18/10/2016 1:12 PM
Khả năng giảm lãi suất cho vay sẽ không nhiều bởi những rủi ro của nền kinh tế vẫn đang hiện hữu và nợ xấu vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Vừa qua, hàng loạt tổ chức tín dụng lớn, trong đó có các Ngân hàng Thương mại Nhà nước và một số Ngân hàng Thương mại cổ phần bắt đầu điều chỉnh giảm lãi suất huy động Việt Nam đồng ở các kỳ hạn dưới một năm với mức giảm từ 0,3-0,5%/năm. Động thái này khiến thị trường kỳ vọng sẽ có một nguồn vốn rẻ hỗ trợ doanh nghiệp.
Sau khi một loạt Ngân hàng thương mại nhà nước, bao gồm Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Viettinbank); Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) công bố giảm lãi suất huy động Việt Nam đồng ở mức 0,3-0,5%/năm cho các kì hạn ngắn (dưới 12 tháng), xu thế giảm lãi suất huy động cũng bắt đầu xuất hiện ở khối các Ngân hàng thương mại cổ phần.
Hầu hết các Ngân hàng Thương mại CP còn khát vốn nên vẫn giữ nguyên mức lãi suất huy động VND.
Đơn cử, mới đây, Ngân hàng Đông Á giảm lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn từ 1 tuần đến 13 tháng với mức giảm từ 0,1-0,3%/năm; Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng thực hiện giảm lãi suất huy động từ 0,3-0,5%/năm cho các kì hạn dưới 12 tháng.
Theo các chuyên gia kinh tế, động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng được đánh giá là giải pháp kịp thời, phù hợp với chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong suốt thời gian qua.
PGS.TS. Phạm Hồng Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, thanh khoản dồi dào cũng như tăng trưởng huy động luôn tăng nhanh hơn so với mức tăng của tín dụng là yếu tố quan trọng để các ngân hàng giảm lãi suất huy động.
“Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp từ nguồn cung cho đến tính thanh khoản cũng như các biện pháp nới lỏng khác, đảm bảo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng lớn giảm được chi phí, giảm lãi suất huy động và tiến tới giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, Chính phủ trong năm nay cũng đã hoàn thành kế hoạch phát hành trái phiếu, chính vì vậy, sức ép từ phía Chính phủ thu hút nguồn tiền không còn nhiều nên sức ép đối với các ngân hàng thương mại không lớn đối với việc tăng nguồn huy động”, PGS.TS. Phạm Hồng Chương chỉ rõ.
Với động thái hạ lãi suất huy động thêm 0,3-0,5%/năm của khối Ngân hàng Thương mại Nhà nước – khối ngân hàng chiếm tới 50% tỉ lệ huy động và cho vay của toàn hệ thống ngân hàng đang khiến các doanh nghiệp kì vọng sẽ có một nguồn vốn rẻ hỗ trợ thị trường trong thời gian tới.
Ông Đàm Quang Thắng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Agricare cho biết, với động thái giảm lãi suất của các ngân hàng cổ phần nhà nước giảm, đặc biệt trong thời điểm cuối năm như này sẽ là động lực rất lớn để thúc đẩy doanh nghiệp tập trung vào thực hiện nốt các kế hoạch của năm. Agricare đã có những điều chỉnh hợp lý, có thể không điều chỉnh tăng về giá nhưng sẽ tăng chất lượng sản phẩm, đặc biệt ở thời điểm cuối năm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kì vọng, doanh nghiệp cũng tỏ ra thận trọng, bởi nếu các ngân hàng chỉ giảm lãi vay mà không nới lỏng điều kiện vay thì chính sách giảm lãi vay cũng không có nhiều ý nghĩa. Theo số liệu thống kê, hiện tại vẫn có đến 60% doanh nghiệp khởi nghiệp phải tự xoay vốn, gần 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Ông Vũ Đình Thiết, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thành Phát cho biết, lãi suất dù thấp nhưng nếu điều kiện cho vay quá khó sẽ không có ý nghĩa, bởi điều kiện cho vay khó khiến doanh nghiệp sẽ không tiếp cận được nguồn vốn.
“Điều kiện vay và cho vay phải hài hòa. Thường thường doanh nghiệp quan hệ được với các ngân hàng phải có uy tín rất lớn, hoặc có các tài sản đảm bảo tương đối thì mới được vay. Nếu lãi suất thấp là để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng điều kiện vay lại chặt chẽ hơn thì doanh nghiệp cũng không có tác dụng”, ông Thiết nói.
Mặc dù các ngân hàng khẳng định sẽ cân đối chi phí để giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, khả năng giảm lãi suất cho vay có thể có nhưng mức giảm không nhiều bởi những rủi ro của nền kinh tế vẫn đang hiện hữu và nợ xấu vẫn chưa được giải quyết triệt để. Việc giảm lãi suất huy động lần này chủ yếu ở các kì hạn ngắn, trong khi đó, việc cho vay các dự án sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều hơn vào lãi suất huy động dài hạn (từ 12 tháng trở lên).
Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng phân tích: “Từ nay đến cuối năm, lãi vay giảm cũng là điều khó khăn. Trong khi nợ xấu trong hệ thống ngân hàng 3 năm vừa qua đã được xử lý khẩn trương và đã được gom về 1 chỗ là VAMC, thế nhưng tại VAMC mới xử lý được khoảng 14% và các ngân hàng thương mại cũng đã tích cực xử lý nợ xấu trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, nhóm nợ xấu mới bán cho VAMC chưa được xử lý triệt để, đồng thời, các ngân hàng cũng phải trích lập dự phòng rủi ro khá nhiều, khiến cho lợi nhuận của hệ thống ngân hàng rất mỏng. Vì vậy, cũng khó có thể tiếp tục giảm lãi suất cho vay”.
Theo các chuyên gia kinh tế, dù các ngân hàng lớn đang có thanh khoản dồi dào nhưng các ngân hàng nhỏ vẫn đang đứng trước áp lực phải chuẩn bị nguồn vốn để đáp ứng các tiêu chuẩn mới của Thông tư 06 về giảm dần vốn ngắn hạn từ mức 60% xuống còn 50%.
Chi phí huy động vốn đầu vào khó giảm, nên lãi suất cho vay không thể đi xuống như kỳ vọng của thị trường. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng dự báo, từ nay tới cuối năm, mặt bằng lãi suất cho vay khó có xu hướng giảm nhiều song cũng sẽ không chịu sức ép tăng lãi suất vào cuối năm như thông lệ mọi năm.
Cẩm Tú (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.