21/03/2012 1:31 AM
Cuối tuần qua, tại hội thảo “Toàn cảnh về kinh tế vĩ mô và các kênh đầu tư 2012”, TS. Phạm Đỗ Chí - Cố vấn cao cấp, Nguyên chuyên viên cao cấp của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - nhận định dù kinh tế vĩ mô đã có những tín hiệu khả quan từ những chính sách điều hành của Chính phủ, nhưng sự bấp bênh vẫn có thể ảnh hưởng đến một số kênh đầu tư chủ đạo của nền kinh tế.

Kinh tế vĩ mô tác động các kênh đầu tư
Ảnh minh họa
Áp lực lạm phát quay lại


Trong 2 năm qua, tình hình đầu tư bị ảnh hưởng tiêu cực bởi diễn biến kinh tế vĩ mô không khả quan. Vì vậy, các nhà đầu tư cần phải hiểu toàn cảnh kinh tế vĩ mô trước khi quyết định đổ vốn đầu tư vào một kênh nào đó. Thời gian qua dù chính sách tiền tệ được thắt chặt nhưng chính sách tài khóa lại có phần bị thả lỏng.


Chính phủ ấn định ngân sách cho các tỉnh nhưng tỉnh nào cũng chi tiêu lớn, buộc Chính phủ phải phát hành trái phiếu và các NHTM mua để có thể thế chấp vay vốn qua tái cấp vốn, tái chiết khấu của NHNN. Như vậy, NHNN tài trợ bội chi ngân sách của Chính phủ khiến áp lực cầu kéo do chính sách lên lạm phát vẫn còn nguyên.


Đặc biệt, với chính sách thắt chặt tiền tệ thời gian qua đã làm nhiều doanh nghiệp khốn đốn, trong quý I có hơn 7.900 doanh nghiệp bị phá sản. Bên cạnh đó, nhập siêu 2 tháng qua chỉ còn 100 triệu USD (so với năm ngoái bình quân nhập siêu 1 tỷ USD/tháng).


Nhưng đây cũng là điều đáng lo ngại bởi 80% hàng nhập khẩu của nước ta là nguyên vật liệu để sản xuất. Tức khi nhập khẩu giảm mạnh cho thấy nền kinh tế đang bị ngưng trệ. Hoặc thời gian qua chúng ta không còn tình trạng thiếu điện tiêu dùng không phải do cung điện tăng mà do cầu tiêu thụ giảm - dấu hiệu cho thấy sự đình đốn của sản xuất.


Tình trạng đình đốn sản xuất phần nào do chính sách thắt chặt tiền tệ để bớt tổng cầu. Nhưng nếu để tình trạng này kéo dài, sự suy yếu của cung trong 1-2 quý tới sẽ đẩy lạm phát lên. Hiện nay, áp lực lạm phát quay lại trong 3 tháng tới rất lớn. Vì vậy, để tránh lạm phát đình đốn, đòi hỏi Chính phủ phải thắt chặt chính sách tài khóa, bớt chi tiêu, tạo điều kiện khu vực tư nhân phát triển, đồng thời tiền tệ nới lỏng, giảm lãi suất để doanh nghiệp dễ thở hơn.


Ngoài ra, Chính phủ đẩy mạnh hơn việc tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt tái cấu trúc hệ thống NHTM. Bởi một trong những gánh nặng cho nền kinh tế lúc này nằm ở lãi suất cho vay. Việc NHNN hạ trần lãi suất huy động xuống 13%/năm nhưng lãi suất cho vay có giảm hay không vẫn phải chờ.


Trong khi “đường cong” lãi suất chưa về theo quy luật kỳ hạn ngắn lãi suất thấp, kỳ hạn dài lãi suất cao, NHNN nên sớm bỏ trần lãi suất huy động. Không quá lo bỏ trần lãi suất sẽ biến động lãi suất, việc tái cơ cấu NHTM yếu kém cùng với quy luật cung cầu, giá cả thì chỉ 3-6 tháng thị trường lãi suất sẽ ổn định trở lại.


