Báo cáo mới nhất phân tích về tình hình kinh tế Việt Nam trong những tháng tới của Ngân hàng Standard Chartered dự báo, NHNN sẽ duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt tới năm 2012 và các mức lãi suất cao là cần thiết để chống lạm phát trong năm 2011 cũng như để khôi phục cân bằng kinh tế trong dài hạn, trong đó có niềm tin vào tiền đồng.
Vì vậy có thể các mức lãi suất vay, nhất là lãi suất thị trường mở (OMO) và tái cấp vốn sẽ tiếp tục tăng. Dự báo lãi suất tái cấp vốn sẽ ở mức 13% trong quý II và 14% trong quý III/2011.

TS. Cấn Văn Lực, cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhận định, dự báo trên cũng có khả năng xảy ra bởi, NHNN đã định hướng nếu tăng trưởng tín dụng trên 5%, NHNN sẽ tính đến bài toán tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Thứ hai, cùng với tín hiệu lạm phát và tín hiệu mặt bằng lãi suất nhích lên, NHNN buộc phải đồng thời đẩy lãi suất tái cấp vốn và OMO lên.

Tuy nhiên, con số tăng trưởng tín dụng quý I/2011 tính đến gần cuối tháng 3 khoảng 4,3% và trong những ngày cuối tháng 3 các ngân hàng hầu như cũng ít giải ngân nên khó có thể vượt ngưỡng 5%. Do vậy, biện pháp tăng dự trữ bắt buộc khó có thể xảy ra, nhưng với việc tăng các mức lãi suất chỉ đạo như vừa qua, và nếu NHNN tiếp tục tăng các loại lãi suất này, chắc chắn sẽ tác động trực tiếp tới lãi suất huy động và cho vay trên thị trường của các ngân hàng.

Theo bà Cao Thị Thuý Nga, Phó tổng hiám đốc Ngân hàng Quân đội (MB), đứng ở góc độ vĩ mô, để kiềm chế lạm phát, những biện pháp trên là cần thiết và với các mức lãi suất được đẩy lên cao như dự đoán trên, NHTM chắc chắn phải đẩy lãi suất cho vay lên tới 18-20%/năm.

"Điều này cũng có mặt tốt là ngân hàng sẽ phải chọn lọc khách hàng cho vay, chỉ tập trung vào các doanh nghiệp có dự án tốt, khả thi… Như vậy, cũng phù hợp với mục tiêu chống lạm phát của Chính phủ", bà Nga nói.

TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nêu quan điểm, với xu hướng lạm phát theo năm sẽ còn tăng, lãi suất huy động VND thời gian tới cũng sẽ phải tăng. TS. Thành lý giải, thứ nhất, lãi suất phải thực dương, cơ bản đủ để người dân không cảm thấy bị mất tiền; thứ hai, Chính phủ muốn giảm áp lực lên thị trường ngoại hối làm tiền đồng hấp dẫn hơn so với USD và vàng. "Lạm phát tháng 4 tới được dự báo trên 15% (so với cùng kỳ năm ngoái) nên có thể lãi suất huy động có thể lên tới 15 - 16%/năm. Trong mối quan hệ tương tác đó, lãi suất huy động tăng ở một giai đoạn là cần thiết", TS. Thành nói.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, lãi suất trên thị trường hiện đã quá cao nên có thể dẫn đến những tác hại nghiêm trọng như doanh nghiệp phải ngừng sản xuất bởi không huy động được nguồn vốn, nạn thất nghiệp xảy ra. Đồng quan điểm trên, lãnh đạo một NHTM cho rằng, về mặt định tính, để đạt những mục tiêu nhất định, cần phải có những hành động trong khoảng thời gian nhất định. Nhưng ở mặt định lượng, nếu đã đạt được mục tiêu cơ bản đề ra, cần phải nới lỏng chính sách tiền tệ. "Bởi hoạt động sản xuất của nền kinh tế không thể thắt chặt quá lâu", vị lãnh đạo trên nói.

Cafeland.vn - Theo ĐTCK
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland