19/08/2011 1:54 AM
Mặt bằng lãi suất hiện đang có những tín hiệu cho thấy có thể hạ nhiệt. Đây sẽ là thông tin tốt cho thị trường bất động sản từ nay đến cuối năm.

Lãi suất hạ nhiệt, bất động sản được “giải cứu”

Nhiều Ngân hàng quyết định giảm lãi xuất do nguồn vay đang ứ đọng. Ảnh: Nguồn internet

Tín hiệu lãi suất hạ nhiệt


Trong khi nhiều doanh nghiệp thiếu vốn để xoay xở do lãi suất quá cao thì nguồn vốn vay tại các hệ thống Ngân hàng đang “ứ” nên buộc nhiều Ngân hàng phát thông điệp giảm lãi suất.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tháng 7/2011, lãi suất cho vay bằng VNĐ đối với sản xuất kinh doanh đã giảm 0,1% - 0,3%/năm, lãi suất cho vay trung bình ở mức 18,64%/năm.

Ghi nhận CafeLand, vào đầu tháng 7 vừa qua, những tín hiệu khơi thông dòng vốn đầu tiên xuất hiện ở các Ngân hàng lớn như Sacombank, Eximbank,… bằng các chương trình ưu đãi lãi suất cho một nhóm đối tượng riêng biệt, như cho vay tài trợ xuất khẩu.

Từ khoảng đầu tháng 8 đến nay, nhiều Ngân hàng đã mở rộng đối tượng cho vay với lãi suất dễ thở hơn. Theo đó, Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng bắt đầu chương trình giảm lãi suất 1,2% từ nay đến hết ngày 31/12/2011. Hay Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Tp.HCM đã có 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với mức trượt khoảng 2% một năm.

Đại diện một Ngân hàng ở Tp.HCM cho biết, hiện nguồn vốn cho vay đang “ứ” vì lãi suất quá cao khiến doanh nghiệp không thể tiếp cận nên nhiều Ngân hàng phát thông điệp giảm lãi suất. Theo đó, khả năng lãi suất sẽ còn giảm từ nay đến cuối năm.

Mới đây, trong bản tin của Công ty Cổ phần Chứng khoán Thăng Long cho biết, lãi suất liên Ngân hàng kỳ hạn qua đêm trong tuần cũng giảm xuống còn ở mức 10% - 10,5%, giảm còn 10,5% - 14,3% đối với kì hạn một tuần và 15% - 17% đối với kì hạn một tháng.

Còn theo dữ liệu cập nhật của Ngân hàng Nhà nước, từ cuối tháng 7 trở lại đây, lãi suất giao dịch bình quân qua đêm trên thị trường liên Ngân hàng liên tục duy trì trạng thái thấp và ở dưới mức 12%/năm. Các kỳ hạn khác lãi suất bình quân chỉ dao động từ 12,5% - 14,5%/năm.

Bản tin của Công ty Chứng khoán Thăng Long cho biết, từ ngày 8 - 16/8, số lượng các ngân hàng thương mại tham gia đấu thầu trên thị trường mở sụt giảm mạnh, chỉ còn khoảng 5 - 6 ngân hàng mỗi phiên. Đáng chú ý là Ngân hàng Nhà nước đã thu hẹp quy mô khi tuần thứ 3 liên tiếp duy trì mỗi ngày một phiên.

Theo nhận định của Công ty này, “Trong điều kiện thanh khoản tốt hiện nay và giả thiết lãi suất huy động trung bình khoảng 16% - 17%/năm, nếu Ngân hàng Nhà nước có những chính sách linh hoạt hơn trong việc quy định mức tăng trưởng tín dụng tùy vào từng điều kiện cụ thể của mỗi ngân hàng thương mại thì lãi suất cho vay có thể hạ xuống 18% - 19%/năm”. (Theo VnEconomy)

Giới phân tích cho rằng, tăng trưởng tín dụng trong 7 tháng đầu năm 2011 chỉ khoảng 7,57% so với chỉ tiêu là 20%, tổng phương tiện thanh toán của nền kinh tế tăng 3,57%, khá thấp so với kế hoạch cả năm 2011 là 16%. Những yếu tố này đang tạo điều kiện thuận lợi cho lãi suất đi xuống. Qua đó có thể thấy, tín dụng và phương tiện thanh toán không phải là nguyên nhân chính làm gia tăng lạm phát bởi hiện tại tăng trưởng tín dụng, phương tiện thanh toán đang ở mức thấp nhưng lạm phát vẫn cao.

