Khi xuất hiện thông tin về sốt đất, làm sao có thể biết được đó là tin thật hay tin giả. Nếu đó là sốt thật, thì nguyên nhân xuất phát từ đâu, hay đó chỉ là chiêu tung tin thổi giá của một số môi giới? Đó là những câu hỏi đang được nhiều người đi tìm câu trả lời.

Quảng Trị từng xôn xao với clip 'sốt đất'

Mượn mạng xã hội để “hô mưa gọi gió”

Đầu tháng 3 vừa qua, nhiều người trên mạng xã hội Facebook đã chia sẻ một video clip mua bán đất tại thôn Hà Xá (huyện Triệu Phong, Quảng Trị) khiến nhiều người xôn xao.

Hàng chục người cùng xe ô tô, xe máy đậu kín con đường bê tông nhỏ bên cạnh khu đất được san phẳng nằm sâu trong 1 khu vực đồi núi. Khu vực xung quanh khu đất này là rừng cây và lăng mộ. Khu đất cũng được cắm mốc bằng bê tông, đánh số thứ tự từ 1 đến 12.

Trong clip, giọng người môi giới liên tục hô số lô rồi dừng lại để chờ người chốt. Tiếp đó, cứ vài phút người đọc lại ra giá, cao nhất là 790 triệu đồng/lô và thấp nhất là 650 triệu đồng/lô. Chỉ trong một thời gian ngắn, toàn bộ 12 lô đất đã nhanh chóng có khách đặt mua.

Ngay sau khi dư luận xôn xao, báo chí lên tiếng, UBND huyện Triệu Phong đã triệu tập cuộc họp khẩn nhằm chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn xã Triệu Ái.

Đồng thời huyện này cũng điều tra, xác minh làm rõ tính pháp lý của các lô đất mà các cá nhân rao bán như trong clip nêu trên để đưa ra những cảnh báo kịp thời cho dư luận.

Khi sự việc tại Quảng Trị vừa tạm lắng xuống thì một cơn sốt đất khác đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Gần cuối tháng 3/2022, địa phương này đã đấu giá 104 lô đất với tổng giá trị hơn 101 tỉ đồng, tỷ lệ tăng so với giá khởi điểm là 365%.

Trong đó, lô trúng cao nhất là 3,12 tỉ đồng (diện tích 209m2, giá khởi điểm 301 triệu đồng). Lô trúng thấp nhất 760 triệu đồng (diện tích 132m2, giá khởi điểm 169 triệu đồng).

Trước đó, tại Văn bản số 190/BC-SXD về việc thực hiện việc công bố thông tin Quý 4 và cả năm 2021 về Nhà ở và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai cho biết, trong quý 4 và cả năm 2021, thị trường bất động sản tại Gia Lai gần như “đóng băng” do tác động của dịch Covid -19 kéo dài và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Tại cuộc họp UBND thường kỳ quý 1/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cũng đã liên tiếng về vấn đề này.

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho rằng công tác quản lý đất đai chưa chặt chẽ, giá đất tại một số vị trí đấu giá tăng đột biến.

Từ thực tiễn nêu trên, lãnh đạo tỉnh này yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, không để phát sinh các vấn đề bất thường gây tác động, ảnh hưởng đến mặt bằng thị trường, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì việc thanh tra, kiểm tra, rà soát các vụ việc thu gom đất nông nghiệp, phân lô bán nền trái quy định và và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Cần minh bạch thông tin về giao dịch bất động sản tại từng địa phương để ngăn chặn các cơn 'sốt đất ảo'

Minh bạch thông tin

Để thị trường bất động sản không còn nhiễu loạn với những thông tin sốt đất, không còn cách nào khác ngoài việc công khai minh bạch các thông tin về quy hoạch, hạ tầng, dự án đầu tư, giao dịch trên thị trường bất động sản ngay từ đầu.

Vào thời điểm cuối của một quý trong năm, Bộ Xây dựng yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo thống kê về tình hình thị trường bất động sản của từng địa phương trong quý.

Thực hiện chỉ đạo từ Bộ Xây dựng, nhiều địa phương trong cả nước đã tổ chức triển khai thực hiện.

Tuy nhiên trên thực tế, nhiều địa phương dường như 'quên mất' việc cần phải công khai minh bạch các thông tin này trên trang web của các sở ban ngành có liên quan.

Việc công khai, minh bạch các thông tin sẽ góp phần ngăn chặn ngay từ đầu việc những nhóm người có chủ ý tạo tin giả 'thổi giá đất' nhằm mục đích trục lợi.

Vậy còn câu chuyện, một khi trên địa bàn xuất hiện thông tin sốt đất, các sở ngành tại địa phương sẽ quản lý và phản hồi ra sao?

Liên quan đến vấn đề này, có thể thấy nhiều địa phương đã thực hiện khá tốt việc kịp thời phản hồi các thông tin thất thiệt nhằm kịp thời ngăn chặn những hành vi sai trái nhằm trục lợi từ các nhóm người có chủ ý.

Đơn cử như Khánh Hòa, khi xuất hiện thông tin về thực tình trạng sốt đất diễn ra trên địa bàn huyện Cam Lâm và các địa phương khác trong tỉnh, tỉnh này đã nhanh chóng phát đi nhiều thông tin cảnh báo, siết chặt quản lý đất đai, xây dựng.

Hay như tại TP. Đà Nẵng, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng đã phát đi 2 thông tin cảnh báo về hiện tượng 'cò' chuyển mục đích đất nông nghiệp sang đất ở trái phép nhằm trục lợi, và thông tin cảnh báo về hiện tượng lợi dụng mạng xã hội để 'thổi giá đất' nhằm trục lợi của một số nhóm người có chủ ý.

Việc ngăn chặn các nhóm người có chủ ý 'thổi giá đất' nhằm trục lợi là điều cần thiết. Song khi địa bàn vừa xuất hiện thông tin sốt đất thì cơ quan nào làm đầu mối để thông tin phản hồi, quy chế trong việc xử lý những thông tin thất thiệt này sẽ được thực hiện ra sao?

Đây là vấn đề thiết thực, qua đó giúp ngăn chặn các hành vi sai trái, đồng thời bảo vệ những người dân cả tin trước các tin đồn thất thiệt.

  • Khánh Hòa ngăn chặn trục lợi từ 2 dự án cao tốc sắp triển khai

    Khánh Hòa ngăn chặn trục lợi từ 2 dự án cao tốc sắp triển khai

    UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có Công văn số 2991/UBND-XDNĐ về việc tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng dự án thành phần đoạn Vân Phong - Nha Trang thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Lê Phước Bình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.