Trong lần xuất hiện gần nhất của tôi trong chương trình “Capital Connection” với Chloe Cho, một trong những vị khách tại đây hỏi tôi liệu nhà đầu tư phương Tây có nên đầu tư vào Trung Quốc ở thời điểm hiện tại.
Đối với những người biết tôi nghĩ Trung Quốc là câu chuyện tăng trưởng của thế kỷ 21, họ hẳn đã rất ngạc nhiên. Tôi trả lời rằng nhà đầu tư đơn lẻ cần cân nhắc kỹ về việc đầu tư vào công ty Trung Quốc có niêm yết cổ phiếu tại Mỹ và tốt nhất không nên đầu tư trừ khi họ dám chấp nhận rủi ro thực sự.
Tại sao? Thứ nhất, giá cổ phiếu của các công ty Trung Quốc biến động mạnh, chủ yếu do các quỹ đầu cơ. Khoảng hơn 1 tá công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn NYSE và Nasdaq, vì thế các quỹ đầu cơ nắm lượng lớn cổ phiếu trên thị trường Trung Quốc. Nếu họ gặp khó khăn hay cần thanh khoản, họ sẽ bán cổ phần nhanh chóng.
Thứ hai, bất chấp những cải thiện gần đây, tính minh bạch của các công ty Trung Quốc vẫn còn là dấu hỏi lớn. Công ty nghiên cứu thị trường (China Market Research Group) của tôi từng tiến hành cuộc điều tra với công ty niêm yết để phục vụ cho khách hàng muốn đầu tư số tiền 50 triệu USD.
Chúng tôi phát hiện ra rằng có nhiều thỏa thuận được ký trước đây nhưng cuối cùng không được thực hiện. Nhiều công ty Trung Quốc luôn có 3 bộ sổ sách kế toán, một cho cơ quan thuế, một cho nhà đầu tư và một cho các giám đốc điều hành cao cấp.
Ngoài rủi ro từ kinh doanh, không bao giờ nên đánh giá thấp rủi ro chính trị tại Trung Quốc. Ví dụ, tôi đã từng nói với một người rằng tôi không quá lạc quan về đợt IPO của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc hay việc đầu tư vào công ty nhà nước bởi họ đóng vai trò công cụ chính trị hơn là những liên doanh mang lại lợi nhuận thực tế.
Điều gì tốt cho nền kinh tế không hẳn đã tốt cho nhà đầu tư. Lý do kinh tế Trung Quốc vẫn mạnh trong Đại Khủng hoảng vừa qua chính là Ngân hàng Bank of China và ICBC cho vay tiền trực tiếp theo chỉ đạo của chính phủ để bơm thanh khoản vào hệ thống. Điều này rõ ràng tốt cho nền kinh tế nhưng không hề tốt cho nhà đầu tư bởi họ sẽ phải đương đầu với nhiều năm nợ xấu.
Cùng lúc đó, bộ phận điều hành tại nhóm công ty nhà nước lớn quan tâm đến việc giành sức mạnh chính trị hơn là kiếm ra tiền. Nhiều quan chức tại Ngân hàng Trung ương Trung Quốc trước đây từng làm việc tại ngân hàng nhà nước lớn, nhiều người trong số họ làm việc luân phiên tại các vị trí theo sự chỉ đạo của chính phủ.
Hãy tưởng tượng Tổng thống Obama chỉ đạo giám đốc điều hành Lloyd Blankfein rời Goldman Sachs để làm việc Morgan Stanley vài năm trước khi chuyển sang Bank of America và sau đó về thay thế cho chủ tịch FED.
Để ngăn giá xăng tăng cao, chính phủ có thể buộc 2 “đại gia” năng lượng lớn là Petrochina và Sinopec hạ giá dù điều này “giết chết” lợi nhuận biên của họ. Thực tế rằng nhiều khi chính phủ Trung Quốc muốn các tập đoàn nhà nước kiếm ra tiền nhưng nếu đầu tư vào đây, bạn cần giỏi chính trị nhiều hơn giỏi kinh doanh.
Cùng cần tính đến yếu tố chính trị nếu muốn đầu tư vào công ty tư nhân. Việc chính phủ thay đổi chính sách đột ngột mà không cảnh báo trước có thể ảnh hưởng xấu đến công việc kinh doanh của các công ty và giá cổ phiếu.
