Điển hình là câu chuyện ở chung cư Hoàng Tháp, thuộc
dự án Khu dân cư Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Chủ đầu tư
và khách hàng giằng co nhau từ việc tổ chức hội nghị nhà chung cư bầu
ban quản trị đến bàn giao tòa nhà cho cư dân. Việc xác định các phần sử
dụng chung - riêng liên tục bị đem ra tranh cãi gay gắt. Mâu thuẫn giữa
doanh nghiệp và khách hàng lên đến đỉnh điểm khi lối thoát hiểm và thiết
bị vận hành tòa nhà bị các bên niêm phong.
Để hỗ trợ cư dân và chủ đầu tư thực hiện tốt việc quản
lý chung cư Hoàng Tháp, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Đoàn Nhật đã
phải chủ trì cuộc họp lắng nghe ý kiến các bên vào ngày 26/7. Ông Nhật
đề nghị cả chủ đầu tư và ban quản trị phải bình tĩnh, kiềm chế, tháo bỏ
niêm phong trên lối thoát hiểm và các thiết bị nhằm giữ trật tự, an toàn
cho cư dân tòa nhà.
Theo ông Nhật, vấn đề sở hữu chung riêng các bên cần
ngồi lại bàn bạc, thống nhất để xác định cụ thể với tinh thần kiên trì,
tránh gây xung đột. Trong trường hợp không thể thương lượng thì các bên
có thể khởi kiện tại Tòa án huyện Bình Chánh để được bảo vệ quyền lợi
theo quy định của pháp luật.
|
Mặt tiền chung cư Khang Phú, quận Tân Phú khá bình
lặng, thế nhưng đây là một trong những chung cư đã diễn ra nhiều tranh
chấp giữa chủ đầu tư và khách hàng, dẫn đến việc cư dân treo bảng phản
đối chủ đầu tư. Ảnh: Vũ Lê. |
Trong khi Hoàng Tháp rối ren về chuyện bầu ban quản
trị và diện tích chung riêng thì cư dân Cantavil Hoàn Cầu lại bất bình
về các loại phí ngất ngưởng trong tòa nhà. Ngày 30/7, nhiều khách hàng
đã kéo đến Công ty Liên doanh Phát triển nhà Daewon Hoàn Cầu, quận Bình
Thạnh, TP HCM, yêu cầu chủ đầu tư giải trình vấn đề này.
Theo khiếu nại của cư dân Hoàn Cầu, để được nhận nhà,
giữa năm 2009 khách mua căn hộ phải nộp một khoản phí tương đương 10 USD
mỗi m2, cho toàn bộ diện tích căn hộ để lập quỹ bảo trì. Thêm vào đó,
phí quản lý chung cư được chủ đầu tư thu 1 USD mỗi mét vuông một tháng,
cao hơn các ngưỡng quy định tại Quyết định 245 do UBND TP HCM ban hành
năm 2005. Không những thế, chủ đầu tư còn thông báo sẽ thu phí bảo trì
theo khung giá mới, tương đương 2% giá bán căn hộ trước thuế.
Trước những bức xúc trên, đại diện chủ đầu tư, Kế toán
trưởng Công ty Liên doanh Phát triển nhà Daewon Hoàn Cầu Sang Young Kyu
hứa sẽ tổ chức họp toàn bộ các hộ dân tại dự án này để giải quyết các
khiếu nại.
Còn chung cư Khang Phú, thuộc phường Hòa Thạnh, quận
Tân Phú, đã xảy ra tình trạng cư dân treo bảng hiệu phản đối Công ty cổ
phần đầu tư và phát triển địa ốc Khang Gia (chủ đầu tư). Các vấn đề được
cư dân phản đối kịch liệt là: chủ đầu tư yêu cầu khách hàng ký hợp đồng
mua bán sai quy định pháp luật, chưa tuân thủ đúng việc bảo trì tòa
nhà, chiếm giữ trái phép nhà sinh hoạt cộng đồng...
