Với đại đa số DN, mừng là cảm giác đầu tiên khi nghe tin có khả năng các cơ quan quản lý sẽ tính toán lại chuyện hạ lãi suất thêm một lần nữa, với mức hạ ít nhất là 1%. Tuy nhiên, đằng sau cảm giác mừng, là chuỗi những nỗi lo không dễ nói…

Lãi suất qua đêm liên ngân hàng xuống mức đáy của 3 tháng gần nhất cho thấy các ngân hàng đang thừa vốn khả dụng và là một cơ sở để hạ lãi suất cơ bản. Từ đầu năm đến nay, NNHNN đã 5 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành và 4 lần điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động. (Nguồn: Chứng khoán Rồng Việt)

Nói một cách công bằng thì việc hạ lãi suất nhìn trên bình diện rộng, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thị trường.

Kích hoạt diện mạo mới ?

Rất nhiều DN “than thở” với mức lãi suất quá cao trong thời gian qua, nay sẽ có điều kiện tiếp cận lãi suất thấp, qua đó có giá bán sản phẩm thấp, sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế và cả nội địa đều sẽ cao hơn.

Ngay cả bản thân các DN BĐS, những DN đang có ý đồ mua lại các dự án của những DN đang “giãy chết”, hay đang muốn triển khai các dự án mới hoặc đang tiếp cận tín dụng để giải ngân cho những dự án chưa hoàn thành… đều có thêm cơ hội từ nguồn vốn giá rẻ hơn và qua đó, sẽ mạnh dạn đưa ra các quyết định đầu tư thay vì chỉ “ngắm nghía”, “dè chừng” hoặc “cầm cự” như lúc trước. Điều đó sẽ có ý nghĩa kích hoạt diện mạo của toàn nền kinh tế và thúc đẩy vòng quay tạo tiền đi nhanh hơn, nhất là một khi nền kinh tế đang bước vào cao trào mùa tiêu dùng, chi thưởng, sắm sanh, hoàn công trong dịp lễ Tết cuối năm.

Nhiều DN bất động sản (xin giấu tên) nói với DĐDN rằng: Hạ lãi suất, DN bất động sản (BĐS) sẽ chẳng được lợi gì?

Một vị đại điện DN địa ốc phía Nam phân tích: Phần lớn các khoản vay của DN BĐS hiện nay theo như ông nắm thông tin, vẫn trên mức vay 15%. Tức, DN BĐS chưa hề được kéo các khoản vay cũ của mình về mức 15% theo quy định của NHNN. Hay nói cách khác, một “xác suất” các khoản vay cũ trên dưới 25% trong tổng số dư nợ các khoản vay đã được kéo về trần 15% trong quá khứ, thì “xác suất” đó rơi vào chính các DN BĐS. Lý do? DN BĐS chiếm số lượng các khoản dư nợ không lớn, vì thị trường không có quá nhiều DN BĐS, nếu so với các nhóm ngành xuất nhập khẩu, nông thủy sản... Nhưng, DN BĐS lại chiếm giá trị các khoản dư nợ rất lớn do tài sản thế chấp và mục đích các khoản vay của họ đều là những tài sản/ khoản vay lớn. Do đó, các NHTM nhìn chung đã gác lại “xác suất” này khi thực hiện quy định của NHNN, là họ có… tầm nhìn xa.

Mặt khác, trong trong thời gian qua duy trì một lãi suất cao cũng là cách để các NHTM “có cách” trích lập dự phòng rủi ro. Nhưng, đó mới chỉ là những lý do cho thấy các DN BĐS khó có thể “mơ” được những khoản vay với lãi thấp hơn 15%.

Nỗi lo chung

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11, Bộ trường - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết năm 2012, mức lạm phát có thể vào khoảng 7,5%. Và sang năm 2013, theo mục tiêu mà Chính phủ trình Quốc hội, thì lạm phát sẽ thấp hơn, tăng trưởng cao hơn. Như vậy, lãi suất cũng sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến của lạm phát.

Chính phủ đã có chỉ đạo NHNN ngay trong tháng 12 là phải có phương án cụ thể để kéo lãi suất xuống cho sát tình hình diễn biến của lạm phát”.

