Tiêu chuẩn thành lập thành phố thuộc tỉnh
Thị xã La Gi cách thành phố Phan Thiết 63 km về phía nam, cách thành phố Hồ Chí Minh 150 km về phía đông bắc và cách thành phố Vũng Tàu 90 km về phía đông bắc. Thị xã có diện tích 185,4 km² được chia thành 5 phường và 4 xã. Tính đến tháng 6/2021, dân số La Gi là 131.602 người, mật độ dân số 702 người/km2.
Nằm ở phía nam của Bình Thuận, giữa thiên đường du lịch là TP. Phan Thiết và TP. Vũng Tàu, thị xã La Gi cũng đã sớm vươn mình và dần trở thành hạt nhân chính trong phát triển kinh tế và du lịch biển của tỉnh. Năm 2018, thị xã được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III khi đáp ứng được các tiêu chí về quy mô dân số, mật độ dân số, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị…
Theo Quy hoạch, dự kiến trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 thị xã La Gi sẽ lên thành phố trực thuộc tỉnh. Nơi đây sẽ hình thành hàng loạt khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ, thể thao hiện đại...
Được công nhận là đô thị loại III chính là tiền đề để La Gi tiến đến gần hơn với lộ trình nâng cấp lên thành phố giai đoạn 2021 - 2025
Tuy nhiên, để đáp ứng những điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã La Gi cần đáp ứng nhiều tiêu chí như đã được cấp có thẩm quyền công nhận là đô thị loại III trở lên; quy mô dân số đạt từ 180.000 người trở lên; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thành đạt từ 80% trở lên so với tổng số lao động; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ - du lịch trong cơ cấu kinh tế đạt từ 80% trở lên; tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cùng cấp trực thuộc đạt từ 2/3 trở lên...
Hiện tại, thị xã La Gi cơ bản đáp ứng các tiêu chí về diện tích, được công nhận là đô thị loại III, địa phương cũng đang từng bước hoàn thiện các tiêu chuẩn khác để sớm nâng cấp lên thành phố trực thuộc tỉnh trước 2025.
Phát huy tiềm năng, từng bước hoàn thiện
Để hoàn thành mục tiêu sớm lên thành phố, trong những năm qua, hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở thị xã La Gi có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, trên địa bàn thị xã đã hình thành 4 cụm công nghiệp gồm: La Gi, Tân Bình 1,2 và 3 với tổng diện tích 180 ha. Đồng thời, quan tâm phát triển một số ngành, nghề thế mạnh để giải quyết tốt nhu cầu lao động tại địa phương như chế biến thủy sản, sản xuất nước mắm, gia công hàng may mặc, sản xuất vật liệu xây dựng...
Bên cạnh đó, để hoàn thiện cơ sở hạ tầng giúp La Gi sớm đạt các tiêu chuẩn lên thành phố và phát huy tiềm năng phát triển về du lịch – thương mại – dịch vụ, Bình Thuận cũng đang gấp rút đầu tư các cơ sở hạ tầng trọng điểm với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỉ đồng.
Cụ thể, tỉnh sẽ nhanh chóng nâng cấp, mở rộng quốc lộ 55 và đây là một phần nằm trong kế hoạch xây dựng hai trục đường nối từ cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết xuống quốc lộ 1A, từ đó đi tiếp qua khu vực huyện Hàm Tân thẳng đến La Gi. Nhờ những công trình này, thời gian di chuyển TP. HCM - La Gi chỉ còn khoảng 1,5 giờ; từ sân bay Phan Thiết hoặc sân bay Long Thành đến La Gi còn 1 giờ.
La Gi đang triển khai hoàn thiện các tuyến đường giao thông quan trọng. Ảnh: Đình Hòa
Bình Thuận cũng lập kế hoạch đầu tư tuyến đường Nguyễn Minh Châu nối dài qua Hàm Tân, Hàm Thuận Nam để kết nối đường ven biển thị xã với quốc lộ 55, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Đồng thời, tỉnh đề nghị các ngành sớm hoàn thiện các đoạn kè chống sạt lở sông Dinh, lập dự án đầu tư kè và đường 2 bên bờ sông Dinh.
Với hạ tầng đồng bộ, chính sách thu hút đầu tư và chủ trương sớm lên thành phố, La Gi đang thu hút mạnh vốn đầu tư với hàng loạt các dự án tỷ USD. Nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước như AES (Virginia, Mỹ), liên doanh Becamex - VSIP... đã và đang đầu tư loạt dự án quy mô lớn tại khu vực Nam Bình Thuận. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận, thị xã La Gi hiện có 40 dự án đầu tư du lịch còn hiệu lực với tổng diện tích khoảng 565 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 3.411 tỷ đồng.
Thêm vào đó, ngay sau khi có thông tin La Gi lên thành phố, nhiều “ông lớn” bất động sản đã đổ về đây đón sóng với các dự án khu dân cư, phức hợp đô thị ven biển quy mô nhằm đón đầu tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ… vừa đáp ứng nhu cầu an cư của người dân địa phương lẫn giới chuyên gia cao cấp tại các cụm, khu công nghiệp kế cận, vừa mở ra tiềm năng khai thác về kinh doanh thương mại tại địa phương.
Sự xuất hiện của các dự án lớn về công nghiệp, du lịch và bất động sản sẽ giúp La Gi có cơ hội phát triển dân số, dịch vụ khi các dự án này đồng loạt đi vào hoạt động. Trong tương lai gần, các chuyên gia, người lao động sẽ lựa chọn La Gi là nơi cư trú, lập nghiệp. Từ đó, giúp La Gi từng bước hoàn thiện các tiêu chí về quy mô dân số, mật độ dân số, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp. Các dự án này cũng sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - thương mại – dịch vụ - du lịch phát triển, giúp La Gi sớm hoàn thành các tiêu chí quan trọng để đạt mục tiêu lên thành phố trước 2025.
-
Công ty Cổ phần Tập đoàn Stavian muốn đầu tư dự án khu công nghiệp quy mô 300 ha tại Bình Thuận
Ông Nguyễn Hồng Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận vừa làm việc với Công ty Cổ phần Tập đoàn Stavian để nghe báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án Khu công nghiệp phía Nam tỉnh Bình Thuận....
-
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết: Cú hích đột phá cho bất động sản du lịch Bình Thuận
Hơn cả vai trò một tuyến đường huyết mạch, sự hình thành cao tốc còn đóng vai trò như một “bệ phóng” phát triển kinh tế Bình Thuận, chuyển mình từ một tỉnh ven biển nông nghiệp sang một trung tâm kinh tế - du lịch....
-
Bất động sản Bình Thuận gặp khó với 101 dự án chưa triển khai, UBND tỉnh nói gì với Bộ Xây dựng?
Hiện nay, nhiều dự án bất động sản tại tỉnh Bình Thuận đang đối mặt với không ít khó khăn và vướng mắc, gây chậm trễ trong triển khai, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Trước thực trạng này, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn b...