Theo các chuyên gia, lãi suất cho vay khó có thể giảm vào cuối quý I/2011 như kỳ vọng, mà ít nhất phải đến cuối quý II.
Thông thường, nhu cầu vay vốn của khách hàng vào dịp Tết Nguyên đán luôn luôn có. Song so với cùng kỳ các năm trước, hiện nhu cầu vay vốn của khách hàng không tăng cao như kỳ vọng của ngân hàng. Nguyên nhân chính là lãi suất cho vay thỏa thuận bằng tiền đồng ở mức cao, khiến những người cần vốn tỏ ra rất ngần ngại.

Giám đốc Khối khách hàng cá nhân của một ngân hàng thương mại có trụ sở ở TP.HCM cho biết, nhu cầu vốn của khách hàng hiện có xu hướng tăng so với những tháng trước, song mức tăng dư nợ tín dụng của khối khách hàng này không mạnh.

“Với mặt bằng lãi suất thỏa thuận hiện nay, không phải khách hàng nào có nhu cầu vốn cũng muốn tiếp cận ngân hàng để vay. Nhưng tình hình có thể sẽ được cải thiện khi lãi suất có dấu hiệu hạ nhiệt, nhất là với khách hàng có nhu cầu mua căn hộ, nhà dưới hình thức trả góp. Đây là nhu cầu thực và luôn tăng qua các năm”, vị giám đốc trên cho biết.

Các khách hàng là DN kỳ vọng, sau Tết Nguyên đán, mặt bằng lãi suất sẽ dần được điều chỉnh giảm thì mới tính đến việc tiếp cận vốn ngân hàng, mở rộng đầu tư. Tuy nhiên, theo TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị và Kinh doanh (Đại học Ngân hàng TP.HCM), Chính phủ có chủ trương quyết tâm kiểm soát lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2011 chỉ ở mức 3,5% và nếu làm được một cách kiên quyết như chủ trương, thì khả năng mặt bằng lãi suất sẽ sớm được điều chỉnh giảm. “Để thực hiện được điều này, đòi hỏi phải có thời gian, bởi chính sách đưa ra bao giờ cũng có độ trễ. Vì thế, khả năng phải đến gần cuối quý II/2010, lãi suất mới có thể giảm dần”, ông Dương nói.

PGS TS. Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cũng nhận định, mục tiêu kiểm soát lạm phát trong 2 quý đầu năm 2011 ở mức 3,5% cũng không phải dễ thực hiện. Bởi theo ông Ngân, thông thường trong 2 tháng đầu của quý I, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng do nhu cầu chi tiêu dịp Tết của người tiêu dùng tăng mạnh và mức CPI bình quân trong 2 tháng này có thể ở mức bình quân 1,5%/tháng. “Trong khi đó, muốn giảm lãi suất thì trước hết phải kiểm soát được lạm phát xuống mức phù hợp”, ông Ngân nói.

Song theo các chuyên gia tài chính – kinh tế, nếu lãi suất không được điều chỉnh giảm kể từ quý II/2011, thì có nguy cơ dẫn đến sự trì trệ, vì DN khó có thể chịu nổi với mặt bằng lãi suất cho vay tiền đồng bình quân 17 – 18%/năm như hiện nay.

Ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết, hết quý I/2011, lãi suất huy động vốn có thể sẽ chuyển biến theo hướng tích cực, song phải đến quý II, lãi suất mới có thể giảm được như kỳ vọng. Hiện lãi suất huy động được ngân hàng “neo” ở mức trần, song huy động vốn vẫn khó và cạnh tranh vẫn khá gay gắt.

Cafeland.vn - Theo Báo Đầu Tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland