấp đôi so với mức thực hiện trong năm 2013, nhưng vẫn chỉ tương đương gần 64% so với năm 2012.

Tính đến hết quý I/2014, lợi nhuận trước thuế của Eximbank là 441 tỉ đồng, còn tính chung 4 tháng đầu năm là gần 600 tỉ đồng. “Trong 8 tháng còn lại, khả năng hoàn thành kế hoạch của Eximbank là khả quan”, Chủ tịch Lê Hùng Dũng cho biết.

Thanh Phong (Nhịp cầu đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.