Đây là nhận định của Trưởng bộ phận nghiên cứu lãi suất - Ngân hàng Standard Chartered, ông Edward Lee trong buổi họp báo về Triển vọng và nguy cơ của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2011 do Standard Chartered tổ chức cuối tháng 10 qua.
Theo nhận định của Ngân hàng Standard Chartered, tỷ giá USD/VND chính thức sẽ vượt mức 20.000 đồng/USD vào năm 2011

Kể từ tháng 3/2008, VND đã giảm 23,3% so với USD. Trong năm 2010, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần phá giá tiền đồng.

Lần gần nhất là 18/8/2010 với mức phá giá 2,1%. Tỷ giá USD/VND theo niêm yết của các ngân hàng thương mại đã luôn ở mức kịch trần từ đó đến nay.

Trên thị trường tự do, tỷ giá giao dịch USD/VND vượt mức 20.000 đồng/USD. Do đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang chịu áp lực lớn từ phía thị trường trong việc phá giá tiền đồng.

Theo nhận định của Standard Chartered, tỷ giá USD/VND chính thức có thể sẽ đạt mức 20.800 đ/USD vào cuối năm 2011, tăng khoảng 6,66% so với cuối năm 2010.

Tăng trưởng GDP năm 2011 dự kiến đạt 7,2%. Việt Nam cùng với Indonesia và Ấn Độ là 3 nước châu Á duy nhất có mức tăng trưởng năm 2011 cao hơn năm 2010.

Standard Chartered cũng kỳ vọng sau Đại hội Đảng vào tháng 1/2011, chính phủ Việt Nam sẽ có những chính sách mới nhằm thúc đẩy nền kinh tế.

Dự báo tỷ lệ lạm phát năm 2011 sẽ ở mức 10,5% sau khi đã được kiềm chế quá mức trong năm 2010.

Các nguyên nhân chủ yếu do việc hàng hoá nguyên liệu và thực phẩm trên thế giới tăng kéo theo sự tăng giá hàng hóa trong nước.

Ngoài ra, sự mất giá của tiền đồng cũng sẽ gây áp lực lớn lên tốc độ tăng CPI. Với mục tiêu phát triển kinh tế ở mức cao, việc kiềm chế lạm phát đối với Chính phủ là rất khó khăn.

Lạm phát tăng cao trong những tháng vừa qua sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước phải thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm 2010. Mục tiêu hạ lãi suất xuống mức “vào 10, ra 12” có thể sẽ phải xem xét lại, và nếu đạt được sớm nhất cũng phải đến quý II/2011.

Về thị trường trái phiếu, khối lượng phát hành trong năm 2010 cao đột biến, đẩy tổng giá trị trái phiếu đang lưu hành lên 211 nghìn tỷ đồng, tăng 23% so với 2009.

Thông tư 13 có hiệu lực từ 1/10/2010 và Luật các tổ chức tín dụng mới có hiệu lực từ tháng 1/2011 yêu cầu các ngân hàng nước ngoài tăng khối lượng sở hữu trái phiếu. Điều này thúc đẩy việc tham gia của khối ngân hàng này hệ thống thanh toán liên ngân hàng.

Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục là động lực chính thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển khi họ nắm giữ hơn 70% tổng khối lượng trái phiếu toàn thị trường.

Cafeland.vn - Theo DVT
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland