11/04/2016 10:35 AM
Hàng chục năm sinh sống và đi lại bằng lối đi chung qua nhà 28 - Ngõ 165 ngõ chợ Khâm Thiên, bỗng một ngày các hộ dân có quyền lợi liên quan phát hiện lối đi này đã được cấp "sổ đỏ" cho một hộ liền kề.
Lối đi đang diễn ra tranh chấp.
Kỳ lạ hơn, quy trình cấp sổ đỏ có dấu hiệu được "làm tắt". Theo đó, "sổ đỏ" được UBND quận Đống Đa cấp năm 2005 căn cứ trên hồ sơ do hộ dân cung cấp và chính quyền phường Trung Phụng xác nhận từ năm 1998 (!?).
Trong đơn khiếu nại gửi Báo Hànộimới, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, gia đình ông sinh sống tại số nhà 30 - Ngõ 165 - ngõ chợ Khâm Thiên từ những năm 50 của thế kỷ trước. Trên diện tích 112m2 có 3 hộ gia đình cùng sinh sống, trong đó gia đình ông Tuấn sử dụng khoảng 40m2 phía mặt tiền, phần diện tích bên trong thuộc quyền sử dụng của em gái ông Tuấn - bà Nguyễn Mỹ Liên và chú ruột là ông Nguyễn Như Ngạn. Mảnh đất liền kề tại số nhà 28 thuộc sở hữu của ông Nguyễn Như Ngà - anh trai ông Ngạn. Suốt 50 năm nay, gia đình bà Liên và ông Ngạn chỉ sử dụng lối đi duy nhất là con ngõ nhỏ đi qua mảnh đất của ông Ngà để ra Ngõ 165.
Năm 1964, ông Ngà bán mảnh đất tại số nhà 28 cho gia đình bà Nguyễn Thị Sẻ, việc đi lại của các hộ dân tại số nhà 30 qua nhà bà Sẻ vẫn diễn ra bình thường. Sau nhiều năm sinh sống hòa thuận, bất ngờ năm 2015 gia đình bà Sẻ thông báo chuẩn bị xây dựng khu vệ sinh riêng trên diện tích ngõ đi chung. Lý do bà Sẻ đưa ra là lối đi này nằm trong diện tích đất thuộc quyền sử dụng của gia đình bà, đã được UBND quận Đống Đa cấp Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất năm 2005. Quá bức xúc, gia đình ông Tuấn đã có đơn kiến nghị gửi UBND phường Trung Phụng và UBND quận Đống Đa đề nghị làm rõ sự việc.
Tiếp xúc với phóng viên Báo Hànộimới, ông Tuấn cho biết: "Theo quy định, khi thực hiện các thủ tục xét duyệt cấp GCN cho gia đình bà Sẻ, cán bộ địa chính phường và quận phải xuống hiện trường đo đạc, xác minh hiện trạng thửa đất và lấy ý kiến các hộ liền kề. Nếu các cán bộ chuyên trách làm đúng chức năng, chắc chắn sẽ không có chuyện cấp đất lối đi chung vào "sổ đỏ" của gia đình bà Sẻ. Nếu bà Sẻ xây dựng nhà vệ sinh trên lối đi này, gia đình bà Liên và ông Ngạn chỉ còn cách phải đi qua phòng khách nhà tôi!".
Bà Hứa Thị Xuân Liên - Chủ tịch UBND phường Trung Phụng cho biết: "Ngày 22-9-2005 gia đình bà Sẻ đã được UBND quận Đống Đa cấp GCN số 10109233170 theo Quyết định số 2810/2005/QĐ-UBND với diện tích 34,8m2. Hiện, hồ sơ xét duyệt cấp GCN của bà Sẻ được lưu trữ tại Phòng TNMT quận Đống Đa. Sau khi nhận được đơn đề nghị hòa giải của bà Sẻ, UBND phường đã phối hợp cùng Phòng TNMT quận, tổ dân phố và Ban Hòa giải Khu dân cư số 6 tổ chức 3 cuộc họp hòa giải giữa hai bên nhưng bất thành.
Tại các buổi họp, bà Sẻ cho biết do trước đây khi mua mảnh đất của ông Ngà, vì không có nhà vệ sinh nên gia đình bà đã chừa lại lối đi vào khu vệ sinh phía trong nhà ông Tuấn. Về phía ông Tuấn khẳng định lối đi này đã tồn tại từ 50 năm nay, đề nghị phải giữ nguyên trạng để các hộ có quyền lợi liên quan cùng sử dụng. Do các bên không đi đến thống nhất, UBND đã hướng dẫn các hộ dân đưa vụ việc ra tòa án dân sự để giải quyết tranh chấp theo đúng quy định".
Để làm rõ quy trình cấp GCN cho gia đình bà Sẻ, phóng viên Báo Hànộimới đã làm việc với ông Vũ Xuân Tiến - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Đống Đa. Theo ông Tiến, quy trình cấp "sổ đỏ" cho gia đình bà Sẻ được áp dụng theo Quyết định số 23/2005/QĐ-UBND ngày 18-2-2005 của UBND TP Hà Nội. Theo quy định, người có nhu cầu được cấp GCN phải có đơn xin cấp GCN, đăng ký nhà ở - đất ở và giấy tờ xác nhận việc mua bán, chuyển nhượng thửa đất gửi UBND phường. Hội đồng đăng ký nhà đất phường tổ chức xét duyệt và chuyển biên bản xét duyệt kèm toàn bộ hồ sơ lên UBND quận đề nghị xem xét cấp GCN cho người dân. Khi xem xét hồ sơ, nếu phát hiện hội đồng xét duyệt phường làm thiếu thủ tục, UBND quận phải chỉ ra và yêu cầu hoàn thiện trước khi cấp GCN theo đúng quy định.
Tuy nhiên, trái với phát ngôn của ông Tiến, trong bộ hồ sơ xét duyệt cấp GCN của gia đình bà Sẻ, toàn bộ đơn xin cấp GCN, đăng ký nhà ở và đất ở, biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất đều được thực hiện từ năm 1998! Kỳ lạ hơn, tại Biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất được đo đạc ngày 14-2-1998, phần chủ sử dụng đất chỉ có chữ ký của ông Phạm Văn Cường - con trai bà Sẻ, trong khi GCN do UBND quận cấp lại do bà Nguyễn Thị Sẻ đứng tên. Tại phần chữ ký của các chủ sử dụng đất có chữ ký nhưng không có họ và tên ông Tuấn.
Tuy nhiên, ông Tuấn khẳng định chưa từng ký tên vào biên bản nào tương tự, chữ ký tại biên bản không phải chữ ký của ông! Duy nhất Đơn trình bày do bà Sẻ viết tay được thực hiện ngày 22-8-2003 có xác nhận của đại diện tổ dân phố. Điều đó có nghĩa, năm 2005 UBND quận Đống Đa đã làm thủ tục cấp GCN cho bà Sẻ dựa trên những hồ sơ được thiết lập trước đó 7 năm và "bỏ qua" luôn phần xác nhận của các hộ liền kề, có quyền lợi liên quan trực tiếp. Khi phóng viên đặt câu hỏi: Vì sao khi thực hiện việc cấp GCN cho bà Sẻ theo QĐ 23/2005/QĐ-UBND, UBND quận Đống Đa không áp dụng những quy trình, tiến hành lại các bước trong hồ sơ xét duyệt tại thời điểm đó? Ông Tiến không đưa ra được câu trả lời.
Bảo Nga - Thùy Ngân (HNM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.