07/03/2018 9:04 AM
CafeLand – Theo báo cáo của Tổng Cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2018 tăng tới 0,73 - mức cao nhất trong vòng 6 năm qua. Trước đó, tháng 1 CPI cũng tăng tới 0,51% đây cũng là mức khá cao so với một số năm gần đây. Trước hiện tượng lạm phát tăng mạnh, mới đây Bộ Tài chính đã có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương về tăng cường công tác quản lý giá sau Tết nhằm giữ ổn định lạm phát.

Việc chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 tăng mạnh cũng là điều dễ hiểu bởi đây là dịp Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Thực tế, những năm trước đây CPI tháng 2 cũng thường tăng mạnh do nhóm hàng lương thực, thực phẩm và giao thông tăng cao. Năm 2018, cũng không phải ngoại lệ nhóm hàng lương thực, thực phẩm vốn có tỷ trọng cao nhất (39%) trong rổ hàng hóa tính CPI đã tăng tới 1,53%, đóng góp tới 0,6 điểm phần trăm cho mức tăng CPI của tháng 2. Phần lớn mặt hàng khác đều có mức tăng tương đối thấp.

Diễn biến CPI tháng 1 và tháng 2 các năm. Nguồn: Tổng cục thống kê

Tuy nhiên, so sánh với một số năm gần đây, lạm phát tháng 2 năm 2018 lại có mức tăng khá cao. Cụ thể, mức lạm phát tháng 2 này cao nhất trong vòng 6 năm lại đây. Điều này khiến nhiều người lo ngại đó là tín hiệu lạm phát có thể bắt đầu tăng trở lại trong năm 2018 sau một thời gian dài giữ ở mức độ khá thấp. Đặc biệt, khi Chính phủ đẩy mạnh việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế qua việc tăng đầu tư và tăng tín dụng.

Trước đó, Quốc hội đưa ra chỉ tiêu kinh tế lạm phát năm 2018 tăng 4%, tức cao hơn mức 3,53% của năm 2017. Vì vậy việc lạm phát 2 tháng đầu năm có dấu hiệu tăng mạnh đe dọa việc thực hiện mục tiêu lạm phát cả năm khiến Bộ Tài chính lo ngại. Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả, thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn thị trường, giá cả.

Đặc biệt, Bộ Tài chính cũng đề nghị trong quý 1/2018 không tăng giá các mặt hàng, dịch vụ thuộc thẩm quyền Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quản lý như dịch vụ khám bệnh chữa bệnh, giáo dục, dịch vụ vệ sinh môi trường, trông giữ xe, tham quan du lịch, lưu trú buồng phòng, thuê mặt bằng kinh doanh tại chợ, trung tâm thương mại ...

Nhiều người đánh giá cao những động thái của Bộ Tài chính trong vấn đề kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, cũng có một số chuyên gia cho rằng những động thái trên của Bộ Tài chính là không cần thiết. Họ lập luận, việc CPI tăng mạnh trong tháng 2 như vừa qua là điều bình thường. Hơn nữa, những can thiệp “hành chính” của Bộ Tài chính không giải quyết được gốc vấn đề. Lạm phát cao hay thấp phụ thuộc vào các chính sách tiền tệ và đầu tư nhiều hơn là sự tăng giá nhất thời của các hàng hóa hay dịch vụ. Tức là các chính sách nhằm kiềm chế lạm phát thuộc Ngân hàng Nhà nước chứ không phải là của Bộ Tài chính.

Hoàng Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.