Kinh tế Trung Quốc bắt đầu phát triển mạnh từ năm 1980 dưới thời ông Đặng Tiểu Bình - nhà lãnh đạo nổi tiếng thực dụng với triết lý “Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột”.
Kinh tế Trung Quốc tăng tốc mạnh mẽ trong thời kỳ 2001-2008, tức sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho đến cuộc khủng hoảng tín dụng ở Mỹ năm 2008. Nói chung, Trung Quốc đã giữ mức tăng trưởng GDP trung bình 10% trong suốt 30 năm qua. Trong lịch sử thế giới hiện đại, chưa có nước nào làm được như vậy. Nhưng đằng sau những con số “thần kỳ” này tiềm ẩn nhiều tai họa.
Giải thích hiện tượng nói trên, Jean-Luc Buchalet, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Pháp Pythagor Investissement BP, đồng tác giả quyển “Bom nổ chậm Trung Quốc”, cho biết nền kinh tế Trung Quốc có 2 giai đoạn phát triển quan trọng.
Giai đoạn thứ nhất là sau cuộc Cách mạng Văn hóa. Giống như 2 nước Pháp và Đức sau thế chiến II, nền kinh tế Trung Quốc vận hành theo kế hoạch 5 năm của trung ương.
Giai đoạn thứ hai bắt đầu từ năm 1990 và khởi sắc từ năm 2001, sau khi chính phủ đầu tư hàng trăm tỉ USD xây dựng hạ tầng cơ sở. Đó cũng là thời kỳ doanh nghiệp nước ngoài đổ xô đầu tư vào Trung Quốc, mở nhà máy, chuyển giao công nghệ rồi tái xuất khẩu hàng hóa đi khắp thế giới, tận dụng tỉ giá nhân dân tệ/USD thấp, lương công nhân thấp, hạ tầng cơ sở tốt. Trung Quốc trở thành công xưởng thế giới, sản xuất 1/4 hàng hóa toàn cầu.
Đáng chú ý là cách vượt qua cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 của Trung Quốc. Trong khi GDP Nhật Bản giảm 8 điểm và GDP Đức giảm 6 điểm thì GDP Trung Quốc vẫn đạt 9%. Sau 2 quý suy thoái dẫn đến đóng cửa nhiều nhà máy và bất ổn xã hội, Chính phủ Trung Quốc đầu tư ồ ạt vào hạ tầng cơ sở theo lý thuyết kinh tế Keynes (kinh tế tư nhân được khuyến khích nhưng chính phủ nắm vai trò chủ đạo) với lượng tiền tương đương 30% đến 35% GDP năm 2009.
Các ngân hàng được phép cho vay thoải mái với lãi suất thấp một cách giả tạo. Nhà nhà vay tiền vô tội vạ để đầu tư do lãi suất thấp hơn mức lạm phát mà không cần biết có sinh lợi hay không. Từ năm 2007 đến 2010, tín dụng tăng 70%. Đây là mức tăng quá mức cần thiết.
Giá bất động sản quá cao là nỗi lo lớn nhất của chính phủ Trung Quốc. Ảnh: AP
Xuất khẩu và đầu tư hạ tầng cơ sở chiếm lần lượt 30% và 40% GDP Trung Quốc. Khi 2 lĩnh vực này có vấn đề như đang xảy ra (xuất khẩu giảm mạnh, nợ xấu lớn) thì nền kinh tế Trung Quốc trở nên mong manh. Nó bộc lộ những yếu kém về cấu trúc kinh tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từng chỉ ra và được các quan chức cao cấp Trung Quốc thừa nhận.
Nhiều chuyên gia kinh tế phương Tây nhận định rằng mô hình tăng trưởng kinh tế Trung Quốc khó có thể bền vững bởi nhiều yếu tố. Đó là một nền kinh tế ngốn quá nhiều năng lượng và tàn phá môi trường. Trung Quốc tiêu thụ năng lượng cao hơn gấp 5 lần các nước châu Âu để tạo ra một sản phẩm tương tự. Trung Quốc chỉ có 8% diện tích trồng trọt trên trái đất nhưng tiêu thụ đến 38% phân bón, cao hơn Mỹ 5 lần. Do đó, đất đai bị bạc màu nhanh chóng, sản xuất lương thực chịu ảnh hưởng nặng nề.
Theo ông Buchalet, chính quyền Trung Quốc rất muốn tái lập kế hoạch thúc đẩy kinh tế có quy mô giống như thời 2008-2009 nhưng không thể bởi bóng ma bong bóng bất động sản và nợ xấu ngân hàng.
Trong thời gian qua, Trung Quốc đã ban hành một loạt biện pháp như 2 lần cắt giảm lãi suất cơ bản vay và huy động vốn ngân hàng, hạ giá xăng, đầu tư mạnh vào nhà xã hội cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, sân bay và những công trình công cộng khác.
Bối cảnh địa - chính trị hiện nay cũng khác xa. Chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc và tham vọng xâm chiếm biển Đông đang trỗi dậy mạnh mẽ sẽ khiến người Mỹ trở lại trong khu vực.
“Ở Trung Quốc, người nước ngoài trở thành vật tế thần khi kinh tế gặp khó khăn. Nếu tăng trưởng kinh tế tiếp tục ì ạch, Trung Quốc có thể hung hăng hơn trong vấn đề lãnh thổ” - Jean-Luc Buchalet nhận định.