Bị treo sổ đỏ vì không nộp tiền
Năm 1996, sau khi được chính quyền địa phương bán đất, gần 100 hộ dân thôn Đông Lâm đã đến mảnh đất mới mua để xây nhà để an cư lập nghiệp. Cùng thời điểm này, ngoài khoản tiền mua đất các hộ dân còn góp thêm 3 triệu đồng để đóng góp tiền quy hoạch và cấp sổ đỏ, đồng thời người dân cũng đã nhiều lần kiến nghị về việc cấp sổ đỏ nhưng không được đáp ứng.
Người dân thôn Đông Lâm phản ánh với phóng viên
Năm 2015, sau gần 20 năm an cư lập nghiệp trên mảnh đất đó người dân thôn Đông Lâm mới được mời lên UBND xã lấy sổ đỏ. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại yêu cầu người dân phải nộp thêm hàng chục triệu đồng, có hộ còn phải nộp thêm hàng trăm triệu đồng (tuy theo diện tích) mới được nhận sổ đỏ. “Chúng tôi chỉ nhìn thấy sổ đỏ mà không được lấy vì chưa nộp tiền, quanh năm suốt tháng chỉ bám vào mấy sào ruộng thì biết lấy đâu ra khoản tiền lớn như vậy mà nộp”, một người dân nói.
Theo ông Đồng Văn Tú, thời điểm đó ông mua 308,5m2 đất với số tiền 7,5 triệu đồng, đến nay tất cả biên bản bàn giao đất, phiếu thu tiền ông vẫn còn lưu giữ đầy đủ. “Hôm tôi đến xã lấy sổ đỏ hộ yêu cầu phải nộp thêm 138,8 triệu đồng thì mới được cấp. Hồi mới mua tôi đã nộp đủ tiền rồi, chính quyền địa phương bán cho thì chúng tôi mới vay mượn tiền để mua sao giờ lại bắt chúng tôi nộp tiền thêm lần nữa”, ông Tú bức xúc nói.
Phiếu thu tiền mua đất được ký năm 1996
Theo ông Tú, công thức chung để tính mức tiền mà ông và các hộ dân phải nộp thêm để lấy sổ đỏ là lấy tổng diện tích mảnh đất nhân với giá đất hiện tại (giá áp dụng là 1,5 triệu đồng/m2), sau đó nhân với 30% là ra khoản tiền mới phải nộp. “Như nhà tôi phải nộp đến hơn 200 triệu đồng mới được lấy sổ đỏ, mấy tháng nay nhà cửa hỏng hỏng không dám sữa chữa vì bị chính quyền địa phương can thiệp, cản trở. Không hiểu sao cũng mua đất cùng thời điểm như chúng tôi mà một số hộ lấy được sổ đỏ mà không phải đóng thêm khoản tiền nào còn chúng tôi thì lại phải đóng, không biết vì sao lại bắt chúng tôi đóng thêm khoản tiền này. Đến nay chúng tôi vẫn đang bị treo sổ đỏ ở xã vì chưa có tiền nộp”, ông Thắng – một người dân thôn Đông Lâm cho biết.
Biên bản bàn giao đất
Đang xin ý kiến chỉ đạo
Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Thịnh – Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa cho biết, các lô đất bán cho các hộ dân thôn Đông Lâm gần 20 năm trước đều là đất bán trái thẩm quyền, tuy nhiên vẫn đủ điều kiện để được cấp sổ đỏ theo quy định tại Quyết định số 191 ban hành ngày 27.6.2012 của UBND tỉnh Bắc Giang,Quyết định này có hiệu lực đến hết tháng 6-2014.
Ông Thịnh cũng cho biết, khi áp dụng Quyết định này đã nhận được rất nhiều phản ánh của người dân, rất nhiều hộ dân phải đối và không nộp. “Chúng tôi đang báo cáo lên UBND tỉnh, Sở TNMT và các đơn vị liên quan để xem xét và xin ý kiến chỉ đạo”, ông Thịnh cho hay.
Không chỉ người dân thôn Đông Lâm mà hàng ngàn hộ dân tại Bắc Giang phải nộp thêm một khoản tiền theo Quyết định này mới được cấp sổ đỏ. Riêng tại huyện Hiệp Hòa, theo số liệu báo cáo của UBND huyện Hiệp Hòa lên UBND tỉnh Bắc Giangngày 9.6.2016, tổng số tiền sử dụng đất phải nộp của các hộ gia đình, cá nhân ở huyện Hiệp Hòa khi cấp sổ đỏ theo Quyết định 191 là 243,4 tỉ đồng.
Nếu Quyết định 191áp dụng cho những trường hợp bán đất trái thẩm quyền thìQuyết định này đang bắt người dân đóng tiền để sữa sai cho chính quyền địa phương vì chính quyền đã tự ý bán đất trái thẩm quyền cho người dân. Trong khi đó, theo Điểm b Khoản 1 Điều 8 Nghị định 45/2014/NĐ-CP quy định: Trường hợp sử dụng đất có nhà ở ổn định trong khoảng thời gian từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và có giấy tờ chứng minh đã nộp tiền để được sử dụng đất, thì thu tiền sử dụng đất như sau: Nếu giấy tờ chứng minh đã nộp tiền để được sử dụng đất theo đúng mức thu quy định của pháp luật đất đai năm 1993 thì không thu tiền sử dụng đất. Đối chiếu với văn bản luật này cho thấy, các hộ dân ở thôn Đông Lâm đủ điều kiện để được cấp sổ đỏ theo luật đất đai năm 1993 vì họ đã nộp tiền mua đất và còn lưu giữ đầy đủ hóa đơn thu nộp tiền.
Như vậy, việc thu thêm tiền của các hộ dân theo quyết định 191 liệu có đúng quy định?