Mở đầu cho làn sóng tăng lãi suất là ACB khi nhà băng này quyết định điều chỉnh tăng 0,2% tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn 6-36 tháng từ 25/5. Eximbank cũng nâng lãi suất 6 và 9 tháng thêm 0,2%. Riêng kỳ hạn 12 tháng lãi suất tăng mạnh nhất, từ 5,8% lên 6,2% một năm. Tại HDBank, lãi suất các kỳ hạn tăng bình quân 0,3-0,5%.
Đến nay, việc tăng lãi suất đã diễn ra ở hầu hết các ngân hàng, kể cả nhà băng có vốn Nhà nước chi phối. Theo đó, BIDV điều chỉnh tăng 0,2-0,5% tuỳ kỳ hạn, còn Vietinbank tăng cao nhất là 0,3%.
Lãi suất huy động tăng khiến nhiều người lo ngại sẽ kéo lãi suất cho vay tăng.
Hiện mức lãi suất huy động kỳ hạn 12-13 tháng cao nhất thị trường là 7,3% một năm áp dụng tại Ngân hàng Xây dựng và Dầu khí Toàn cầu - cao hơn mặt bằng chung của các ngân hàng khoảng 0,7-1 điểm phần trăm.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ cho biết, thời gian qua, tín dụng khá khởi sắc nên ngân hàng phải tăng cường huy động vốn. "Đến cuối tháng 5, dư nợ cho vay tại ngân hàng tôi đã tăng hơn 5% trong khi huy động chỉ đạt 4,5%", ông nói.
Trong khi đó, Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) Đỗ Minh Toàn nhìn nhận, gần đây lãi suất huy động của nhà băng có tăng lên, nhưng đây chỉ là động thái để cân đối lại nguồn vốn. Theo ông, thời điểm này, nhu cầu vay vốn kỳ hạn dài của doanh nghiệp đang tăng lên, trong khi trước nay ngân hàng chủ yếu huy động được ở kỳ hạn ngắn. Vì vậy, nhà băng đã tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài lên để có thêm nguồn vốn cho vay trung, dài hạn.
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM Nguyễn Hoàng Minh, cũng đánh giá, nhiều ngân hàng trên địa bàn tăng dần lãi suất huy động đầu vào là để khắc phục tình trạng mất cân đối kỳ hạn giữa huy động và cho vay. Theo ông Minh, cho vay trung dài hạn đã tăng rất nhanh, nếu đến cuối năm ngoái, cho vay trung dài hạn chỉ chiếm 48,6% trong tổng dư nợ cho vay tại TP HCM, thì đến nay cho vay trung dài hạn chiếm đến 54%, cao hơn cả cho vay ngắn hạn.
"Đây là diễn biến mới cho thấy sự phục hồi sản xuất của doanh nghiệp, sau nhiều năm hoạt động sản xuất bị đình trệ, doanh nghiệp chủ yếu vay vốn lưu động, không dám vay mở rộng đầu tư", ông Minh nói.
Một số chuyên gia còn cho rằng, lãi suất tiết kiệm được nâng lên là do áp lực tỷ giá. Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu bình luận, thời gian qua đồng USD mạnh lên là một phần nguyên nhân ảnh hưởng đến việc huy động vốn của ngân hàng. "Vì một số người sẽ có xu hướng rút tiết kiệm để mua USD tích trữ. Do đó, các ngân hàng sẽ phải nâng lãi suất lên để hút nguồn vốn", ông nói.
Một nguyên nhân khác được đề cập đến là "động thái thắt chặt tiền tệ". Theo một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, từ đầu tháng 5 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng trên thị trường mở (OMO - thông qua phát hành trái phiếu) một lượng lớn tiền. Điều này có thể làm cho một số ngân hàng bị hụt thanh khoản phải vay trên thị trường liên ngân hàng.
Số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, tuần từ 1/6 đến 5/6/2015, lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục tăng ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt. Lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm, một tuần và một tháng tăng ở mức 3,77%; 4,35% và 4,55% một năm. "Ngân hàng Nhà nước thắt chặt tiền tệ buộc một số ngân hàng thương mại phải tăng lãi suất tiền gửi", ông nói.
Đề cập khả năng lãi suất huy động tăng liệu có thành xu hướng, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển tỏ ra quan ngại khi cho rằng, thời gian gần đây thị trường bất động sản có dấu hiệu ấm lên, nguồn vốn cho vay lĩnh vực này cũng đã tăng cao hơn. Do đó, nhiều ngân hàng đua nhau tăng lãi suất huy động nhằm có vốn phục vụ việc cho vay bất động sản chứ chưa hẳn là dành cho đầu tư sản xuất.
Theo ông, nếu cơ quan quản lý không có biện pháp kiểm soát tốt vấn đề này dễ dẫn đến tình trạng lãi suất huy động tăng thành xu hướng và khi đó ắt sẽ kéo lãi suất cho vay tăng. Điều này đi ngược mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế của Chính phủ.
Hiện nay, lãi suất cho vay ngắn hạn tầm 8 - 9%, trung dài hạn 10 - 11%. Các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý đều muốn đưa lãi suất đầu ra này giảm thêm 1 - 2% để hỗ trợ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.