Khẩu hiệu của cư dân Khang Phú nhanh chóng bị UBND
phường Hòa Thạnh yêu cầu tháo bỏ. Sở Xây dựng TP HCM cũng vào cuộc mời
chủ đầu tư và ban quản trị chung cư cùng giải quyết khiếu nại vào ngày
4/8.
|
Ông Sang Young Kyu, Kế toán trưởng của Công ty Liên
doanh Phát triển nhà Daewon Hoàn Cầu ghi nhận khiếu nại của chủ các căn
hộ. Ảnh: Vũ Lê. |
Trong khi đó, một số cư dân sống tại cao ốc Tản Đà,
quận 5, đang thắc mắc về việc chủ đầu tư thu đủ tiền theo diện tích sàn
đã ký, nhưng họ nhận được sổ hồng (giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà) lại
"bốc hơi" trung bình 5-9 m2. Một hộ dân ước tính, với giá 1.800 USD mỗi
m2 thì khách phải chịu thiệt 9.000-16.000 USD do diện tích bị ngót đi.
Đó là chưa kể các khoản phí quản lý, bảo trì đều tính theo diện tích căn
hộ.
Chủ đầu tư cao ốc Tản Đà cho hay, doanh nghiệp đang
chờ những hướng dẫn mới nhất của các cơ quan chức năng quản lý việc cấp
giấy chứng nhận để làm cơ sở giải quyết thỏa đáng cho người dân về diện
tích bị hụt hoặc dôi ra.
Trên thực tế, TP HCM đã diễn ra nhiều sự cố xung đột
quyền lợi, tranh chấp khi vận hành, quản lý nhà chung cư. Hầu như địa
phương nào cũng xảy ra tình trạng tranh chấp: quận 8 có chung cư Mỹ
Thuận, quận 7 có chung cư Hoàng Kim, chung cư Hùng Vương ở quận 5, Gia
Phú quận Bình Tân... Các khiếu nại chỉ tạm lắng khi được xoa dịu bằng
giải pháp là thỏa thuận, thương lượng. Tuy nhiên, sóng gió trong nhà
chung cư vẫn chực nổi lên khi chủ đầu tư không có hướng giải quyết dứt
điểm các xung đột này hoặc chính quyền địa phương thiếu quan tâm sâu
sát.
Trao đổi với VnExpress.net, Chủ tịch Hiệp hội
bất động sản TP HCM Lê Hoàng Châu nhận định, tranh chấp giữa khách hàng
và chủ đầu tư về các vấn đề xung quanh vận hành, quản lý, sử dụng nhà
chung cư... là quan hệ dân sự giữa chủ đầu tư và khách hàng.
Trong mối quan hệ này, chủ đầu tư đóng vai trò là
người bán hàng, cư dân là người mua, tranh chấp xảy ra khi dịch vụ hậu
mãi chưa thực hiện tốt. "Cách ứng xử của chủ đầu tư nào tốt, linh hoạt,
hợp tình hợp lý thì doanh nghiệp đó sẽ nắm được thị trường, tiêu thụ sản
phẩm tốt và được lòng khách hàng. Bằng ngược lại uy tín của doanh
nghiệp sẽ bị ảnh hưởng", ông Châu nói.
Theo chuyên gia này, công tác hậu mãi (giai đoạn sau
khi đã xây xong và bán hết căn hộ) nếu không được thực hiện tốt thì phần
thiệt sẽ nghiêng về phía chủ đầu tư. Bởi lẽ, thái đột hậu mãi không tốt
khách hàng sẽ nhanh chóng tẩy chay doanh nghiệp.
"Nghệ thuật chăm sóc 'thượng đế' sau khi bán xong hàng
là chiến lược lâu dài để xây dựng và khẳng định thương hiệu. Chủ đầu tư
cần nhìn việc giải quyết tranh chấp nhà chung cư không chỉ là trách
nhiệm mà còn là cách bảo vệ quyền lợi của chính mình", ông Châu nói.
Trong khi đó, nhiều luật sư lại cho rằng, Luật Nhà ở,
Quyết định 08 của Bộ Xây dựng về quản lý vận hành nhà chung cư không thể
theo kịp những diễn biến phức tạp của thực tế đã phần nào thổi bùng lên
các tranh chấp. Chính vì vậy, cần phải nhanh chóng bổ sung, điều chỉnh
luật để cụ thể hóa các quy định vào thực tiễn.
Cafeland - Theo Vũ Lê - Vnexpress