19/06/2011 12:08 PM
Kinh tế thế giới một lần nữa lại chứng kiến những khó khăn của các trung tâm, các nền kinh tế lớn.


Những hy vọng mong manh được thắp lên trong thời điểm đầu năm 2011 đã được thay thế bằng những chỉ số theo cách gọi của người Mỹ là "u ám".

Nước Mỹ đã "hoàn thành" chỉ tiêu nợ công 14.300 tỷ USD vào thứ 2 vừa qua và kinh tế Mỹ đang đứng trước tình thế "vô cùng nghiêm trọng" từ nay đến 2/8/2011 nếu nợ công không được nâng trần.


Trung Quốc đang "mệt mỏi" với lạm phát và những bất ổn trong nội tại nền kinh tế. Châu Âu đã không tìm được tiếng nói chung trong việc giải cứu Hy Lạp lần 2. Nhật Bản sau thảm họa đang "rối bời" câu chuyện tăng trưởng.


Tất cả tạo cho kinh tế thế giới một hình ảnh "xấu" hơn, bi quan hơn và khó lường hơn.


Mỹ:
Nợ công của Mỹ đã tiến đến giai đoạn nguy hiểm khi "cán đích" 14.300 tỷ USD vào thứ 2 vừa qua.

Việc "hoàn thành sớm" chỉ tiêu nợ công đã đặt Chính Phủ Mỹ vào tình trạng căng thẳng từ nay đến 2/8/2011, vừa phải cắt giảm chi tiêu, vừa phải đấu trận "chung kết" với Quốc hội về mức trần nợ công mới.


Nếu trận "chung kết" này có "tỷ số" bất lợi cho nhánh hành pháp, sẽ có nhiều điều "tồi tệ" đang chờ đón kinh tế Mỹ.


Phản ánh tình trạng "cấp bách" của nước Mỹ trong thời điểm hiện nay, Tổng thống B.Obama cảnh báo "Niềm tin và tín dụng của Mỹ không chỉ giúp củng cố cuộc sống của người Mỹ và còn hỗ trợ cho hệ thống tài chính toàn cầu. Một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hoàn toàn có thể xảy ra nếu chúng ta để thời hạn nâng trần nợ quá sát. Vì thế, chúng ta sẽ phải làm việc hết sức căng thẳng trong tháng tới".


Chia sẻ với Chính quyền Mỹ về những nguy cơ do nợ vượt quá trần qui định, IMF nhận xét "Nếu Quốc hội không nâng trần nợ, rủi ro về phản ứng tiêu cực của thị trường là rất lớn".


Không những vậy, đối với nước Mỹ IMF cho rằng đã "quen" với việc nâng trần nợ công, IMF giải thích "Nâng trần nợ là một việc không thể tránh khỏi và không có gì là bất thường vì Mỹ đã thực hiện điều này hơn 70 lần trong vài thập kỷ qua và 10 lần trong suốt 10 năm qua".


Tuy nhiên cũng chính việc tranh cãi nợ công kéo dài và chưa thể kết thúc dẫn đến kinh tế Mỹ chưa tìm được động lực tăng trưởng, việc GDP suy giảm mạnh trong quí I đã chứng minh cho nhận định này.


Với những bất ổn trong điều hành kinh tế Mỹ, không chỉ Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ từ 3% xuống 2% mà IMF cũng cho rằng GDP 2011 từ 2.9% xuống 2.7% và hơn 50% người dân Mỹ cho rằng kinh tế Mỹ sẽ suy thoái.

Với những nhận định nêu trên, năm 2011 rất nhiều khả năng sẽ là năm "tồi tệ" đối với kinh tế Mỹ.

Trung Quốc:
Châu Á đang ở thời khắc lịch sử, ngoại trừ Nhật Bản, lạm phát bao trùm khắp các nền kinh tế lớn. Không chỉ Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc... đều đứng trước tình trạng lạm phát tăng cao và đều phải tăng lãi suất.

Tuy nhiên câu chuyện lạm phát ở Trung Quốc vẫn là điều cần nói hơn cả. Những thông tin về lạm phát tăng 5,5% và đạt mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây làm cho các nhà quản lý kinh tế và tiền tệ Trung Quốc "đau đầu".


Các giải pháp tăng dự trữ bắt buộc, tăng lãi suất...ban hành từ cuối năm 2010 cũng chưa ngăn chặn được đà tăng lạm phát.


Có nhiều cách lý giải cho việc lạm phát tăng cao ở Trung Quốc. Có ý kiến cho rằng tăng trưởng cao và liên tục cộng với lượng tín dụng nới lỏng được thực hiện trong thời gian qua là một trong những nguyên nhân chính đẩy lạm phát lên cao.


