Thanh khoản của các ngân hàng đã sụt giảm đáng kể với tiền gửi chịu áp lực rút ra trong khi hoạt động cho vay đang vào giai đoạn tăng tốc giải ngân.
Lãi suất huy động chịu nhiều áp lực thời gian tới
Có chín ngân hàng đã tăng lãi suất huy động vốn kể từ đầu tháng 11 đến nay, trong đó đa số các ngân hàng tập trung tăng ở kỳ hạn dài nhưng cũng có một số ngân hàng tăng đều ở các kỳ hạn.
Hiện tại các ngân hàng đều muốn mở rộng chênh lệch lãi suất giữa kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài nhằm thu hút nguồn vốn huy động dài hạn, do từ đầu năm 2017, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ chính thức giảm từ 60% xuống còn 50%.
Tuy nhiên, vẫn có một số ngân hàng hiếm hoi giảm lãi suất huy động trong thời điểm cuối năm như Techcombank, VPBank hay Bản Việt, trong đó Techcombank giảm đều ở tất cả kỳ hạn, VPBank giảm ở kỳ hạn từ 6-12 tháng và Bản Việt giảm ở các kỳ hạn dưới sáu tháng. Thực tế lãi suất tiền gửi của các ngân hàng này trước đây cũng ở mặt bằng khá cao so với thị trường, nên mặc dù giảm nhưng lãi suất của các ngân hàng này vẫn có lợi thế cạnh tranh lớn.
Tín dụng đang tăng tốc vào tháng cuối năm, tuy nhiên đã có sự phân hóa đáng kể ở các ngân hàng. Những ngân hàng chưa đạt mục tiêu tín dụng sẽ tìm mọi cách để thúc đẩy cho vay trong các tháng cuối năm, do đó nhu cầu huy động vốn sẽ cao hơn dẫn đến có thể tăng lãi suất huy động.
Ngược lại, những ngân hàng đã sớm hoặc gần đạt kế hoạch tăng trưởng tín dụng trong năm nay không có nhiều động lực để tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn, thay vào đó có thể lựa chọn giảm lãi suất để tiết giảm chi phí huy động vốn.
Theo thống kê của người viết, mặt bằng lãi suất huy động ngắn hạn sau khi giảm nhẹ trong tháng 10 nhờ vào quyết định giảm lãi suất từ bốn ngân hàng thương mại gốc nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần theo sau đó, thì trong tháng 11 đã tăng lên trở lại. Tuy nhiên, trong nửa đầu tháng 12, mặt bằng lãi suất vẫn chưa có sự thay đổi lớn dù thị trường chịu khá nhiều áp lực từ tỷ giá và lãi suất trên liên ngân hàng.
Áp lực tỷ giá kể từ ngày 10-11- 2016, thời điểm ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và kéo dài đến tận trước ngày Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất đã thúc đẩy một bộ phận khách hàng rút tiền gửi bằng tiền đồng và đầu tư vào đô la Mỹ.
Theo tìm hiểu của người viết, lượng tiền gửi đô la Mỹ tại các ngân hàng có dấu hiệu tăng lên và đặc biệt tăng mạnh trước thời điểm Fed quyết định tăng lãi suất cơ bản đô la Mỹ. Nhiều nhà đầu tư tin rằng tỷ giá trong nước sẽ tiếp tục điều chỉnh trước sự đi lên mạnh mẽ của đô la Mỹ trên thị trường quốc tế.
Đây có thể là một trong những nguyên nhân đã kéo lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng cao trở lại. Việc thanh khoản sụt giảm cuối năm cộng thêm việc nguồn vốn tiền đồng bị rút ra chuyển dịch sang đô la Mỹ buộc các ngân hàng phải tăng vay mượn trên thị trường 2 và kéo lãi suất thị trường này tăng lên.
Quan sát cho thấy mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng nhanh kể từ đầu tháng 12 đến nay, hiện tại lãi suất qua đêm đã cao hơn lãi suất huy động kỳ hạn một tháng của một số ngân hàng. Doanh số giao dịch của nửa đầu tháng 12 cũng tăng cao hơn so với giai đoạn trước đây.
Sự tăng lên của mặt bằng lãi suất trên thị trường 2 cho thấy vẫn chưa có sự ảnh hưởng lây lan qua thị trường 1. Đây là một tín hiệu đáng mừng nhờ vào động thái bơm ròng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trên thị trường mở cũng như ngừng các phiên phát hành tín phiếu.
Tuy nhiên, về dài hạn vẫn chưa có gì chắc chắn. Nếu như tỷ giá tiếp tục chịu áp lực tăng lên, lãi suất liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức cao thì mặt bằng lãi suất trên thị trường có thể sẽ tăng lên trong thời gian tới. Ngoài ra, nếu lạm phát năm 2016 được công bố ở mức cao thì có thể càng làm giảm sức hấp dẫn của kênh tiền gửi ngân hàng, khi đó các ngân hàng cũng có động lực tăng lãi suất tiền gửi để chuẩn bị vốn cho mùa kinh doanh năm sau, khi chỉ tiêu kế hoạch tín dụng đã được NHNN chấp thuận.
Giữ được lãi suất cho vay ổn định đã là thành công
Theo thống kê của NHNN thì tăng trưởng huy động vốn đến 22-11-2016 là 15,28%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng (14,03%). Tuy nhiên, theo số liệu gần nhất, đến 30-11-2016 thì tăng trưởng huy động vốn chỉ còn 15,2%, còn tăng trưởng tín dụng đã lên 15,8%. Điều này rõ ràng cho thấy thanh khoản của các ngân hàng đã sụt giảm đáng kể với tiền gửi chịu áp lực rút ra trong khi hoạt động cho vay đang vào giai đoạn tăng tốc giải ngân.
Dù vậy, lãi suất cho vay theo khảo sát vẫn khá ổn định, thậm chí nhiều khách hàng đang có cơ hội tiếp cận các gói tín dụng với lãi suất thấp theo các chương trình cho vay ưu đãi cuối năm của một số ngân hàng.
Theo báo cáo mới nhất từ NHNN, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường vẫn ổn định so với giai đoạn tháng 10, cụ thể ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 4-5%/năm. Riêng đối với các lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn và 9-10% ở trung dài hạn.
Nhưng như đã nói, lãi suất tiền gửi hiện chịu nhiều áp lực và nếu thật sự tăng lên trong thời gian tới, thì theo nguyên lý “nước lên thuyền lên” sẽ đẩy mặt bằng lãi suất cho vay tăng trở lại. Tuy nhiên, trong bối cảnh các nguồn lực kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, tốc độ cải thiện năng suất nền kinh tế chậm, chính sách tài khóa bị hạn chế, thì một chính sách tiền tệ nới lỏng với mặt bằng lãi suất ổn định rất cần thiết cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tiếp theo.
Thụy Lê (Thời báo kinh tế Sài Gòn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.