Hiện nay, tình hình thị trường bất động sản khá trầm lắng, giá cả không giảm nhưng giao dịch sụt mạnh. Nguyên nhân chủ yếu do mặt bằng lãi suất hiện nay quá cao, buộc lòng khách hàng phải cân nhắc trước khi quyết định vay tiền ngân hàng để mua nhà. Còn doanh nghiệp thì “co cụm” chờ vào động thái của ngân hàng.

Thời gian qua, giao dịch bất động sản trở nên ảm đạm hơn. Ảnh minh họa

“Co ro” vì lãi suất

Trước mặt bằng lãi suất cho vay từ 18 – 20%/ năm như hiện nay, nhiều chuyên gia dự báo rằng thị trường bất động sản sẽ trầm lắng hơn trong thời gian tới. Mặc dù nhiều ngân hàng như Vietcombank, Vietinbank, HSBC, ACB… luôn mở rộng hầu bao mời gọi khách hàng cá nhân vay tiền mua nhà trả góp. Đồng thời, ngân hàng sẽ thông qua các chủ đầu tư dự án có liên kết để hỗ trợ khách hàng mua bất động sản vay đến 70% giá trị tài sản và thời hạn vay tới 10 - 15 năm. Tuy nhiên, giải pháp này không mấy khách hàng mặn mà với nó.

Chị Hồ Thị Kim Huê ở TP.HCM chia sẻ, sau nhiều năm làm việc vợ chồng chị tích góp một khoảng tiền kha khá, để cuối năm mua nhà với mong muốn sẽ được ưu đãi giảm giá cùng quà tặng. Thế nhưng, gần hai tháng nay, vợ chồng chị vẫn chưa tìm được căn nhà phù hợp với điều kiện gia đình, những căn nhà ưng ý thì giá quá cao mặc dù ngân hàng có hỗ trợ vay vốn. Với mức lương trung bình hai vợ chồng chị khoảng 10 triệu đồng/ tháng chỉ đủ trang trải cuộc sống, con cái. Nếu quyết định mua nhà thì không biết bao giờ trả hết lãi nói chi đến việc trả tiền gốc. Vì thế, giấc mơ mua nhà của gia đình đành gác lại. Không chỉ riêng gì gia đình chị Huê mà nhiều gia đình trẻ khác cũng rơi vào trường hợp tương tự.

Hiện tại, các sản phẩm cùng phân khúc được doanh nghiệp tung ra rất nhiều đã tạo cơ hội cho khách hàng lựa chọn. Thêm vào đó, chính sự cạnh tranh này đã làm không ít doanh nghiệp hạ giá sản phẩm, thậm chí giảm sâu để kích cầu. Thế nhưng, mức giá và lãi suất vay hiện nay vẫn đang ngoài tầm “với” của nhiều người.

Theo các chuyên gia kinh tế, với mặt bằng lãi suất cao như hiện nay thì người có nhu cầu mua nhà thật sự rất khó tiếp cận, còn nhà đầu tư cũng khá “dè dặt” không dám mạo hiểm dùng vốn vay để đầu tư vào thị trường này. Tuy nhiên, nếu mức lãi suất cho vay được điều chỉnh khoảng 8 - 10% thì khả năng mua nhà trả góp sẽ khả thi.

Trên thực tế thời gian qua, chỉ một số ít khách hàng dùng vốn vay để mua nhà ở khi họ đã có khả năng chi trả hơn 1/2 tổng giá trị nhà ở. Qua đó, có thể lý giải vì sao thị trường bất động sản cuối năm đáng lẽ sôi động nhưng lại khá trầm lắng.



Mặc dù lãi suất đang cao nhưng các doanh nghiệp vẫn phải buộc lòng tiếp cận nguồn vốn. Ảnh: Nguồn internet

Lãi suất lại “đè” nặng vai doanh nghiệp

Trong năm 2010, lãi suất vay ngân hàng cao ngất ngưỡng từ 18 – 20 %/ năm đã khiến không ít doanh nghiệp “khốn đốn”. Theo đó, mức lãi suất này lại kéo dài đến quý 1 năm 2011. Bởi, do hệ lụy từ chính sách điều hành 2010 và làn sóng tăng giá trong năm 2011 khiến lãi suất chưa thể giảm ngay.

Mặt khác, do yếu tố đầu vào tăng cao như: sắt, thép, xi măng,..trong khi giá bán căn hộ khó tăng, khiến lợi nhuận của chủ đầu tư bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, mặc dù lãi suất cao nhưng các doanh nghiệp vẫn phải buộc lòng tiếp cận nguồn vốn. Nhiều doanh nghiệp “ậm ờ” thực hiện dự án theo kiểu cầm chừng để chờ vào động thái của ngân hàng mới có thể thực hiện tiếp.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, dù khó khăn nhưng thị trường vẫn được bù đắp một phần nào nhờ tính tích cực vốn có của nó. Chẳng hạn như đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng vẫn được Nhà nước chú trọng. Nguồn vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng vẫn được các tổ chức nước ngoài cam kết tài trợ.

Thêm vào đó là việc thực thi Nghị định 71 và Thông tư 13 sẽ giúp thanh lọc khỏi thị trường các doanh nghiệp không có tính chuyên nghiệp và không có năng lực tài chính.

Cuối cùng là mặt bằng giá chung của các sản phẩm bất động sản nhà ở đang có khuynh hướng giảm dần do cạnh tranh phân khúc đã tạo được sức hút cho nhà đầu tư lẫn khách hàng.

Mặt khác, nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản đã thu hút một nguồn vốn đáng kể, kèm theo đó là những tuyên bố lãi suất sẽ giảm từ sau quý I/2011 bằng những biện pháp phối hợp linh hoạt của các chính sách tiền tệ đã tạo niềm tin cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng, đối với những doanh nghiệp thiếu năng lực tài chính và kế hoạch phát triển dài hạn thì năm 2011 sẽ là một năm rất khó khăn.

Nhưng ngược lại, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có quỹ đất tốt, không phụ thuộc nhiều vào vốn vay ngân hàng để phát triển dự án trong năm 2011, tận dụng được lợi thế từ việc hoàn thành các dự án cơ sở hạ tầng và có chiến lược phát triển lâu dài thì năm 2011 sẽ là năm để củng cố chiến lược phát triển dài hạn. Năm 2011 cũng là cơ hội tốt để các nhà đầu tư xem xét việc tham gia đầu tư vào các doanh nghiệp loại này.

Theo phân tích CafeLand, khoảng thời gian từ đây đến cuối quý 1/2011 vẫn là con đường đầy khó khăn cho thị trường bất động sản. Thêm vào đó, nền kinh tế hiện nay được nhận định chưa thật sự sáng sủa, bao gồm cả ổn định vĩ mô và đầu tư trực tiếp nước ngoài, thế nên sẽ khó trông chờ vào sự đột phá mạnh mẽ cho toàn thị trường.

Tuy nhiên, giá các sản phẩm bất động sản sẽ khó hạ nhiệt khi tâm lý người dân lo ngại lạm phát tăng cao, đồng tiền mất giá nên việc đầu tư vào bất động sản sẽ trở nên hấp dẫn với nhà đầu tư.

Thảo Dân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland