Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần có dấu hiệu vi phạm quy định về trần lãi suất. Ảnh: Giang Huy
Âm thầm và "đi đêm"
Thay vì áp mức lãi suất huy động 8% như niêm yết, một số NH nhỏ theo tìm hiểu vẫn sẵn sàng cộng thêm 1,5% và thậm chí tới 3% cho các khách hàng lớn khi gửi số tiền có đơn vị tỉ đồng. Dĩ nhiên, khoản chênh lệch không ghi trực tiếp vào sổ tiết kiệm hoặc lách chi trả qua hình thức kỳ hạn dài. Một nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội cho biết, chị vừa chia số tiền bán căn hộ gần 4 tỉ đồng thành ba khoản tiền gửi tiết kiệm khác nhau.
“Các NH lớn như VietinBank hay ACB chỉ nhận gửi với lãi suất tối đa 8% hoặc 7,8% cho các kỳ hạn ngắn, không phân biệt số tiền gửi” - trong khi, cũng theo nhà đầu tư này- nhân viên chi nhánh một NH cổ phần đang trong diện tái cơ cấu cam kết sẽ trả lãi suất 10,5-11% cho khoản tiền gửi trên 1 tỉ đồng. Khoản chênh lệch lãi suất sẽ được NH “biến hóa” thông qua hình thức nhận tiền ngay, rút thăm trúng thưởng tiền, tặng quà giá trị lớn hoặc thông qua hình thức gửi kỳ hạn dài lãi suất cao, song vẫn có thể rút trước hạn sau 1 đến 2 tháng.
Anh Việt (ở quận 3, TPHCM) cho biết, sau khi có quy định hạ lãi suất anh đã có ý định rút khỏan tiền nhàn rỗi trong sổ tiết kiệm đang gửi tại NHTM S ra để tìm mua nhà. Tuy nhiên, anh đã được nhân viên ngân hàng này chào mời gửi kỳ hạn 3 tháng để được hưởng mức lãi suất 12,5%/năm. Tùy vào giá trị từng khoản tiền gửi khác nhau mà khách hàng có thể “trả giá” với ngân hàng để có được mức lãi suất kỳ vọng.
Ngược lại, các ngân hàng- nhất là những ngân hàng quy mô nhỏ- cũng không thể từ chối khách hàng và ngồi nhìn các khoản tiền gửi tiết kiệm “đội nón” ra đi, nên đã sẵn sàng “chi” thêm mức chênh lệch ngoài lãi suất thực ghi trên sổ tiết kiệm. Phổ biến nhất là những khoản tiền gửi ở kỳ hạn ngắn từ 1 - 3 tháng và xuất hiện nhiều hơn ở những nhà băng quy mô nhỏ và yếu kém với mức lãi suất thỏa thuận 12 - 14%/năm. Khoản “chi” ngoài bằng tiền này được ngân hàng trả vào cuối kỳ, khi sổ tiết kiệm đáo hạn.
Việc nhà băng vượt trần lãi suất quy định không còn là chuyện mới và bản thân cơ quan ngân hàng trung ương cũng nhận thấy tình trạng này tái diễn suốt thời gian qua. Thống đốc NHNN – ông Nguyễn Văn Bình - trong cuộc trao đổi với báo chí chiều 27.12 cũng thừa nhận, một số NHTM cổ phần gặp khó khăn trong năm 2012 và một số TCTD có dấu hiệu vi phạm quy định về trần lãi suất huy động. Các hình thực lách luật, lách trần lãi suất cũng từng được đại diện NHNN nhìn nhận là hết sức tinh vi và không dễ phát hiện.
Lãi vay vẫn cao
Hiện tại, các DN thuộc các lĩnh vực ưu tiên đang được các NH mời vay vốn với mức lãi suất từ 11,8-12% /năm. Một lãnh đạo NH thương mại cũng cho biết, chỉ cần DN có tài chính ổn định, có khả năng trả nợ thì ngân hàng sẵn sàng cho vay lãi suất 12-13%/năm để kích tín dụng cuối năm, nhưng quan trọng là DN không muốn vay, không dám vay.
Bản thân các DN khi được hỏi đều công nhận hiện có “dễ thở” hơn khi tiếp cận vay vốn; nhưng vẫn có vướng mắc là hầu hết NH thông báo chỉ cho vay kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng, trong khi tiền vay các DN cần thì mang tính dài hơi hơn. Ông Nguyễn Ninh - Giám đốc Cty TNHH XNK Kiến Ninh, ở quận 2, TPHCM - cho biết, ông muốn vay kỳ hạn 1-2 năm để chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh mới với một số đối tác nước ngoài, nhưng phần lớn mức lãi suất hấp dẫn như các NH nói, chỉ cho vay vốn lưu động, ưu đãi lãi suất thấp. Đối với kế hoạch dài hơi thì mức lãi suất vẫn từ 15-18%, rất khó để vay.
Hiện tại, lãi suất huy động tuy hạ nhưng đối với các kỳ hạn dài vẫn neo ở mức cao. Theo giải thích của giới NH, giá vốn cho DN vay phải là giá vốn mua vào cộng với ít nhất 3-4% mới cho ra; nên hiện lãi suất cho vay của các NH đối với các lĩnh vực không ưu tiên vẫn quanh quẩn ở mức 15%/năm. Với mức lãi suất này, trong điều kiện thị trường khó khăn hiện nay, DN không thể vay vốn.
Đối với kênh vay mua nhà thì việc tiếp cận vốn vẫn khó. Trong những tháng cuối năm, nhiều NH thương mại lớn đã dành các gói tín dụng lên tới hàng ngàn tỉ đồng cho vay mua nhà ở với lãi suất ưu đãi. Nhưng thời gian hưởng lãi suất ưu đãi thường chỉ từ 1-3 năm là quá ngắn so với thời gian vay mua nhà thông thường từ 10-15 năm, kèm theo đó là điều kiện vay cũng không dễ dàng gì, nên đã khiến nhiều người có nhu cầu phải ngần ngại.
Theo giám đốc một NH thương mại có trụ sở tại TPHCM, dù có nhiều nỗ lực từ phía NH, nhưng thực tế với lãi suất quá cao vượt thu nhập từ lương thì người dân cũng không thể tiếp cận. Dù đã có nhiều gói cho vay BĐS, nhưng lại rất ít các khoản vay của NH chảy vào nhà ở xã hội.
Một trong những lý do là với mức lương còn thấp và không ổn định, nhiều người không đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn để vay tại các NH. Còn gói hỗ trợ của Chính phủ hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà từ 7 – 8%/năm mới là chủ trương, cũng chưa biết NH nào sẽ được giao để thực hiện, mà dù có thực hiện cũng chỉ tập trung vào nhà ở xã hội; còn nhà ở thương mại, người dân vẫn phải chịu theo mức lãi suất của các NH đưa ra.