Ví như chính phủ Trung Quốc hạn chế chơi trò chơi trực tuyến bởi người trẻ tuổi nước này ngày một nghiện và chính phủ coi đó như vấn đề xã hội. Lập tức hoạt động kinh doanh của công ty kinh doanh trò chơi trực tuyến như Netease, Shanda và Sohu sẽ chịu tác động không ít.
Rủi ro nhiều như vậy, nhà đầu tư cá nhân nên suy nghĩ thế nào khi đầu tư vào Trung Quốc? Cách thứ nhất, nhà đầu tư có thể mua cổ phiếu của các công ty phương Tây kiếm được lợi nhuận cao tại Trung Quốc như Yum Brands hay dành tiền thâu tóm tài sản ở công ty như Rio Tinto, nhóm công ty đóng vai trò quan trọng trong đáp ứng nhu cầu hàng hóa cao của Trung Quốc.
Nếu bạn mạo hiểm hơn, hãy đầu tư trực tiếp vào cổ phiếu Trung Quốc hiện đang niêm yết tại thị trường Mỹ hay Hồng Kông. Hãy đảm bảo bạn đã phân tích tốt và lờ đi lời khuyên của những chuyên gia giám sát Trung Quốc mà không thực sự sống tại đây. Tôi hết sức ngạc nhiên về việc nhiều người trở thành chuyên gia về Trung Quốc mà không hề sống tại đất nước này ngày nào, không nói tiếng quan thoại, họ chỉ đến Trung Quốc mỗi năm 1,2 lần. Tin tưởng họ, bạn quá mạo hiểm.
Nếu bạn đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc, tìm đến những công ty đi đầu làn sóng tăng trưởng lớn sau:
Thứ nhất, người Trung Quốc đang quan tâm nhiều hơn đến đi du lịch. Khoảng hơn 50 triệu người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài hàng năm và người Trung Quốc tiêu dùng nhiều nhất trong các nhóm du khách đến Pháp.
Người tiêu dùng Trung Quốc hiện giống người tiêu dùng Nhật thập niên 1980. Mỗi năm họ mua 9 tỷ USD hàng hóa xa xỉ và 60% số hàng đó được mua trong khi đi du lịch. Hãy đầu tư vào nhóm công ty hoạt động trong mảng du lịch và giải trí cũng như phục vụ cho nhu cầu du lịch để mua hàng xa xỉ của Trung Quốc.
Sức mua hàng của phụ nữ Trung Quốc cũng tăng mạnh trong thời gian gần đây. Trong hộ gia đình Trung Quốc, thu nhập của người phụ nữ chiếm 50%, cao hơn so với con số 20% vào thập niên 1950. Tại các trường đại học, số sinh viên nữ nhiều hơn sinh viên nam. Hãy đầu tư vào nhóm công ty phục vụ trong lĩnh vực sức khỏe và đã gây dựng được uy tín với phụ nữ Trung Quốc.
Cuối cùng, tăng trưởng tốt nhất sẽ không đến từ nhóm công ty trụ sở tại thành phố cấp một như Thượng Hải và Bắc Kinh mà là thành phố cấp 2 và cấp 3 như Đại Liên, Thành Đô và Hợp Phì. Nên đầu tư vào nhóm công ty không chỉ có hệ thống phân phối, bán hàng mạnh mà cần phải có cả thương hiệu mạnh.
Kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng tốt. Chính phủ Trung Quốc đã định hướng tốt quá trình “hạ cánh an toàn” trong lĩnh vực bất động sản và hoạt động tín dụng tăng trưởng quá nóng trong năm 2009 nay đã dịu bớt. Tuy nhiên, việc đầu tư vào công ty Trung Quốc dù có thể mang lại lợi nhuận cao nhưng vẫn tiềm ẩn đầy rủi ro.
Tác giả bài viết là ông Shaun Rein, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Tổ chức nghiên cứu thị trường Trung Quốc (China Market Research Group). Ông viết cho Forbes về chủ đề nhà lãnh đạo, tiếp thị và Trung Quốc.
Theo Forbes