Danh mục đầu tư khả thi?


Có thể thấy TTCK 2 tháng qua đón đầu xu hướng giảm lãi suất. Chỉ số chứng khoán là chỉ số đáng tin cậy để biết được nền kinh tế. Thông thường TTCK đi trước nền kinh tế 6 tháng, nếu TTCK lên mạnh 6 tháng sau kinh tế sẽ phát triển mạnh. Dòng vốn từ các kênh khác đổ vào TTCK khá lớn làm TTCK có thanh khoản và khởi sắc, nhưng sự khởi sắc ấy chỉ tốt trong thời gian ngắn hạn và chưa ổn định.


Bởi những áp lực về kinh tế vĩ mô vẫn còn, kịch bản quay đầu trở lại của TTCK vẫn có thể xảy ra. Ngoài áp lực lạm phát có thể quay trở lại, hiện nay áp lực về tỷ giá vẫn còn tiềm ẩn. Đó là do sự bất ổn về giá vàng đang trở lại. Tuần qua có lúc giá vàng trong nước cao hơn quốc tế gần 3 triệu đồng/lượng và giá USD cũng tăng lên 80-100 đồng/USD.


Nhu cầu gom USD để nhập vàng quay trở lại, rồi đáo hạn tín dụng ngoại tệ, cho vay USD vẫn cao hơn huy động USD… là những yếu tố gây áp lực lên tỷ giá. Bên cạnh đó, dù thâm hụt thương mại cải thiện nhưng Việt Nam không còn là môi trường đầu tư hấp dẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài. Vì thế, sẽ quá lạc quan nếu cho rằng thị trường ngoại hối đã “ngấm thuốc” của NHNN và điều này cho thấy tình trạng vĩ mô vẫn rất bấp bênh.


Đối với thị trường bất động sản, thực tế ở nhiều nước cho thấy tình trạng “đóng băng” hoặc khủng hoảng thường kéo dài 3-5 năm chứ không thể “ấm” được ngay. Thí dụ, ở Hoa Kỳ giá nhà giảm 50% kéo dài 5 năm từ 2007 đến nay chưa phục hồi. Ở nước ta bất động sản đóng băng 2008-2009 nhưng giảm giá thực sự chỉ năm 2011, nếu kéo dài 5 năm thì đến 2014 mới khởi sắc.


Nhưng thị trường bất động sản chịu tác động vĩ mô rất lớn vì đây là kênh huy động vốn lâu dài. Vì thế, giải pháp chung là phải giảm lãi suất mới hy vọng TTCK phục hồi bền vững và thị trường bất động sản “phá băng”, mua bán sôi động trở lại.


Riêng với kênh đầu tư vàng vẫn còn nhiều điều khó lường. Năm 2011 trong cơn bão mang tên nợ công châu Âu, vàng được giới đầu tư xem là “hầm trú ẩn” quan trọng nhất. Tuy nhiên, trong 4 tháng cuối năm 2011 vàng đã mất vai trò truyền thống này và thay thế vào đó là USD, do giới đầu tư cần tiền mặt.


Nhiều dự đoán năm nay vàng có thể tiếp tục duy trì xu thế giảm hoặc đi ngang. Nhưng những yếu tố nền tảng cho sức đẩy vàng tăng giá vẫn tồn tại. Cụ thể: lãi suất cơ bản của các nền kinh tế trên thế giới đang có xu hướng tiếp tục giảm hoặc cận kề 0%, giá dầu đang có khuynh hướng tăng trở lại, khủng hoảng nợ công châu Âu chưa khả quan và các nước vẫn còn duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ…


Vì vậy, xu hướng tăng giá trong dài hạn của vàng vẫn được duy trì và vẫn có những kỷ lục về giá mới trong năm 2012, trong ngắn hạn sẽ xung quanh 1.700-1.800USD/ounce. Không loại trừ giá vàng có thể lên mốc 2.000USD/ounce cuối năm nay.

Theo SGĐTTC
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.