28/06/2019 11:12 AM
Báo Thanh tra ngày 23/4/2019 có bài: "Xã La Phù (Hoài Đức - Hà Nội): Việc cưỡng chế các công trình vi phạm đã minh bạch?", phản ánh trên địa bàn xã La Phù có hàng loạt công trình vi phạm trật tự xây dựng (TTXD), xây dựng trên đất nông nghiệp, đất lấn chiếm, xây dựng trái phép. Thế nhưng, UBND xã La Phù lại không đồng loạt xử lý mà chỉ xử lý “điểm” một số công trình. Việc làm này đang gây sự hoài nghi trong dư luận về việc có hay không chính quyền xã La Phù đang “bao che” cho một số công trình vi

Khu đất thuộc dự án Đồng Gường được UBND huyện Hoài Đức lấy đất của dân khi chưa lập phê duyệt thiết kế đô thị theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500. Ảnh: TQ

Qua tìm hiểu của PV, hiện tại xã La Phù còn có nhiều dự án có dấu hiệu thiếu minh bạch trong việc thu hồi đất, triển khai thực hiện dự án.

Dự án xây dựng khu đất dịch vụ tại khu Chéo đường tàu là một ví dụ. Dự án được thực hiện theo Quyết định số 2393/TB-UBND, ngày 17/4/2008 của UBND tỉnh Hà Tây về việc thu hồi 82.824m2 đất nông nghiệp tại xã La Phù để giao cho các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp.

Đất đã thu hồi, nhưng đến nay, nhiều hộ dân vẫn thắc mắc không hiểu Quyết định số 2393/TB-UBND nội dung cụ thể ra sao, bởi họ không được UBND huyện và xã cung cấp.

Bà Nguyễn Thị Hợi, thôn Tiền Phong cho biết, gia đình bà ra khai hoang tại khu Chéo đường tàu từ năm 1983. Diện tích khai hoang được 4 mảnh gồm 182m2, 123,5m2, 89,5m2 và 144m2.Giờ đất bị thu hồi trong khi gia đình vẫn chưa đồng tình với các phương án hỗ trợ từ huyện và xã.

Riêng diện tích đất 144m2 bị lấy gần 10 năm nhưng mãi đến ngày 4/3/2019, UBND huyện Hoài Đức mới có Quyết định số 821/QĐ-UBND phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB do ông Nguyễn Anh, Phó chủ tịch UBND huyện ký.

Theo đó, diện tích đất này được coi là đất giao khoán thuộc quỹ đất công ích xã với đơn giá hỗ trợ 162.000 đồng/m2. Cầm trên tay quyết định hỗ trợ với tổng số tiền 3.340.800 đồng gồm tiền hỗ trợ đất và lúa, vợ chồng bà Hợi không khỏi thất vọng.

Cũng như gia đình bà Hợi, gia đình bà Đỗ Thị Kiểm, thôn Tiền Phong có ba mảnh đất khai hoang từ năm 1985, mỗi mảnh rộng 258m2, 192m2 và 200m2.

Mọi chuyện chỉ phức tạp khi năm 2009, UBND huyện Hoài Đức và xã La Phù thông báo sẽ lấy đất của gia đình bà để phục vụ cho việc giãn dân. “Bất chấp việc tôi phản đối, họ vẫn bật đèn xanh cho đơn vị thi công vào phá vườn, phá đất nhà tôi”, bà Kiểm nói.

Ba thửa đất nói trên tương đương 677m2, giờ không rõ chính sách giải quyết nhưng trước đó bà cũng bị UBND huyện lấy 720m2 ở một thửa đất khác để phục vụ cho dự án thuộc khu Chéo đường tàu.

Để đền bù, huyện và xã cho bà gắp thăm một khu đất khác rộng 72m2 tại khu Đồng Gường, thôn Độc Lập. Giờ tiền đóng cho xã làm hạ tầng đã xong, nhưng gần chục năm nay bà và nhiều hộ dân chưa hề được phân đất?

Từ một người chẳng liên quan đến dự án nào nhưng bà Kiểm lại bị UBND huyện và xã biến thành một hộ dân nằm trong dự án. Thay vì được sử dụng đất ổn định tại khu Chéo đường tàu thì bà lại bị chuyển đến khu Đồng Gường. Đương nhiên số đất bà nhận được chỉ bằng 1/10 diện tích đất đã mất.

Tại sao UBND huyện không đưa thẳng những người được phân đất ở khu khác về Đồng Gường mà lại đi “đường vòng” bằng cách lấy 720m2 đất của bà Kiểm tại khu Chéo đường tàu rồi giao cho 72m2 tại khu Đồng Gường? Đây có phải hình thức lấy đất của dân thiếu minh bạch?

10 năm trôi qua, tiếng là lấy đất cho dự án khác rồi chuyển dân ở dự án đó về khu Chéo đường tàu nhưng đến giờ cả khu này gần như chưa có ai về ở.

Sự thiếu minh bạch của dự án chỉ “vỡ òa” khi năm 2018, Thanh tra Bộ Xây dựng công bố khu đất Chéo đường tàu được huyện và xã lấy đất của dân khi chưa lập phê duyệt thiết kế đô thị theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500. Nghĩa là huyện tự tin tới mức không cần UBND TP Hà Nội đồng ý phê duyệt quy hoạch.

Bà Kiểm bên khu đất của gia đình tại khu Chéo đường tàu. Ảnh: TQ

Tại khu Đồng Gường, kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng cũng chỉ ra sự thiếu minh bạch của UBND huyện và xã La Phù khi lấy đất của người dân ở khu Đồng Gường, thôn Độc Lập. Quyết định lấy đất cũng được UBND huyện và xã vin vào Quyết định đầy bí ẩn, số 2393/TB-UBND, ngày 17/4/2008 của UBND tỉnh Hà Tây.

Tính pháp lý thiếu minh bạch nhưng tháng 5/2019, UBND huyện vẫn gửi thông báo tiếp tục thu hồi đất của ba hộ dân thôn Độc Lập là Nguyễn Thị Lán, Nguyễn Hưng Quỳnh và Nguyễn Hưng Ánh.

Ba hộ này bị thu hồi 893,6m2 đất, nhưng không được đền bù về đất với lý do là đất công do xã quản lý. Theo phương án hỗ trợ, ba hộ dân chỉ nhận được tổng số tiền 15.592.000 đồng cho số lượng cây Lộc vừng và cây Sanh.

Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra nhiều sai phạm trong quản lý đất đai đối với hai dự án tại khu Chéo đường tàu và khu Đồng Gường khi chưa lập phê duyệt thiết kế đô thị theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500.

Liệu đến giờ những vi phạm liên quan đến đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện nói chung và tại xã La Phù nói riêng được Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra đã được UBND huyện Hoài Đức khắc phục?

Việc thu hồi đất của dân khi UBND huyện chưa lập phê duyệt thiết kế đô thị theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 và chưa được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận liệu có đúng pháp luật?

Trần Quý (Thanh tra)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.