Vì vậy, từ nay đến cuối năm 2011, mức tăng trưởng tín dụng và phương tiện thanh toán còn rất lớn, số lượng tiền bơm vào lưu thông sẽ nhiều hơn. Các Ngân hàng sẽ dồi dào vốn nhưng nếu cho vay với lãi suất cao, khách hàng sẽ không vay, chẳng khác gì Ngân hàng ôm vốn. Khi đó, lãi suất buộc phải đi xuống.

Đặc biệt, theo thông tin trên báo Người lao động cho biết, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tuyên bố trong tháng 8/2011, Ngân hàng Nhà nước sẽ tung ra một loạt biện pháp kinh tế để từ tháng 9/2011, lãi suất cho vay lùi về 17% -19%/năm. Đây thực sự là một thông điệp đáng mừng cho thị trường bất động sản khi mức lãi suất sẽ được giảm trong thời gian tới.


Lãi suất hạ nhiệt, bất động sản được “giải cứu”

Nhiều doanh nghiệp thấp thỏm chờ đợi nới lỏng van tín dụng. Ảnh: Minh Nguyệt


Nới van tín dụng có nên không?

Mặc dù thị trường lãi suất đang có những tín hiệu cho thấy hạ nhiệt nhưng nhiều người vẫn tỏ ra khá lo ngại khi phao cứu sinh cho thị trường bất động sản vẫn đang trên bàn nghị sự.

Trong bối cảnh hiện nay, vốn tự có của các doanh nghiệp bất động sản không nhiều, hầu hết phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vay ngân hàng, dự án phải xây xong móng mới được huy động vốn. Nhiều dự án đã hoàn thành 70 - 80%, nhưng Ngân hàng ngừng cho vay, dẫn đến chậm tiến độ, ảnh hưởng tới thanh khoản.

Nhiều tháng qua, không ít dự án bất động sản trên địa bàn cả nước giao dịch cầm chừng đã buộc các chủ đầu tư phải giảm giá, khuyến mãi,... để thu hút giao dịch nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.

Mới đây (12/8), tại Hà Nội, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Đánh giá tác động của lạm phát và việc thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các khách hàng lớn tại BIDV”, nhằm lắng nghe những tiếng kêu “khó khăn” của các doanh nghiệp trước sức ép thắt chặt tín dụng. Qua đó, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc chính sách, giúp doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, giảm tỷ lệ nợ xấu tại Ngân hàng.

Theo số liệu thống kê tại tọa đàm, trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 39.500 doanh nghiệp được thành lập mới, giảm 4,7%, với số vốn đăng ký ước đạt 230.200 tỷ đồng, giảm 12,8%. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp đã có đăng ký kinh doanh phải tạm ngừng hoạt động, phá sản, giải thể hoặc đóng cửa chiếm 30%.

Khảo sát của Ngân hàng này cho biết, trong 70 đơn vị gồm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân thì chỉ có 13,3% số doanh nghiệp hầu như không bị ảnh hưởng của chính sách thắt chặt tiền tệ, số còn lại bị tác động vừa chiếm 16,6% và còn lại là bị tác động nghiêm trọng. Từ kết quả khảo sát trên cho thấy rằng, mức độ tác động từ chính sách thắt chặt không chỉ riêng doanh nghiệp bất động sản mà hầu hết các doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp bất động sản chịu mức độ tác động lớn hơn.

Xoay quanh vấn đề trong buổi tọa đàm, có ý kiến cho rằng “Nếu tín dụng được nới lỏng thì liệu bất động sản có được trả về giá trị thực?”. Câu hỏi đặt ra cho tương lai thật khó để trả lời nhưng người ta vẫn kỳ vọng rằng giá bất động sản sẽ trở về bản chất thực của nó khi tín dụng được nới lỏng.

Bác bỏ sự kỳ vọng trên, một số ý kiến khác lại tán thành việc thắt chặt tín dụng đối với bất động sản, bởi hành động này sẽ góp phần loại trừ các chủ đầu tư “làm ăn” theo kiểu chụp giựt, thiếu năng lực tài chính và kinh doanh, thị trường sẽ được thanh lọc hơn. Bộ phận ý kiến này vẫn tiếp tục ủng hộ chủ trương của Chính phủ khi kiên trì chính sách ổn định vĩ mô mà trọng tâm là thắt chặt tiền tệ.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, sự khó khăn của thị trường bất động sản đã kéo theo sự trì trệ của các ngành sản xuất liên quan, do đó việc mở dòng vốn là hướng đi đúng để cải thiện tình hình.

Tuyết Lê
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.