Ngân hàng tư nhân "ăn nên làm ra"
Ngay từ đầu tháng 4, các ngân hàng ồ ạt báo cáo kết quả kinh doanh vô cùng khởi sắc trong 3 tháng đầu năm 2021. Lãi tăng ngoạn mục nhất thuộc về các ngân hàng tư nhân.
Lợi nhuận quý 1/2021 của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) ước đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, cao gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái. Đến cuối quý I, tiền gửi của MSB đạt 92.000 tỷ, tăng 11% so với đầu năm. Tỷ lệ an toàn vốn CAR ở mức 9,9% và nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), lợi nhuận trước thuế quý I/2021 đạt 698,3 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng tài sản đạt 184.302 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng đạt 1.440 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) ghi nhận lợi nhuận hợp nhất quý I/2021 với con số ấn tượng gần 4.600 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ và đạt tới 43% kết quả của 2020. Quý 1, ngân hàng này đã hoàn thành khoảng 32% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Ngay từ đầu tháng 4, các ngân hàng ồ ạt báo cáo kết quả kinh doanh vô cùng khởi sắc trong 3 tháng đầu năm 2021
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) công bố lợi nhuận quý I đạt 3.105 tỷ đồng, tăng hơn 61%. Tổng doanh thu thuần quý 1 của MSB là hơn 2.000 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2020, dẫn đến lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.200 tỷ đồng, cao hơn 315% so với cùng kỳ.
HDBank vừa công bố ước tính lợi nhuận trước thuế quý I vượt 2.000 tỷ đồng, tăng hơn 67% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, lãi thu từ dịch vụ cao gấp 2 lần so với cùng kỳ. Chỉ trong 3 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng ngân hàng này tang thêm 5,2%.
Nhiều "ông lớn" ngân hàng quốc doanh cũng có mức lãi ấn tượng. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế quý I của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đạt khoảng 7.000 tỷ đồng, tương đương 28% kế hoạch cả năm. Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) ước lãi trước thuế quý đầu năm nay khoảng 7.000-8.000 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận rất cao so với những năm gần đây của Vietinbank.
Lợi nhuận đến từ đâu?
Nhiều chuyên gia cho rằng, lợi nhuận này đến từ chênh lệch lãi suất gia tăng. Cụ thể, trong năm 2020, lãi suất cho vay đã giảm từ 1 - 1,5%/năm, thấp hơn mức giảm của lãi suất tiền gửi từ 2 - 2,5%/năm. Nhờ vậy, biên lãi ròng (NIM) của hầu hết các ngân hàng đã tăng rất mạnh trong nửa cuối năm 2020 và hiện ở mức cao lịch sử, khoảng 4%. NIM cao dẫn đến các ngân hàng có lợi nhuận lớn.
Theo ông Lê Đạt Chí, Phó khoa Tài chính Trường đại học Kinh tế TP.HCM, tăng trưởng tín dụng quý I thấp, chỉ đạt 1,47%, điều này cho thấy ngân hàng không triển khai cho vay được nhiều mà vẫn khai thác những khách hàng cũ với mức lãi suất cho vay cao mang lại. Các ngân hàng hiện được hưởng lợi từ việc áp trần lãi suất huy động ở mức thấp, đồng thời Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ bơm tiền, thanh khoản thị trường dồi dào.
Bên cạnh NIM cao, cắt giảm chi phí cũng đang là phương án được các ngân hàng chú trọng thực hiện để gia tăng lợi nhuận. Ông Nguyễn Ngọc Thành, chuyên gia phân tích ngân hàng, Công ty Chứng khoán Rồng Việt, cho biết: "Các ngân hàng tiếp tục cắt giảm chi phí khiến lợi nhuận sau thuế tăng mạnh. Trong năm 2020, một số ngân hàng đã trích lập khá mạnh nên áp lực trích lập 2021 không nhiều, do vậy họ có cơ hội tăng lợi nhuận”.
Các ngân hàng còn nỗ lực đa dạng hóa nguồn thu. Trước đây, tín dụng vốn là hoạt động kinh doanh cốt lõi, đem về nguồn thu và lợi nhuận chủ yếu cho các ngân hàng. Hiện nay, các ngân hàng còn đẩy mạnh tìm kiếm nguồn thu từ các mảng như bán lẻ, thanh toán, bancassurance, tài trợ thương mại, mua bán ngoại tệ, trái phiếu doanh nghiệp …
Cùng với đó, gánh nặng trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) cũng được giảm áp lực đáng kể. Theo Thông tư 03 hiệu lực từ ngày 17/5/2021, lộ trình trích lập DPRR của các khoản nợ được cơ cấu lại sẽ thực hiện trong 3 năm, với năm 2021 trích 30%. Áp lực trích lập giảm bớt, nhiều ngân hàng có thể hoàn nhập và ghi nhận vào lợi nhuận giúp lợi nhuận chung tốt hơn.
-
Ngân hàng đứng ngoài cơn sốt đất
Hiện các ngân hàng chỉ cho vay xây, sửa nhà ở theo các gói tín dụng tiêu dùng có quy định rõ về lãi suất, hạn mức vay, thời gian vay cụ thể chứ không đơn vị nào “dám liều” cho vay để phục vụ mục đích mua bán, sang nhượng đất nền vì độ rủi ro rất lớn, thậm chí còn nhiều khả năng vi phạm pháp luật về cho vay vì tài sản thế chấp và mục đích sử dụng vốn vay không đáp ứng được các quy định về cho vay khách hàng.