"Đáng lẽ phải rà soát lại xem lý do vì sao sinh viên không ở, nếu sinh viên không chấp nhận thì người dân có chấp nhận hay không?".
Chiêu bài tìm kiếm lợi ích
Dự án nhà ở sinh viên tại khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai, Hà Nội) bao gồm 6 đơn nguyên cao 19 tầng, một tầng hầm, khởi công từ năm 2009 với tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ, dự kiến bố trí chỗ ở cho gần 22.000 sinh viên các trường đại học phía nam thành phố.
Tuy nhiên, sau gần 2 năm đưa vào sử dụng, công suất khai thác của 3 toà nhà này chỉ đạt gần 40%. Nguyên nhân khiến khu ký túc xá nghìn tỷ này heo hút là do nhiều yếu tố, trong đó giao thông đi lại giữa khu nhà ở này với các khu vực khác còn nhiều khó khăn.
Chính vì nhiều diện tích thậm chí bị bỏ hoang, nằm phơi mưa nắng, Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất chuyển đổi 2 tòa nhà A2, A3 sang nhà ở xã hội, để bán và cho thuê bằng hình thức xã hội hóa.
Dự án Pháp Vân - Tứ Hiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng sẽ tránh lãng phí và đáp ứng một phần nhu cầu nhà ở xã hội.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 21/2, PGS.TS. Phạm Văn Khôi -Giảng viên Khoa Bất động sản và Kinh tế Tài nguyên - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: "Nhà ở sinh viên và nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp về mục tiêu đều là tốt vì đó là nhu cầu thực sự cấp thiết hiện nay cho cả hai đối tượng chiếm phần lớn trong xã hội.
Nhưng chúng ta hãy thử đặt câu hỏi xây nhà cho sinh viên thuê còn không ai lựa chọn, vì lý do giao thông, cơ sở hạ tầng nơi ở không đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng, nếu vậy là người dân thường xuyên đi làm thì có phù hợp hay không?. Đó là còn chưa kể đến yếu tố thiết kế nhà ở cho sinh viên sẽ không thể nào giống với nhà ở xã hội bình thường khác, liệu có phải sửa chữa cho phù hợp, hay có ai mua, có ai thuê không?.
Vấn đề ở đây theo tôi không phải ở chủ trương mà là vấn đề triển khai, chúng ta triển khai mục tiêu tốt mà không đúng thì nên chuyển sang mục tiêu khác, tương ứng, nhưng chưa biết sẽ tổ chức ra sao thì đừng quyết định vội vàng.
Đáng lẽ phải rà soát lại xem lý do vì sao sinh viên không ở, nếu sinh viên không chấp nhận thì người dân có chấp nhận hay không?".
Bên cạnh đó, theo ông Khôi, nhiều bạn sinh viên còn ở các nhà cấp 4 lợp mái tôn nóng, khổ như vậy còn chịu được, thì dù có xa, dù có đi lại vất vả không có lý do gì họ không cố gắng để được sinh sống và ở ngôi nhà tốt hơn.
Nên bản thân ông lại đặt ra câu hỏi có phải là sự thật, giới thiệu cho sinh viên mà sinh viên không ở hay không? Hay là chiêu bài của chủ đầu tư không cho sinh viên tiếp cận, để chuyển sang mục tiêu khác, thu lợi ích về cho mình.
Và nếu bây giờ chuyển sang nhà ở xã hội thì giải pháp có gì khác biệt hay không, nhu cầu nhà ở sinh viên với nhà ở xã hội có khác gì hay không, có phải thay đổi các thiết kế, hay chỉ là một chiêu bài để thu lời.
Quản lý tiền thế nào?
Mặt khác, theo ông Khôi, muốn cho thuê nhà theo hình thức BOT thì phải dựa theo nguyên tắc của nó, kinh doanh có lãi, định giá nhà, rồi khấu hao dần giá trị, ở đây đều có nghiệp vụ của hạch toán bất động sản.
Thực tế nếu cho thuê hình thức BOT thì nếu gia tăng hệ số sử dụng tài sản nâng lên, nhà nước bỏ vốn ra thì nhà nước được, còn chủ đầu tư thì hưởng lợi từ việc cho thuê.
"Chủ đầu tư và chủ quản lý là hoàn toàn khác nhau, nhưng theo tôi mục tiêu ở đây của họ vẫn là làm sao cho hệ số sử dụng các tòa nhà đó nâng cao lên. Nếu gia tăng được thì lại liên quan đến biện pháp như tôi nói, là xem xét dựa trên nguyên tắc ai bỏ ra điều kiện gì kinh doanh gia tăng lên, hưởng lợi ích tùy theo mức độ, về nguyên tắc là như vậy", ông Khôi chỉ rõ.
Vị chuyên gia trên cũng cho rằng, nếu quyết định làm theo hướng này thì chắc chắn sẽ liên quan đến hạch toán, phải có giám sát, công khai minh bạch số nhà cho thuê, số tiền thu về hàng tháng.
Câu chuyện này cũng như thu phí BOT đường cao tốc,cũng xuất hiện hàng loạt các tình trạng gian dối thu phí, kéo dài thời gian thu, đem lợi vào túi doanh nghiệp. Cho nên rất cần biện pháp giám sát giữa các bên, cần đến nghiệp vụ cụ thể của hạch toán kinh tế.
"Ở đây có thể thấy có 2 hình thức, cho thuê thì vốn thu hồi đều mà nó có thể nhập nhèm nhiều con số được, còn nếu bán cho người thu nhập thấp thì nó thu gọn theo một khoản tiền, rõ ràng, mua đứt bán đoạn, khó nhập nhèm.
Chắc chắn ở đây người quản lý cũng thấy phương thức quản lý cho thuê hiện nay, lợi ích nhiều hơn nên họ muốn cho thuê theo hình thức BOT, về mặt lợi ích ổn định hơn", ông Khôi nhận định.
Và theo ông, cần phải đưa ra một người chịu trách nhiệm cuối cùng để nếu có thất thoát thì quy trách nhiệm, thu hồi tài sản ngay, đây là việc đương nhiên phải làm.
Ông nhấn mạnh: "Mọi tài sản công đều phải có chủ sở hữu cụ thể, nếu là tài sản công phải giao cho cá nhân, tập thể tổ chức quản lý cụ thể. Nhưng giao trách nhiệm thì đồng thời phải có quyền lợi, để khuyến khích cho họ quản lý tốt, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Quản lý công của chúng ta khác với của các nước, các nước tư bản phải có người chịu trách nhiệm, còn chúng ta có kiểu cha chung không ai khóc. Nước ngoài họ đều có sở hữu chung, nhưng giao cơ chế quản lý cụ thể, trách nhiệm rõ ràng, nên hiệu quả kinh doanh cao hơn, đã đến lúc chúng ta cần làm vậy".
  • Lập đoàn kiểm tra dự án nhà ở học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp

    Lập đoàn kiểm tra dự án nhà ở học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp

    UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 357/QĐ-UBND về thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra quá trình thực hiện và thực trạng quản lý nhà dự án xây dựng nhà ờ cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp.

  • Ký túc nghìn tỷ thưa thớt sinh viên

    Ký túc nghìn tỷ thưa thớt sinh viên

    Trong số 5 tòa nhà cao tầng thuộc khu nhà ở học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hà Nội) ba tòa A1, A5, A6 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng công suất khai thác chỉ đạt gần 40% do không thu hút được sinh viên.

Châu An (Đất việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.