Có ý kiến khác lại cho rằng nội tại kinh tế trung Quốc ẩn chứa nhiều bất ổn không chỉ tầm vĩ mô mà cả ở cấp độ vi mô, cấp độ địa phương...


Dù bất cứ nguyên nhân nào thì lạm phát tăng cao, tăng liên tục từ cuối năm 2010 đến nay cũng đặt cho kinh tế Trung Quốc những thử thách nghiêm trọng và chưa lường hết những hậu quả, những tác động tiêu cực sẽ đến với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.


Muốn lạm phát giảm, không có cách nào khác là kinh tế Trung Quốc phải giảm tốc và tốc độ tăng trưởng GDP 8%/năm là con số được nhiều nhà phân tích đề cập tới.

Như vậy kinh tế Trung quốc sẽ phải có "điều chỉnh chiến lược" và thời điểm này có thể là cơ hội "vàng", nếu khác đi thật khó nói về hình ảnh kinh tế Trung Quốc như là hiện tượng trong những năm qua.


Châu Âu:
Kế hoạch giải cứu Hy Lạp của Châu Âu, của Eurozone đã không thành công khi các Bộ trưởng Tài chính Eurozone đã không thống nhất được vai trò và mức độ tham gia của lĩnh vực tư nhân vào chương trình giải cứu.

Sự thất bại của cuộc họp cũng như của Eurozone, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble thông báo: "Cuộc họp không hề đạt được kết quả nào".


Điều này có thể giải thích là trong Châu Âu, trong Eurozone có rất nhiều quan điểm khác biệt liên quan đến nợ công, đến giải cứu Hy Lạp lần 2.


Quan sát quá trình giải quyết nợ công ở Châu Âu, ở Eurozone từ giữa năm 2010 đến nay nhận thấy có chế kinh tế và phương pháp giải cứu hình như có 'khập khiễng", không đạt hiệu quả như mong muốn.


Mối quan hệ giữa các quốc gia với Eurozone liên quan đến đồng tiền chung Euro, liên quan đến lạm phát và nợ công...hiện nay đang là "nút thắt" khó giải.


Hình như đồng Euro sau 12 năm ra đời đang có hiệu quả với các quốc gia có nền kinh tế lớn như Đức hoặc Pháp. Các quốc gia có qui mô nhỏ hơn có thể chưa theo kịp và vướng vào "vòng xoáy" nợ công với những rủi ro chưa lường hết được.


Với thực tế hiện nay, nhiều khả năng trong Eurozone sẽ không có sự phát triển cân đối giữa các quốc gia, phát triển không đều có thể là thực tế hiện nay.


Phản ánh quan điểm này, trong một dự báo mới đây IMF cho rằng năm 2011 GDP của Eurozone sẽ tăng từ 1.6% lên 2%, trong đó đầu tàu Đức có mức tăng khả quan nhất, từ 2,5% lên 3,2%.


Nhật Bản:
Kinh tế Nhật Bản năm 2011 "đứng yên" là điều không bất ngờ. Các chuyên gia kinh tế cho rằng năm tài khoá 2011, GDP của Nhật Bản sẽ giảm từ 1,5% xuống còn 0,2%.

Phản ánh những khó khăn của kinh tế Nhật Bản sau thảm hoạ, Thủ tướng Naoto Kan bày tỏ "Kinh tế Nhật có thể phục hồi vào nửa sau năm 2011, tuy nhiên, trong trung và dài hạn, Nhật phải tiếp tục nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng".


Kinh tế Nhật Bản trong giai đoạn hiện nay luôn có những "ngược chiều" khi so với các nền kinh tế lớn khác.

Khi cả thế giới kinh tế vẫn tăng trưởng thì kinh tế Nhật Bản lại "đứng yên", khi cả thế giới lo lắng lạm phát thì Nhật Bản lại "giảm phát", khi tỷ giá các đồng tiền bị giảm thì đồng Yên vẫn tăng, khi lãi suất "đua nhau" tăng thì lãi suất ở Nhật tiến về 0...

Do vậy muốn nền kinh tế thứ 3 thế giới này thay đổi theo hướng tích cực hơn, câu trả lời không thể khác, đó là phải có thời gian và cần phải có "cách mạng" nhằm thay đổi những "bất cập", những "hạn chế" trong kinh tế Nhật hiện nay.


Sự lạc quan của kinh tế thế giới hiện nay thật khó và có thể là "xa xỉ".


Theo Linh Vân (Tamnhin)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.