Trong vòng quay tạo tiền đang được kỳ vọng sẽ đạt tốc độ nhanh hơn nếu lãi suất giảm thêm 1%, vẫn gợn những lo âu không hề nhỏ. Ông Đỗ Thanh Năm - Chủ tịch HĐQT Cty tư vấn Win Win, chia sẻ với DĐDN: Trong quá trình tiếp xúc tư vấn với DN, có hai tình trạng thường xuyên được lặp lại, hoặc cùng lúc ở một DN, hoặc một tình trạng ở một DN, mà ông có thể “đúc kết”, là: Thứ nhất, DN “chết cứng” với hàng tồn kho và cạn kiệt tiền mặt. Thứ hai, DN “chết cứng” với hàng tồn kho và không có phương án sản xuất tái đầu tư kinh doanh ít nhất cho tới khi giải phóng được ½ lượng hàng tồn hoặc kết thúc quý 1 năm sau. Và thêm một tình trạng thứ ba ít phổ biến hơn là DN “chết” với các khoản đầu tư dàn trải, thua lỗ nặng mà không có phương án sản xuất kinh doanh tái đầu tư nào cứu vãn được, và “lối ra” duy nhất chỉ có thể là… giải thể.

Như vậy, vấn đề lớn nhất của DN ở đây đang là hàng tồn kho. Ông Năm nói thêm “Mặc dù các dự báo, thống kê của chúng ta trong thời gian qua đều đang chứng minh đã có một lượng hàng tồn kho lớn được giải phóng, chỉ số công nghiệp đã nhích tăng. Thực tế, cần phải xem là chỉ số đó nhích tăng bao nhiêu. Và DN có còn mất ngủ vì không bán được hàng hay không? Trong khi thời gian quý IV của năm lại cũng đã sắp kết thúc và nếu tính cả Tết âm lịch, chúng ta chỉ còn có 2 tháng để đẩy nhanh việc bán hàng. Rất khó để hi vọng việc hạ lãi suất có ý nghĩa lớn trong việc kích cầu tiêu dùng, chi tiêu trong giai đoạn này”.

Nói một cách ngắn gọn, với “ý chí luận” là hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế sản xuất, nhưng liệu điều đó có ý nghĩa lớn trong giải phóng hàng tồn kho – nỗi lo lớn nhất của DN hiện nay - hay không, có lẽ thực tiễn chưa hẳn hoàn toàn lạc quan như ý chí. “Một điều mà các nhà điều hành cần lưu ý, là đây mới chỉ là một trong rất nhiều giải pháp, và lại cũng là giải pháp đã được các nhà điều hành sử dụng “quá nhiều lần” trong nguyên năm 2012, nên yếu tố “nhờn thuốc” thậm chí lại là điều rất dễ xảy ra, mà nếu không tính toán cẩn thận, lại có thể phát sinh những hệ lụy tương lai và gây áp lực lạm phát trở lại đối với nền kinh tế” - một chuyên gia nhấn mạnh.

TS Phạm Đỗ Chí - chuyên gia Kinh tế cũng bày tỏ những lo ngại với DĐDN xung quanh vấn đề này: “Một trong những điều mà tôi lo ngại nhất trong giai đoạn trước đây là Chính phủ sẽ hạ lãi suất xuống cực thấp căn cứ trên khả năng cung tiền của NHNN theo khuyến nghị của một vài chuyên gia kinh tế, thì nay điều đó dường như đang có khả năng trở thành hiện thực. Tôi cho rằng hạ lãi suất thêm một lần nữa là một trong những vấn đề mà các nhà điều hành cần nghiêm túc cân nhắc trước khi có quyết định, tránh việc mở rộng tiền tệ một cách ồ ạt và lại gây ra lạm phát cao trong năm 2013. Cần phải thấy hạ lãi suất chưa chắc đã kích thích được DN vay tiền, giảm áp lực ứ vốn cho hệ thống ngân hàng như… tưởng tượng. Bởi DN sẽ chỉ có nhu cầu vay khi họ nhìn thấy sự ổn định của chính sách, của nền kinh tế, đặc biệt họ nhìn đầu ra cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Nay, DN chưa nhìn thấy điều đó mà thậm chí họ còn như “con chim sợ cành cây cong” vì đã nếm đủ “hỉ, ố, ái, nộ” của lạm phát tái khứ hồi, của sự thay đổi khá liên tục trong chính sách nên họ sẽ cẩn trọng hơn rất nhiều khi vay vốn. Hơn nữa, cũng cần phải thấy là liệu họ còn đủ năng lực để đi vay khi nợ quá hạn ngày càng dày lên trong hệ thống, tài sản của DN được ngân hàng phát mãi bán chẳng ai mua? Vấn đề ở đây không phải là nền kinh tế thiếu tiền, thiếu vốn, hay thiếu vốn giá rẻ, mà phải nói thẳng là nền kinh tế đang thiếu những động lực để thoát khỏi nguồn cơn trì trệ và lấy lại sinh khí, phục hồi”, TS Chí nhấn mạnh.

