Dường như ít có năm nào mà cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn dồn dập như năm nay. Trong phiên Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Mai Hữu Tín (Bình Dương) nhận định: Hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang trong tình trạng sống dở chết dở nếu không đưa được tỷ lệ lạm phát về dưới 10% và hạ lãi suất cho vay xuống dưới 15%. Nhận định này không phải không có cơ sở.
Lãi suất cao, hàng tồn kho nhiều: Gánh nặng hai vai
Hiện nay, tình hình tiêu thụ thép trong nước đang gặp nhiều khó khăn.

Vòng xoáy thương trường

Do phải đối mặt, giải quyết nhiều thách thức nên một số doanh nghiệp (DN) thật sự lúng túng trong việc hoạch định cũng như thực hiện kế hoạch kinh doanh. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khoảng 1/3 số DN đã cổ phần hóa hiện chưa tổ chức được đại hội cổ đông thường niên năm 2011. Kết quả điều tra gần đây tại 360 DN cho thấy, tổng doanh số bán hàng tuy vẫn tăng do giá bán bình quân tăng, nhưng lợi nhuận trên mỗi đơn vị sản phẩm lại giảm do chi phí đầu vào tăng cao. Điều đó lý giải vì sao có tình trạng càng làm càng lỗ.


Trên thực tế, nhiều DN đã "phải ngậm bồ hòn" do tỷ giá giữa VND và USD có nhiều biến động, gây ra những khoản thiệt hại mỗi khi DN cần có ngoại tệ để giao dịch xuất, nhập khẩu với đối tác nước ngoài. Điều này thể hiện rõ nhất với những DN sử dụng vốn vay bằng USD từ ngân hàng để kinh doanh nhưng doanh thu chủ yếu lại từ các nguồn trong nước và được chi trả bằng VND, như ngành điện, xi măng, phân bón… Cùng với đó, lãi suất cao vẫn luôn là gánh nặng cho DN, bởi trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu, cắt giảm đầu tư công, giảm tiêu dùng... nên không ít DN rơi vào cảnh tồn đọng sản phẩm. Thống kê sơ bộ với 136 loại sản phẩm và nhóm sản phẩm công nghiệp cho thấy, hơn 2/3 có mức tồn kho tăng so với cùng kỳ năm ngoái và tình trạng này hiện vẫn chưa được cải thiện…


Việc tiếp cận nguồn vốn cũng là vấn đề nan giải, bởi hầu hết DN vẫn khó vay được vốn do khả năng thu xếp cho vay của các tổ chức tín dụng đã bị khống chế mức tăng trưởng tín dụng không quá 20%. Vì vậy, không ít dự án có khả năng triển khai đã bị ách lại. Như vậy, sẽ xuất hiện tình trạng mất cơ hội với những đơn vị đã chuẩn bị xong dự án có chất lượng cao, có khả năng thu hồi vốn, cũng như có thể ảnh hưởng đến tốc độ mở rộng năng lực sản xuất của nền kinh tế nói chung.


"Nén lò xo" chờ thời


Thực tế cho thấy, càng bị dồn vào thế khó, các DN càng hun đúc khát vọng vươn lên, vượt qua những khó khăn hiện tại, hướng tới sự hồi phục của môi trường kinh doanh theo hình ảnh "nén lò xo" chờ thời. Những tháng qua, các DN đã đồng hành cùng Chính phủ, quán triệt tinh thần của Nghị quyết 11 thông qua từng nội dung cụ thể. Nhiều DN đã áp dụng chính sách "thắt lưng buộc bụng" qua việc tiết kiệm điện tối đa và tính trung bình đã tiết kiệm được khoảng 3,52% chi phí so với thời gian trước, đồng thời tỷ lệ DN thực hiện cắt giảm các khoản/dự án đầu tư chưa cần thiết cũng đạt mức 64%. Nhiều DN chủ động hạn chế nhập khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu và đến nay tỷ lệ nhập khẩu trên tổng doanh thu đã giảm được 8,6% trong khi tỷ lệ xuất khẩu của DN đã tăng trung bình 7,4%. Đặc biệt, để đối phó với hàng loạt khó khăn, giới DN đã tập trung vào tái cơ cấu toàn diện hoạt động đầu tư, tài chính, quản lý và xử lý nợ, nhất là tìm cách tăng năng suất lao động để bù lỗ và tìm lợi nhuận.


Theo nhiều chuyên gia kinh tế, sau một vài tháng triển khai Nghị quyết 11, không ít DN đã tỏ ra hài lòng với kết quả đạt được và rõ ràng việc tăng năng suất vẫn là một "dư địa" với hầu hết DN. Ngoài ra, để đối phó với tình trạng "đỏng đảnh" của tỷ giá, DN đã tìm cách thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu bằng nguồn cung cấp nội địa nhằm tránh bị động hoặc đội giá thành sản phẩm. Động thái này còn tỏ ra hữu ích hơn bởi nó cho phép thắt chặt mối quan hệ, tăng liên kết trong cộng đồng DN và nâng cao tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm trong nước. Nhiều DN đã điều chỉnh kế hoạch phát triển phù hợp hơn với diễn biến thực tế thị trường cũng như định hướng phát triển ngắn hạn, dài hạn của mình, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay… Cộng đồng DN cũng đề xuất một số ý kiến, như Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 11, kiềm chế lạm phát và điều chỉnh lãi suất ngân hàng hợp lý. Bên cạnh đó, nghiên cứu khả năng giãn lộ trình tăng giá điện, xăng dầu để hỗ trợ, cũng như giúp các DN có điều kiện hoạt động ổn định...


Theo nhận định của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, những năm gần đây xuất hiện tình trạng số lượng DN đăng ký kinh doanh tăng đáng kể, nhưng tỷ lệ DN tạm ngừng hoạt động cũng tăng, vì thế cần có theo dõi, chấn chỉnh, tìm nguyên nhân tháo gỡ một cách hữu hiệu. Trong một nền kinh tế mở, có sức cạnh tranh ngày càng cao, việc ra đời cũng như rút khỏi thị trường của DN là diễn biến bình thường. Vấn đề chủ yếu nằm ở sự nhạy cảm, khả năng thích ứng và trình độ quản trị của từng DN.


C hủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường: Tăng tốc ngay khi tình hình kinh tế phục hồi trở lại
Mức tiêu thụ thép những tháng vừa qua có xu hướng giảm mạnh do tốc độ xây dựng các công trình diễn ra rất chậm, thị trường bất động sản gần như đóng băng và thép càng khó tiêu thụ do ảnh hưởng từ sự cắt giảm đầu tư. Trong tháng 9-2011, DN bán được 385 nghìn tấn, giảm 100.000 tấn so với tháng trước đó, tháng 10 cũng chỉ đạt trên 300.000 tấn. Do đó, mức tồn kho hiện cao gấp đôi mức trung bình trước đây và đang dao động từ 350.000-400.000 tấn. Tuy nhiên, đây lại là dịp để mỗi DN tổ chức tái cơ cấu một cách triệt để; thực hiện nâng cấp, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất; điều chỉnh các công đoạn liên quan và xác lập kế hoạch tăng tốc ngay khi tình hình kinh tế phục hồi trở lại.

Theo Hồng Sơn (HNM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland