Nhìn về mặt lượng, số doanh nghiệp tạm nghỉ kinh doanh tính đến cuối tháng 7 là 20.741 đơn vị, lại “nhỉnh” hơn so với cuối tháng 6. Tuy nhiên, Bộ Tài chính trong một bản tin phát đi cách đây ít ngày lưu ý rằng, riêng trong tháng 7 đã có 937 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, chủ yếu là doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
“Điều này cho thấy tình hình hoạt động của doanh nghiệp đã có dấu hiệu khả quan hơn”, cơ quan này bình luận. Số liệu kê khai nộp thuế cũng cho thấy, trong quý II/2012 số doanh nghiệp có lãi trước thuế tăng so với quý I/2012 là 2,5%.
Ảnh: MH
Kết quả cho thấy đang có một diễn biến trái chiều, giữa một bên là số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng lên, nhưng bên cạnh đó vẫn có những nhân tố trở lại cuộc cạnh tranh, những nhân tố khẳng định thành công hơn. Như vậy, sản xuất đang phục hồi đâu đó, nhưng lại cũng bi đát ở nhiều “khúc” khác, hệ quả tất yếu của một cuộc sàng lọc về năng lực cạnh tranh. Hay nói cách khác là năng suất, chất lượng, hiệu quả - sự dịch chuyển thường thấy ở nền kinh tế thị trường.
Về tổng thể, bức tranh kinh tế sau cuộc “vật lộn” quyết liệt với nhiều khó khăn đã cho thấy những dấu hiệu đầu tiên của ổn định. Khái quát lại, lạm phát đang ở mức thấp hơn rất nhiều so với các năm trước; tỷ giá ổn định với thanh khoản dồi dào; tăng trưởng xuất khẩu cao hơn mục tiêu đề ra và nhập khẩu ở mức thấp nên cán cân thương mại tương đối cân bằng, đồng thời vốn ngoại tiếp tục hỗ trợ để cán cân thanh toán thặng dư, tạo cơ hội tăng dự trữ nhà nước…
Tuy nhiên, “góc tối” trong bức tranh kinh tế là tăng trưởng còn đó nhiều khó khăn do tổng cầu nền kinh tế vẫn còn rất yếu, đang được cho là nguyên nhân chính của khó khăn sản xuất hiện nay. Tiêu dùng tăng rất thấp và đầu tư công thì giải ngân chậm chạp. Kết quả là tồn kho có xu hướng tăng trong vài tháng gần đây, xét ở mức tăng so với tháng trước. “Lãnh đủ” là các chỉ tiêu về sản xuất công nghiệp không cho thấy sự bứt phá nhiều tháng gần đây, một biểu hiện của sản xuất đình đốn.
Trong khi đó nhìn về phía trước, khó khăn cũng nhiều nhưng thuận lợi vẫn có. Chính sách lương mới đã được áp dụng từ tháng 5, tuy nhiên sức mua dường như không thể hiện sự khác biệt so với trước. Mặt bằng giá đã qua 2 tháng giảm, căn cứ theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Khả năng có thêm một tháng giảm tiếp cũng được nhiều quan điểm đồng tình.
Trong bối cảnh đó, hy vọng đang được đặt ở cầu đầu tư. Giải ngân vốn đầu tư từ nguồn Ngân sách Nhà nước có dấu hiệu “khởi sắc”. Đến 15/7, chi đầu tư phát triển trong mấy tháng gần đây đã có ít nhiều cải thiện. Khoảng 130 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn nằm ở kênh ngân sách sẽ được thúc đẩy thực thi trong thời gian tới. Chính phủ cũng đã thông qua một khoản đầu tư trị giá 30 nghìn tỷ đồng ứng trước từ ngân sách năm 2013.
Còn về phía cầu ngoại, nhân tố tốt cũng đan xen với xấu. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, tình hình đơn hàng trong 5 tháng cuối năm của nhiều doanh nghiệp có khả năng tăng lên do xuất khẩu thủy sản thường rơi vào thời điểm cuối năm. Tuy nhiên, bức tranh chung về ngoại thương vẫn chưa thể “sáng” hơn.
Cũng theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, xuất khẩu những tháng cuối năm sẽ có xu hướng giảm do thương mại toàn cầu tiếp tục khó khăn và những thị trường xuất khẩu chính vẫn còn trì trệ. Bộ Công Thương cũng cảnh báo, giá hàng hóa xuất khẩu năm 2012 có xu hướng giảm; các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt với ngày càng nhiều rào cản kỹ thuật từ nước nhập khẩu…
Tuy nhiên, về dài hạn điểm quan trọng hơn là nền tảng cho tăng trưởng đã thiết lập. “Doanh nghiệp về lâu, về dài muốn phát triển thì kinh tế vĩ mô phải ổn định. Nền kinh tế mà sản xuất dựa nhiều vào vốn thì tốt nhất là ngân hàng dồi dào vốn cho vay với lãi suất thấp”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam lưu ý. “Nếu để lãi suất thấp, thực dương thì lạm phát phải rất thấp. Điều hành năm nay lạm phát 7%, năm sau thấp hơn nữa và sao không giật cục thì đấy mới là ổn định lâu dài, mới là điều doanh nghiệp trông đợi ở Chính phủ”.