TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị và Kinh doanh Trường đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, từ nay đến cuối năm, lãi suất sẽ có xu hướng đi xuống nếu tiếp tục có sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát giảm.
Lãi suất tiếp tục giảm Ông đánh giá thế nào về diễn biến lãi suất trong 3 tháng cuối năm?

Theo tôi, mặt bằng lãi suất sẽ còn giảm trong 3 tháng cuối năm, nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục có sự can thiệp. Thực tế thời gian gần đây cho thấy, sự can thiệp của NHNN đã có tác động tích cực đến mặt bằng lãi suất trên thị trường.

Cụ thể, việc NHNN yêu cầu các ngân hàng thực hiện nghiêm trần lãi suất huy động tiền đồng ở mức 14%/năm và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm được mọi người ủng hộ. Ngày 28/9 vừa qua, NHNN tiếp tục ban hành Thông tư 30/2011/TT-NHNN quy định các ngân hàng chỉ được áp dụng lãi suất đối với kỳ hạn tiền gửi 1 tháng trở xuống còn 6%/năm, nhằm hạn chế việc ngân hàng nhỏ chạy đua huy động bằng lãi suất ngày, tuần đều là 14%/năm. Rõ ràng, việc can thiệp của NHNN đối với mặt bằng lãi suất là yếu tố rất quan trọng để mặt bằng lãi suất có thể giảm nhiệt thêm.

Tuy nhiên, điều quan trọng là, lãi suất huy động giảm dần có kéo được lãi suất cho vay thỏa thuận giảm theo hay không? Hiện lãi suất cho vay tiền đồng đã được nhiều ngân hàng giảm về mức 17 - 19%/năm, nhưng các gói vốn giá rẻ này mới cho ưu tiên cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu và khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Vậy theo ông, mặt bằng lãi suất giảm tiếp sẽ còn phụ thuộc vào yếu tố nào nữa?

Ngoài sự can thiệp của NHNN, trong 3 tháng còn lại của năm, mặt bằng lãi suất còn phụ thuộc vào diễn biến của tình hình kinh tế thế giới và lạm phát trong nước. Rất khó có thể dự đoán tình hình kinh tế thế giới sẽ tác động ra sao đến Việt Nam. Còn nếu CPI tiếp tục được kiểm soát giảm như 2 tháng gần đây, thì đó sẽ là yếu tố tác động tích cực đến lãi suất.

CPI tháng 9 vừa được Tổng cục Thống kê công bố có mức tăng 0,82% so với tháng trước và hy vọng, CPI 3 tháng còn lại của năm sẽ giảm dần để tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất tiền đồng giảm. Từ đó, giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng giá rẻ hơn trong mùa sản xuất, kinh doanh cao điểm cuối năm.

Tuy nhiên, để lãi suất có thể giảm xuống mức kỳ vọng của các doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường còn có nhiều khó khăn như hiện nay, không phải là điều dễ dàng. Bởi lẽ, cuối năm là lúc nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng, trong khi nguồn tiền tiết kiệm vào ngân hàng có dấu hiệu giảm. Hơn nữa, nhu cầu tiêu dùng luôn cao trong những tháng cuối năm sẽ khiến CPI khó giảm.

Với mặt bằng lãi suất cho vay thỏa thuận hiện nay, doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu và nông nghiệp, nông thôn đã chấp nhận được chưa?

Mức lãi suất cho vay ưu tiên (17 - 19%/năm) được các ngân hàng áp dụng cho phân khúc doanh nghiệp nói trên vẫn gây áp lực không nhỏ đối với doanh nghiệp được vay. Mặt khác, lãi suất cho vay thỏa thuận tiền đồng ở mức trên, hiện chưa được áp dụng phổ biến cho tất cả doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác.

Các ngân hàng chỉ ưu tiên vốn giá rẻ cho một nhóm doanh nghiệp được ưu tiên và chọn lọc khá kỹ khách hàng trước khi trao vốn để hạn chế tối đa nợ xấu. Nhưng dẫu sao, mức lãi suất cho vay giảm xuống 17 - 19%/năm, cũng tốt hơn nhiều so với mức cũ trước đó (22 - 24%/năm) và kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm xuống trong thời gian tới
Theo Văn Linh (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh