Tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) năm 2011, đại diện các đối tác phát triển các tổ chức đã có những báo cáo, đánh giá về bức tranh tổng thể nền kinh tế Việt Nam, đưa ra các ý tưởng nhằm giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững. Trong đó, nền kinh tế Việt Nam dưới góc nhìn bao quát của Ngân hàng Thế giới (WB) hiện lên với cả những gam màu sáng và tối.

Kinh tế Việt Nam dưới góc nhìn đa chiều của Ngân hàng Thế giới

Việc tiếp tục tiền tệ hóa nền kinh tế được coi là một trong những nguyên nhân chính gây ra lạm phát


Gói chính sách bình ổn bắt đầu phát huy tác dụng


Gói chính sách bình ổn kinh tế đưa ra vào đầu tháng 2/2011 theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ đã góp phần làm giảm nhiệt lạm phát. Lạm phát tháng 11 đã giảm xuống 0,39%, từ mức trung bình 1,6% của mười tháng đầu năm 2011. Mặc dù chỉ số CPI so với cùng kỳ năm trước vẫn cao, đứng ở mức 19,8% vào tháng 11, song rõ ràng đang giảm dần. Lạm phát trung bình 3 tháng đã giảm nhanh xuống mức 0,5%, sau khi lên mức cao đến 2,6% vào tháng 5/2011. Ước tính CPI cả năm nay sẽ ở mức dưới 19%.


Duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt


Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thể hiện khá nhất quán với chính sách tiền tệ thắt chặt. Tín dụng và tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng ở mức rất cao trong những năm trước, nhiều hơn mức cần thiết để khôi phục tăng trưởng kinh tế và việc tiếp tục tiền tệ hóa nền kinh tế được coi là một trong những nguyên nhân chính gây ra lạm phát. Chính sách tiền tệ của Việt Nam được bổ sung bằng một loạt các biện pháp hành chính, như hạn chế cho vay bằng ngoại tệ, quy định trần lãi suất huy động tiền đồng và USD, kiểm soát việc mua bán ngoại tệ. Các biện pháp này có thể giải quyết một số vấn đề bất ổn vĩ mô trước mắt nhưng thường có chi phí cao, giảm động cơ khuyến khích và can thiệp vào hoạt động của cơ chế thị trường. Hơn nữa, các biện pháp hành chính sẽ làm giảm sút hiệu quả của chính sách tiền tệ trong dài hạn. Chính sách tiền tệ ngày càng phức tạp, đòi hỏi chiến lược và định hướng tổng thể phải được thông tin một cách minh bạch và rõ ràng. Nếu không, sẽ tạo ra sự bất ổn cho các ngân hàng và người tham gia thị trường. Ngay sau khi Nghị quyết số 11 được ban hành, NHNN đã quy định trần lãi suất huy động tiền đồng và ngoại tệ, và giới hạn mức cho vay phi sản xuất của hệ thống ngân hàng, chủ yếu là cho kinh doanh bất động sản và chứng khoán. Vào đầu tháng 9, NHNN đã có chỉ đạo hạ thấp lãi suất cho vay và khuyến khích các ngân hàng thương mại tập trung cung cấp tín dụng cho sản xuất, phát triển nông nghiệp và nông thôn, xuất nhập khẩu hàng hóa thiết yếu và cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay. NHNN cũng áp dụng nghiêm ngặt mức trần huy động tiền đồng là 14%. Điều đáng ghi nhận là các cơ quan hữu quan cam kết sẽ thôi áp dụng các biện pháp hành chính một khi thị trường được ổn định trở lại.


Tăng trưởng GDP giảm, song đang lấy lại đà


Tốc độ tăng trưởng GDP được cho là sẽ thấp hơn so với dự báo đưa ra vào đầu năm, do thực hiện các chính sách bình ổn và do khủng hoàng tài chính toàn cầu. Trong 9 tháng đầu năm 2011, GDP tăng 5,8% so với 6,5% cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng lại tăng qua mỗi quý, từ 5,4% trong quý I, 5,7% trong quý II lên 6,1% trong quý III. Thông thường thì quý IV là thời gian các hoạt động kinh tế diễn ra sôi nổi nhất trong năm nếu xét về sản lượng do tăng tiêu dùng và xuất khẩu. Tốc độ tăng trưởng cả năm dự báo sẽ đạt khoảng 5,8%.


Bóc tách sản lượng theo ngành cho thấy tăng trưởng khá cân đối. Các ngành công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng mạnh, đóng góp phần lớn vào tăng trưởng chung. Tăng trưởng trong ngành xây dựng giảm xuống 4,9%. Đây là một kết quả đáng hoan nghênh, nó phản ánh sự điều chỉnh của tình trạng phát triển quá nóng những năm trước. Mặt khác, đây cũng có thể là nguyên nhân gây quan ngại nếu sự sụt giảm này chủ yếu là do hạn chế về thanh khoản và làm ảnh hưởng đến tất cả các dự án xây dựng mà không có sự phân biệt. Mặc dù khu vực xây dựng chỉ chiếm 7% GDP, sự giảm tốc của ngành này có thể tác động lớn đến nền kinh tế thông qua những hiệu ứng thứ phát. Ngành này sử dụng nhiều nhân công, trong đó có nhiều lao động giản đơn, hàng hóa và dịch vụ của ngành này có hàm lượng nội địa cao, ví dụ như vật liệu xây dựng, xi măng và giao thông vận tải.


Khu vực nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng 2,4% trong 9 tháng đầu năm 2011 mặc dù thời tiết không thuận lợi. Giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới tăng cũng góp phần làm kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản tăng mạnh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính, sản lượng gạo năm 2011 của Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tăng khoảng 1,3 triệu tấn so với 2010 và đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Nhờ đó, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ vượt mốc 7 triệu tấn cho cả năm, tương đương khoảng 1/4 sản lượng gạo của cả nước.


Về phía cầu, chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ, là một chỉ số đo lường niềm tin của người tiêu dùng, chỉ tăng 3,9% xét về giá trị thực (loại trừ yếu tố giá) so với cùng kỳ năm trước, chậm hơn so với tốc độ tăng trưởng GDP thực tế. Điều này cho thấy xu hướng giảm của chỉ số giá bán lẻ kể từ đầu năm 2010, mặc dù sự sụt giảm đã có dấu hiệu cải thiện vài tháng nay. Người tiêu dùng như đang chịu nhiều tác động của lạm phát cao và biến động giá cả, đặc biệt là giá lương thực, thực phẩm thiết yếu. Khu vực ngoài quốc doanh chiếm khoảng 90% tổng số doanh thu bán lẻ và dịch vụ ở Việt Nam, thể hiện sự lành mạnh của các hoạt động trong khu vực tư nhân.


Hiệu ứng giá cả làm tăng kim ngạch xuất khẩu


Giá cả hàng hóa giúp cho kim ngạch xuất khẩu tăng 34,6%, mặc dù chỉ tăng nhẹ về số lượng xuất khẩu do suy giảm kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, kết quả này khó có khả năng lặp lại trong năm 2012, khi giá cả nhiều loại hàng hóa trên thị trường thế giới dự kiến sẽ giảm xuống. Lượng xuất khẩu của Việt Nam có thể được duy trì khá tốt vì những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam thường có cầu ít co dãn.


Tính đến tháng 10, khối lượng xuất khẩu dầu thô tăng với tốc độ 6,7% so với cùng kỳ, song kim ngạch xuất khẩu dầu thô đã tăng 53,5%. Thu từ dầu thô vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong ngân sách nhà nước, ước tính đóng góp khoảng 15% tổng thu ngân sách năm 2011.


Kim ngạch xuất khẩu gạo tăng 17,3% trong mười tháng đầu năm 2011 nhờ giá thế giới tăng và mức sản lượng cao kỷ lục. Giá trị xuất khẩu cà phê tăng 59,2%, cao su tăng 55,7% và hạt điều tăng 32,6%.


Tỉ giá tiếp tục biến động


Tiền đồng của Việt Nam có một giai đoạn ổn định từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 11. Thị trường ngoại hối bình ổn sau khi tiền đồng giảm giá mạnh vào tháng 2. Những biện pháp hành chính kèm theo như trần lãi suất huy động tiền gửi bằng USD và hạn chế cho vay bằng ngoại tệ có tác dụng trong ngắn hạn, song áp lực có thể đang gia tăng do cầu bị dồn nén. NHNN cho biết, đã mua vào khoảng 6 tỉ USD trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2011 để tăng mức dự trữ ngoại hối lên khoảng hai tháng nhập khẩu.


Tuy nhiên, tiền đồng đã bắt đầu mất giá so với USD trong những tháng gần đây, mặc dù dòng vốn vào vẫn cao hơn so với thâm hụt cán cân vãng lai. Sự mất giá của tiền đồng là do lòng tin của các chủ thể trong nước bị giảm sút bởi những biến động giá vàng, kỳ vọng lạm phát và biến động kinh tế toàn cầu gây ra. Trong điều kiện đó, các chủ thể tham gia thị trường thường chuyển hướng nắm giữ tài sản sang ngoại tệ, vì ngoại tệ được coi là nơi cất giữ tài sản an toàn hơn. Để giải quyết vấn đề này, NHNN đã dần hạ thấp tỷ giá tham chiếu thông qua những đợt điều chỉnh nhỏ, và can thiệp vào thị trường ngoại hối vào tháng 10. Áp lực tỉ giá dự kiến sẽ gia tăng vào thời điểm cuối năm vì cầu ngoại tệ sẽ tăng để đáp ứng nhu cầu thanh toán nhập khẩu và hàng loạt các khoản vay ngân hàng bằng ngoại tệ, dù dao động về tỷ giá hối đoái có thể tránh được.


Xu hướng mới trong đầu tư trực tiếp nước ngoài


Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký đã giảm đáng kể trong năm 2011, song vốn giải ngân không bị giảm nhiều kể từ khi khủng hoảng toàn cầu bắt đầu lan rộng. Tổng vốn FDI đăng ký giảm gần 22% trong mười tháng đầu năm 2011 so với cùng kỳ năm ngoái.


Một dấu hiệu đáng khích lệ là các nhà đầu tư nước ngoài đang chuyển từ khu vực bất động sản mang tính đầu cơ cao sang khu vực sản xuất, điều này có thể giúp gia tăng việc làm và sản lượng một cách ổn định.


Các nước và vùng lãnh thổ Đông Á đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất trong 10 tháng đầu năm 2011. Hồng Kông là nhà đầu tư lớn nhất với số vốn đăng ký là 2,9 tỉ USD, tiếp theo là Singapore (1,4 tỉ USD), Nhật Bản (0,9 tỉ USD), Trung Quốc (0,6 tỉ USD) và Hàn Quốc (0,5 tỉ USD). Trong dài hạn, Việt Nam cần giải quyết nhiều vấn đề mới có thể duy trì được vị thế là một điểm đến thực sự hấp dẫn đầu tư. Một thách thức của Việt Nam là phải nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong các lĩnh vực như điện, giao thông và kho cảng, là các lĩnh vực mà các nhà đầu tư thường cho là những trở ngại chính. Kỹ năng người lao động cũng cần được nâng cao để cải thiện được giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất toàn cầu.


Có dấu hiệu căng thẳng trong khu vực ngân hàng


Khu vực ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn do tình hình kinh tế vĩ mô bất lợi, chính sách tiền tệ thắt chặt và tăng trưởng suy giảm. Tăng trưởng tiền gửi vào cuối quý III năm 2011 đạt 9,8%, tháng 9 đã tăng trưởng âm (-1,07%). Tăng trưởng tín dụng cũng chậm lại đáng kể, xuống còn 8,14% vào cuối quý III, chủ yếu là do thanh khoản trong hệ thống ngân hàng giảm sút và các chính sách của NHNN. Cắt giảm tăng trưởng tín dụng là cần thiết để chống lạm phát, nhưng hậu quả của nó là ách tắc tín dụng lại gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và ngân hàng.


An toàn vốn tối thiểu vẫn là vấn đề nổi cộm không chỉ với các ngân hàng nhỏ mà cả đối với các ngân hàng lớn, cả về con số tuyệt đối lẫn tỉ lệ an toàn vốn. Về con số tuyệt đối, thời hạn các ngân hàng phải tăng vốn điều lệ tối thiểu lên 3 nghìn tỉ đồng (tương đương khoảng 143 triệu USD theo tỉ giá hiện hành) vào cuối năm 2010 đã được gia hạn thêm một năm nữa, vì nhiều ngân hàng nhỏ không thể đáp ứng được yêu cầu này. Xét về tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR), cả hệ thống ngân hàng ước tính đã vượt 9%. Với tỉ lệ nợ xấu gia tăng và chất lượng tài sản được báo cáo là đang xấu đi, tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu ở một số ngân hàng vì vậy đã yếu đi.


Vấn đề tái cơ cấu và kiện toàn khu vực ngân hàng đang được tích cực thảo luận và Chính phủ đang xây dựng một kế hoạch hành động nhằm giải quyết các thách thức nêu trên. Nhiều định chế tài chính có quy mô nhỏ, hoạt động ở thành thị và có tốc độ tăng trưởng danh mục cho vay rất cao. Mặc dù đã hỗ trợ cho các ngân hàng yếu thông qua tăng thêm thanh khoản, song NHNN có thể sẽ phải có những động thái kiện toàn lại nếu như các ngân hàng yếu kém hoạt động không tuân thủ theo đúng quy định hiện hành.


Triển vọng kinh tế trung hạn


Thách thức của việc duy trì tăng trưởng cao trong thập niên tới sẽ đòi hỏi phải có những cải cách táo bạo. Thách thức đặt ra cho Việt Nam sẽ khó khăn hơn so với giai đoạn trước và cũng không nhiều nước trên thế giới có thể đạt được tham vọng này.


Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực, trong đó Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng. Nhà nước cần từ bỏ việc quản lý trực tiếp vào hoạt động kinh doanh ở những lĩnh vực thị trường không thất bại và tập trung nhiều hơn vào chức năng điều hành, điều tiết và tạo ra sân chơi bình đẳng cho khu vực tư nhân. Nhà nước có vai trò quan trọng sống còn trong việc tạo ra một môi trường thuận lợi để đạt được hiệu quả cao hơn từ sử dụng nguồn lực ít hơn, có nghĩa là nâng cao phúc lợi cho người lao động và người tiêu dùng trong khi sử dụng ít đầu vào hơn, và giảm bớt tác động tiêu cực đối với môi trường.

Theo Tuấn Dũng (PetroTimes)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh