Lãi suất cho vay đang hạ. Ảnh: Lê Toàn
Mức lãi suất cho vay phổ biến có thể chia theo loại hình ngân hàng. Các ngân hàng thương mại nhà nước có mức lãi suất cho vay thấp nhất, cụ thể như tại Vietcombank, mức lãi suất chủ yếu được áp dụng là 17%/năm. Trong khi đó, tại các ngân hàng thương mại cổ phần lớn, lãi suất cho vay dao động từ 18% đến 21% tùy theo tình hình tài chính, quy mô hoạt động của doanh nghiệp. Và tại các ngân hàng nhỏ, mức lãi suất phổ biến từ mức 19% đến 23%.
Từ cuối năm 2011, Ngân hàng BIDV tuyên bố áp dụng lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, và cho vay lĩnh vực nông nghiệp mức tối đa là 15,5%. Ngân hàng ANZ cũng cho biết có một gói hỗ trợ 160 triệu đô la Mỹ (tương đương 3.376 tỉ đồng) dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ yếu cho các nhóm ngành như nông sản và các nhóm ngành mang tính cạnh tranh cao như may mặc, thủy sản, các ngành mấu chốt của nền kinh tế. Mức lãi suất ANZ áp dụng cho gói vay trên nhỏ hơn từ 1-2 điểm phần trăm so với mặt bằng chung.
Giám đốc một chi nhánh tại TPHCM của Ngân hàng VIB cho biết lãi suất thấp nhất mà ngân hàng ông đang áp dụng vào khoảng 18%, mức cao nhất là 21%. Theo vị này mức trên đã giảm khoảng hơn 1 điểm phần trăm so với trước tết. Hiện tại ngân hàng chú trọng cho vay các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có tình hình tài chính lành mạnh để giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng.
Ông cho rằng từ quí 2 trở đi lãi suất sẽ tiếp tục hạ nhiệt vì lượng tiền bơm ra của Ngân hàng Nhà nước trong vài tháng qua tăng khá mạnh, trong khi đó lượng tiền gửi tiết kiệm từ dân cư trong những ngày sau tết cũng đã có dấu hiệu tăng lại. “Nếu Ngân hàng Nhà nước kiên quyết với lộ trình hợp nhất ngân hàng yếu và sự đồng lòng của các ngân hàng thì lãi suất có thể giảm”, vị này nói thêm.
Trong khi đó, ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á, cho biết trong thời điểm hiện tại mức lãi suất ngân hàng ông đang áp dụng cũng trên dưới 19% cho các khoản vay bình thường, còn đối với một số khách hàng tiềm năng có hoạt động kinh doanh hiệu quả thì áp dụng lãi suất 16,5 - 17%, nhưng con số này rất ít vì cơ cấu nguồn vốn của ngân hàng chưa cho phép áp dụng nhiều cho mọi khách hàng. Xu thế giảm lãi suất cho vay theo ông Tuấn là điều đương nhiên, nhưng chưa thể sớm.
Với mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2012 là từ 15-17%, ông Tuấn cho biết sẽ sử dụng khoảng 20% trong số trên để cho vay theo định hướng của ngành như doanh nghiệp xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời các món tiền vay tập trung cho một doanh nghiệp là khoảng 10 tỉ đồng để tránh rủi ro, làm lành mạnh các khoản vay.
Ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) thì cho biết các khoản vay hầu hết cũng chịu mức lãi suất phổ biến ở 19- 20%, có giảm nhẹ so với thời gian trước. Còn để giảm nhiều hơn thì ông cho rằng “hoàn toàn có thể được” nhưng cần có thêm thời gian.
Ông phân tích lạm phát đã giảm nhiều tháng liên tục theo lẽ thì lãi suất huy động cũng giảm nhưng thực tế vấn đề cung tiền trong thời gian qua chưa đủ lớn, một số ngân hàng gặp khó về thanh khoản khiến cho lãi suất chưa giảm. Ông cho rằng chủ trương hạ lãi suất đã được đề ra cùng với các biện pháp điều tiết cung tiền đang được Ngân hàng Nhà nước thực hiện sẽ giúp cho lãi suất giảm.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online gần đây, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa cho biết trong năm 2012 lãi suất chắc chắn sẽ giảm, nhưng ông lưu ý vấn đề quan trọng cần giải quyết chính là thanh khoản của ngân hàng nhỏ. Nếu làm tốt vấn đề này thì mới mong lãi suất giảm sớm. Vì thực tế nếu phải huy động vốn với giá cao thì không thể cho vay với giá thấp được, đồng thời số tiền huy động được cũng chỉ đủ để bù đắp khoản thiếu hụt nên khó có thể cho vay nhiều.
Trong một báo cáo về kinh tế vĩ mô của Công ty chứng khoán Bảo Việt, lãi suất cho vay cũng được cho rằng sẽ giảm dần và đến cuối năm sẽ dao động từ 15-16%. Theo công ty, việc giảm lãi suất sẽ không xảy ra đột ngột mà chậm rãi theo sự đi xuống của lạm phát và khả năng huy động vốn của hệ thống ngân hàng mà đặc biệt là các ngân hàng nhỏ.
Trả lời báo chí đầu năm Nhâm Thìn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết đã có những tiền đề và nền tảng nhất định cho việc giảm lãi suất. Cụ thể, từ tháng 8-2011 trở lại đây, tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có chiều hướng giảm dần và đều ở mức dưới 1%/tháng, tạo nền tảng cho kỳ vọng giảm lạm phát trong thời gian tới. Bên cạnh đó, NHNN đang tập trung vào việc xử lý thanh khoản của các tổ chức tín dụng và nếu xử lý tốt vấn đề này sẽ tạo thêm tiền đề vững chắc hơn cho việc giảm lãi suất trong năm 2012. “Mục tiêu của Chính phủ năm 2012 là kiềm chế lạm phát ở mức một con số, cụ thể định hướng lạm phát sẽ ở mức 9 - 9,5%. Nhiều tổ chức quốc tế đã đánh giá, nếu Việt Nam duy trì các giải pháp quyết liệt như trong năm 2011 thì lạm phát ở Việt Nam năm 2012 sẽ ở mức 8- 8,5%. Nếu mục tiêu lạm phát đó đạt được vào cuối năm 2012 thì hệ thống ngân hàng có khả năng để giảm mặt bằng lãi suất huy động xuống mức khoảng 10%/năm”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói. |