Các dự án cao tốc chậm tiến độ, phân bố không đồng đều giữa các vùng miền vừa gây lãng phí vừa cản trở sự phát triển của nhiều địa phương.

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại Quốc hội ngày 9/6, nhiều đại biểu quốc hội đề cập đến tình trạng nhiều dự án cao tốc hiện đang chậm tiến độ, sự “lệch pha” trong việc phát triển cao tốc giữa các vùng miền.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn Đại biểu TP.HCM, cho biết không những xây dựng chậm mà các tuyến đường bộ cao tốc ở Việt Nam phân bổ không đồng đều ở các vùng miền.

Đặc biệt, tình trạng trắng cao tốc tại các vùng kinh tế động lực như Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, vùng có vị trí chính trị quan trọng như Tây Nguyên, Tây Bắc.

Cụ thể, vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ bao gồm 8 tỉnh thành phố hiện chiếm 45% GDP cả nước và đóng góp 42% ngân sách quốc gia nhưng chưa được đầu tư đường bộ cao tốc tương xứng và có dấu hiệu lệch pha. Nếu như cả nước hiện có khoảng 1.160km cao tốc thì khu vực phía Nam chỉ có chưa đầy 100km.

Tình hình trên kéo dài hàng chục năm qua, việc đầu tư cho hạ tầng giao thông tiêu tốn nguồn lực cực lớn tác động trực tiếp đến hiệu quả của nền kinh tế và đời sống nhân dân.

“Nếu phân bổ hợp lý sẽ thúc đẩy không hợp lý sẽ cản trở sự phát triển và lãng phí rất lớn”, ông Nghĩa nói.

Hệ thống cao tốc phân bổ đồn đều giữa các vùng miền

Trả lời câu hỏi này, Bộ Trưởng Nguyễn Văn Thể, cho biế Trung ương cũng đã nhận thấy sự bất cập về sự phân bổ hệ thống đường cao tốc trọng điểm quốc gia ở các vùng miền.

Do đó, Bộ đã dành thời gian điều chỉnh quy hoạch, căn cứ phương án dựa trên những con đường mang chiến lược đột phá.

Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án xây dựng 5.000 km cao tốc gồm nhiều tiêu chí. Một trong số đó là đảm bảo cân đối cao tốc giữa các vùng miền. Đặc biệt, khai thác tiềm năng của những khu vực hiện nay đang rất tốt.

Với Đồng bằng sông Cửu Long hệ thống đường cao tốc rất yếu kém do đó dẫn đến thu hút đầu tư gặp khó khăn. Vì thế Bộ đã tham mưu xây dựng đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Trần Đề, kết nối cảng mới Trần Đề cửa ngõ của Đồng bằng sông Cửu Long, còn Châu Đốc sẽ kết nối với Tịnh Biên tuyến đường đi 100km là tới thủ đô Campuchia.

“Đây sẽ là mạng lưới giao thông liên vùng, quốc tế kết nối xuống cảng để đột phá vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi cũng khẳng định là dự án này hoàn thành sẽ mang lại thay đổi rất lớn cho Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Thể nói.

Với dự án Biên Hòa – Vũng Tàu, đây là dự án cứu cánh cho cả vùng Đông Nam Bộ, không có tuyến cao tốc này sáp tới hàng hóa không thể xuống đến cảng Cái Mép – Thị Vải, công suất của cảng này rất lớn, tuyến Quốc lộ 51 đã quá tải.

Ở Tây Nguyên tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột – Khánh Hòa sẽ giúp kết nối toàn bộ các tỉnh Tây Nguyên xuống biển. Khi xong con đường này có thể phát triển Tây Nguyên theo hướng công nghiệp.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, trong quy hoạch và kế hoạch hiện nay, Chính phủ cũng đã nhận thấy một số vùng có tiềm năng rất lớn cần có những đường cao tốc đột phá để các nhà đầu tư đến.

Thứ hai là các vùng hiện nay đang phát triển rất tốt nhưng đang tắc nghẽn hạ tầng sẽ cần tập trung xây dựng.

Ông Thể khằng định, với 5 tuyến cao tốc vừa được phê duyệt đầu tư, cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 và 2 và một số tuyến cao tốc mà các địa phương đang triển khai thì tình hình mất cân đối giữa các vùng miền sẽ được cải thiện.

Theo nhiều đại biểu, để phát triển nhanh hệ thống đường cao tốc, rất cần có những chính sách để thu hút các nguồn lực tư nhân cùng tham gia.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn Hà Nội cho biết, kinh nghiệm của các nước trên thế giới để tiếp sức cho các doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia các hợp đồng đối tác công tư với nhà nước, Chính phủ các nước thường thành lập quỹ phát triển cơ sở hạ tầng giao thông để huy động các nguồn vốn từ xã hội và nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để cho các nhà đầu tư tư nhân vay để tham gia vào các dự án đối tác công tư.

Ngoài ra, trong đối tác công tư còn có một hình thức là khai thác, bảo trì các dự án giao thông. Đây cũng là hình thức hỗ trợ hiệu quả cho các đầu tư tư nhân tham gia vào cùng với nhà nước. Tuy nhiên hiện nay chưa có khung pháp lý về vấn đề này.

Trả lời Bộ trưởng Thể cho biết, về quỹ phát triển hạ tầng giao thông, Thủ tướng đã có chỉ đạo giao cho các bộ ngành nghiên cứu.

“Chúng ta rất mong hình thành quỹ như vậy trong đó có vốn nhà nước, có vốn tư nhân, nhà hảo tâm, có cơ chế lãi suất. Trong đề án 5.000km cao tốc Thủ tướng chỉ đạo cũng sẽ hình thành quỹ như thế này”, ông Thể cho biết.

Chủ đề: Cao tốc Bắc Nam,
Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.