Ông Đoàn Chí Thanh - Tổng Giám đốc Cty Hoàng Anh Sài Gòn:

Với tình hình hiện nay và triển vọng thị trường không mấy sáng sủa, ngay cả Quốc hội cũng rất thận trọng khi đề ra tăng trưởng GDP chỉ 5,5% cho năm 2013, có thể nói DN sẽ… không dám làm gì thêm. Chỉ nỗ lực để bán được hết hàng và co cụm lại sao cho “bảo toàn nguồn lực, hoặc thậm chí… đóng cửa đi chơi. Do đó, để DN có thể tiếp tục đầu tư, phát triển, vấn đề hiện nay là nền kinh tế cần có một giải pháp đồng bộ từ chính sách tiền tệ, tài khóa, và đặc biệt mỗi một lĩnh vực DN kinh doanh lại cần có một sự phối hợp đồng bộ các chính sách điều hành cụ thể, chẳng hạn như bao gồm cả vốn, thuế, hay với DN BĐS thì đó là tiền sử dụng đất, chi phí thủ tục hành chính, thời gian cấp duyệt dự án, lãi suất cho người mua hàng...

Ông Nguyễn Hoàng Minh - PGĐ NHNN chi nhánh TP HCM:

Trên thực tế các NHTM hiện đều đã chủ động và ra sức đẩy vốn vào thị trường, với nhiều gói vốn ưu đãi lãi suất. Không ít ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay xuống mức 10 - 11%/năm. Trước mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, nhu cầu vốn của DN cũng có dấu hiệu gia tăng. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn của thị trường, các DN còn có nhiều lý do, còn ngần ngại nên chưa thể tiếp cận được vốn vay để phục vụ cho hoạt động sản xuất- kinh doanh. Cụ thể, hàng tồn kho tăng, DN hết tài sản để thế chấp vay vốn, trong khi sức mua thị trường lại giảm…Trong đó, cái khó nhất chính là về tài sản đảm bảo. Trước áp lực hàng tồn kho tăng, các DN đã cạn tài sản để thế chấp ngân hàng khi có nhu cầu về vốn vay. Tuy nhiên, để có thể chia sẻ cùng với các DN trước bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, hiện các ngân hàng cũng đã linh hoạt hơn bằng cách cho DN thế chấp bằng dòng tiền bán hàng khi có nhu cầu vay vốn, thay vì khăng khăng đòi tài sản thế chấp bằng bất động sản như trước đây… Nhưng dù vậy thì cũng khó tăng trưởng mạnh tín dụng vào cuối năm.

  • Môi giới BĐS: Bức tranh không chỉ có màu hồng

    Môi giới BĐS: Bức tranh không chỉ có màu hồng

    “Môi giới bất động sản là một nghề nghiệp có môi trường làm việc cực kì khắc nghiệt, nhưng thành quả mà nghề này đem lại rất vĩ đại, hoàn toàn xứng đáng với công sức đã bỏ ra.” – Đó là chia sẻ về nghề môi giới bất động sản của ông Bùi Xuân Hiền, giám đốc sàn giao dịch bất động sản Khải Hoàn Land. <br/br>

  • Chinh phục nhà cao tầng với "ba đầu sáu tay"

    Chinh phục nhà cao tầng với "ba đầu sáu tay"

    Chung cư, tòa nhà văn phòng, các khu đô thị ... mọc lên càng nhiều thì nghề quản lý nhà theo đó càng trở nên phát triển. Chuyện làm quản lý tòa nhà kiêm luôn vệ sĩ, người trông trẻ, người đi dàn hòa... thậm chí đôi khi còn trở thành nạn nhân của những vụ xô xát đã không còn xa lạ ở các khu chung cư. Vland sẽ có loạt bài chân thực phản ánh đến Quý độc giả về những người làm "dâu nghìn họ" này. <br/br>

  • Tín dụng BĐS năm tới có gì mới?

    Tín dụng BĐS năm tới có gì mới?

    Để vực dậy một cơ thể ốm yếu như thị trường BĐS hiện nay, cần có liều vitamin đủ mạnh từ nguồn vốn ngân hàng. Năm 2013, room cho tín dụng BĐS như thế nào là mối quan tâm của cả DN BĐS, lẫn người có nhu cầu mua nhà.

Theo Mỹ Ý (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.