18/05/2011 6:49 AM
Trong 10 năm qua, việc chống lạm phát chủ yếu thông qua chính sách tiền tệ nhưng cơ bản là thụ động, được triển khai khi lạm phát đã xảy ra

Ngày 17-5 tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội đã công bố Báo cáo Thường niên kinh tế Việt Nam 2011 với chủ đề Nền kinh tế giữa ngã ba đường.

TS Nguyễn Đức Thành, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết trung bình một thập kỷ qua, tổng thu ngân sách từ các khoản thu từ thuế và phí chiếm khoảng 21,5% GDP, cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Những chính sách bảo hộ và thuế chồng thuế đang khiến mỗi người dân gánh chịu tỉ lệ thuế trên tổng thu nhập cao gấp 1,4 - 3 lần so với nhiều nước châu Á khác.
Nợ công đang tăng nhanh, ẩn chứa nhiều rủi ro và thách thức. Nợ công nước ngoài và tổng nợ công của Việt Nam đã lần lượt vượt mức 30% và 50% trong những năm gần đây, tuy chưa vượt ngưỡng an toàn nhưng cũng phát đi cảnh báo về việc cần thiết phải thay đổi kế hoạch chi tiêu ngân sách. Sự yếu đi của tiền đồng khiến các khoản vay bằng ngoại tệ tăng lên về quy mô nếu tính theo đồng nội tệ nhưng tính theo giá trị thực, giá trị các khoản nợ này lại giảm vì lạm phát trong giai đoạn 2002-2010 của ta đã lên tới 110%. Như vậy, gánh nặng nợ của Chính phủ đang được san sẻ sang người dân thông qua thuế và lạm phát.

TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, cũng cho rằng tính bền vững và bình đẳng của công cụ thuế rất thấp, vì trong cơ cấu thuế, thuế gián thu ở mức thấp.

Theo nhóm nghiên cứu, tình trạng lạm phát của Việt Nam trong nhiều năm qua đã trở thành căn bệnh kinh niên, là hậu quả của mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng mở rộng yếu tố đầu vào như vốn, tài nguyên mà đối tượng sử dụng vốn chủ yếu là khu vực kinh tế Nhà nước có hiệu quả không cao.

Một phát hiện mới của nhóm nghiên cứu là trong 10 năm qua, việc chống lạm phát của Việt Nam chủ yếu thông qua chính sách tiền tệ nhưng cơ bản là thụ động, được triển khai khi lạm phát đã xảy ra. Lãi suất tự nhiên có xu hướng giảm dần trong giai đoạn 2001-2007 và chỉ tăng trở lại từ năm 2008. Nhưng hiện tượng rất nghiêm trọng trong chính sách lãi suất là lãi suất tự nhiên luôn âm kể từ năm 2004. Như vậy, lãi suất đã đánh mất vai trò dẫn dắt nền kinh tế phân phối nguồn lực một cách hiệu quả, nguồn lực bị dư thừa và sử dụng không hiệu quả ở quy mô lớn.

VEPR đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2011: Nếu chính sách tiền tệ nhất quán thắt chặt đến hết năm, đi liền với cắt giảm chi tiêu công như tinh thần Nghị quyết 11, lạm phát cả năm là 15,5% và tăng trưởng GDP 6,2%. Nếu Chính phủ không quyết liệt chống lạm phát và bình ổn vĩ mô trước sức ép của doanh nghiệp và tăng trưởng như đã từng diễn ra năm ngoái, GDP có thể nhích lên đạt 6,5% nhưng lạm phát sẽ ở mức trên 18% và khả năng vượt ra khỏi tầm kiểm soát là rất cao.

Một khuyến nghị quan trọng khác là cải thiện cán cân thương mại với Trung Quốc, giảm tình trạng nhập siêu từ quốc gia này.

Nâng cao kỷ luật tài khóa

Nhóm nghiên cứu cho rằng tâm điểm rủi ro vĩ mô của Việt Nam trung hạn nằm trong khu vực ngân hàng thương mại. Các ngân hàng cho vay lớn đối với khu vực kinh tế Nhà nước, nhận thế chấp bằng bất động sản, rủi ro rất cao. Cần thay đổi tư duy cho rằng các tập đoàn kinh tế Nhà nước là trụ cột phát triển kinh tế, đi kèm là nâng cao kỷ luật tài khóa. Đối với chính sách lãi suất, Ngân hàng Nhà nước phải thắt chặt trong thời gian đủ dài, điều hành lãi suất độc lập và phải có lãi suất thực dương

Theo Tô Hà (NLĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.