15/03/2012 12:55 AM
Mặc dù vẫn rất khó khăn về vốn, nhưng khi một số ngân hàng hạ lãi suất thì nhiều doanh nghiệp lại tỏ thái độ không mặn mà.
Lãi suất hạ, nhiều doanh nghiệp dửng dưng
Khi doanh nghiệp muốn vay vốn, ngân hàng sẽ dựa trên nhiều chỉ tiêu để đánh giá mức tín nhiệm của ngân hàng đối với doanh nghiệp.

Họ cho rằng, tiếp cận lãi suất cao đã khó, thì đừng nói gì đến lãi suất thấp!

Năm 2011, kinh tế khó khăn, Chính phủ thực hiện thắt chặt tín dụng. Khó khăn về vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh kéo dài, đến thời điểm này cộng đồng doanh nghiệp đã thật sự “thấm đòn”.

Thực tế cho thấy, khi doanh nghiệp muốn vay vốn, ngân hàng sẽ dựa trên nhiều chỉ tiêu để đánh giá mức tín nhiệm của ngân hàng đối với doanh nghiệp. Những doanh nghiệp nào có vốn lớn, tài sản lớn sẽ rất dễ dàng vay với lãi suất thấp. Thậm chí, sau khi hạ lãi suất, nhiều ngân hàng còn hướng đến những công ty xuất nhập khẩu vì ở đó có nguồn thu ngoại tệ.

Trong khi đó, đối với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, dù lãi suất cao hay thấp họ cũng không thể tiếp cận được vì đa số các điều kiện về sổ sách, tài sản, thị trường của các doanh nghiệp này khó đáp ứng được mức tín nhiệm của ngân hàng vì vậy họ có thể bị “đánh rớt” ngay từ vòng thẩm định dự án.

Đại diện một công ty sản xuất kinh doanh các sản phẩm may mặc phân trần: “Với lãi suất cao, doanh nghiệp cũng phải chật vật mãi mới vay được. Giờ một số ngân hàng giảm lãi suất xuống thấp hơn cũng không đến lượt mình. Không chừng đây cũng chỉ là cuộc chạy đua lãi suất giữa các ngân hàng, thực tế doanh nghiệp có tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp hay không lại là vấn đề khác”.

Giải thích về thực trạng giảm lãi suất của ngân hàng nhưng chỉ có doanh nghiệp lớn mới tiếp cận được, PGS.TS. Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia khẳng định: “Thanh khoản của ngân hàng chưa được cải thiện, nợ xấu gia tăng nên các ngân hàng thương mại phải tăng khả năng kiểm soát tín dụng bằng cách xem xét kỹ những hồ sơ và dự án của doanh nghiệp là quyền của các ngân hàng, Nhà nước không thể can thiệp”.

Về việc nhiều ngân hàng hạ lãi suất cho vay trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành nhận định: “Chính sách tiền tệ vẫn là thắt chặt, giảm lãi suất ngân hàng ở mức 1-2% chỉ là biện pháp tình thế, một phần nào đó giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn”.

“Đối với thị trường bất động sản, giảm lãi suất không giúp thị trường này vực dậy. Giảm lãi suất nhưng ngân hàng không tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay thì cũng là con số không. Lãi suất đã tăng quá cao rồi nên việc giảm 1-2% cũng không đáng là bao. Bài toán quan trọng cho doanh nghiệp bất động sản hiện nay là cần tiền. Miễn là tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng thì lãi suất cao bao nhiêu doanh nghiệp cũng chịu được”, ông nói.

Phân tích về việc cần tiền hơn là giảm lãi suất, ông Đực cho biết thêm, nhiều doanh nghiệp bất động sản phải “đắp chiếu” các dự án đang thi công dang dở. Với tiền trả lãi ngân hàng ở mức cao, chưa tính chi phí điều hành, họ sẽ ngày càng “khát” vốn trầm trọng và nguy cơ phá sản tiếp tục tăng.

Tương tự bất động sản, ngành điều cũng rơi vào tình trạng bi đát. Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp ngành điều đang thiếu trầm trọng vốn để thu mua nguyên liệu. Để có thể thu mua khoảng 380.000 tấn điều thô trong nước doanh nghiệp cần khoảng 13.300 tỉ đồng và thêm 13.230 tỉ đồng nữa để nhập khẩu nguyên liệu. Vì vậy Hiệp hội Điều Việt Nam đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có chính sách hỗ trợ ngành này.

“Gần đây, nhiều ngân hàng lớn đã công bố hạ lãi suất cho vay, song đây chưa phải là một tín hiệu đáng mừng”, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM, nói.

Thứ nhất, theo ông, dù thông báo hạ lãi suất nhưng một số ngân hàng cũng cho biết số khách hàng được hưởng mức lãi suất cho vay thấp chỉ chiếm khoảng 1 - 1,5% tổng dư nợ của ngân hàng vì họ cho rằng với mức lãi suất huy động 14%/năm, ngân hàng chỉ cho vay khoảng 16%/năm sẽ không có lợi nhuận. Vì vậy cũng sẽ không có nhiều doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn này.

Thứ hai, việc ngân hàng giảm lãi suất là một chuyện nhưng vấn đề quan trọng đặt ra là tính thanh khoản của một số ngân hàng hiện nay chưa chắc đáp ứng được nhu cầu vay vốn thực tế của doanh nghiệp. Không thể trừ trường hợp một số ngân hàng không có đủ nguồn tiền để cho vay nhưng vẫn công bố theo phong trào. Bên cạnh đó, các ngân hàng hiện nay cũng đang rất chọn lọc khách hàng để cho vay.

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, trong thời điểm tiếp cận còn khó khăn thì các doanh nghiệp phải tự tái cấu trúc, sử dụng nguồn vốn tiết kiệm và hiệu quả. Trong trường hợp thật cần thiết mới tiến hành vay vốn ngân hàng. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần cắt bỏ đầu tư tràn lan, không hiệu quả, tập trung nguồn lực vào lĩnh vực chuyên sâu của mình. Ngoài ra, doanh nghiệp nên sớm niêm yết cổ phiếu mình trên thị trường chứng khoán để huy động vốn trên thị trường này, tránh phụ thuộc hoàn toàn nguồn vốn vào ngân hàng.
Theo VnEconomy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.