Dạo quanh khu vực phía tây TP Hà Nội có thể nhận ra khá nhiều sân bóng mini cho thuê tại đây thường xuyên tấp nập người chơi thể thao. Tại đường Trần Thái Tông (Nguyễn Phong Sắc kéo dài, Q.Cầu Giấy), bình thường một sân bóng mini đất nện (chưa trồng cỏ nhân tạo) thu khoảng từ 300 - 400 nghìn đ/tiếng đối với những người đến đây chơi bóng đá. Mỗi ngày sân bóng được sử dụng trung bình 8 -10 tiếng. Nếu tính 1 tháng, khoản tiền thu lợi từ việc cho thuê sân bóng hoàn toàn đáng kể. Tìm hiểu được biết, khu đất (sân bóng) này thuộc một dự án xây dựng nhà ở của Ngân hàng Chính sách đã trúng đấu thầu của UBND Q.Cầu Giấy. Tuy nhiên, trong tình cảnh tài chính khó khăn, chưa có tiền triển khai dự án, chủ đầu tư đã quyết định cho thuê thay vì “đắp chiếu” chờ vốn. Chưa biết hiệu quả thực tế của dự án sẽ tới đâu, nhưng ít nhất việc làm này đã mang lại khoản thu nhất định và đủ cho DN cầm chừng hoạt động. Còn đối với người dân sinh sống xung quanh, đất chưa xây dựng mang lại lợi ích xã hội, cộng đồng vẫn hơn là để hoang hóa cho cỏ mọc, bãi đổ rác tự do và thậm chí là tụ điểm cho các tệ nạn xã hội.
Trong thời điểm hiện nay, việc cho thuê đất dự án chưa triển khai đã mang lại khoản thu nhất định đủ cho DN cầm chừng hoạt động |
Những khu đất được chủ đầu tư tận dụng cho thuê làm sân bóng đá, bãi trông xe… đang xuất hiện ngày một nhiều trên toàn địa bàn TP Hà Nội. Theo anh Tuấn - một người dân sinh sống tại P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội, đối với những khu vực đô thị với cảnh quan đẹp và đồng nhất như tại đây, việc để hoang nhiều khu đất trống thì rất lãng phí và gây mất thẩm mỹ chung. Nhà nước nên cho các chủ đầu tư tận dụng thi công để làm các công trình phục vụ lợi ích công cộng, vui chơi giải trí như kinh doanh sân bóng mini phục vụ nhu cầu sinh hoạt thể thao của giới trẻ cũng như cư dân tại khu vực nội đô. Ở góc độ một DN giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực địa ốc, ông Nguyễn Quốc Khánh - Giám đốc Sàn giao dịch BĐS DTJ (đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) phân tích cụ thể hơn về hiệu quả lâu dài của cách thức tận dụng kinh doanh này: Khi các dự án được GPMB xong, chủ đầu tư đã hoàn thành tiền sử dụng đất, nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, chi phí vốn này đã rất lớn. Đặc biệt, trong bối cảnh này, chưa thể huy động vốn từ nhà đầu tư cũng như khách hàng. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp nhất thời. Phải đảm bảo giữ được đúng theo quy hoạch khu vực và sử dụng phục vụ lợi ích lâu dài của xã hội.
Chỉ riêng bán kính 2km quanh khu vực đường Trần Thái Tông đã có khá nhiều khu đất quây rào sơ sài, thuộc các dự án được GPMB xong vẫn đang bỏ không. Điều này gây lãng phí đáng tiếc cho các DN có đất, vừa làm mất cảnh quan môi trường, bởi nhiều người dân coi đây là một chỗ đổ phế thải xây dựng, bãi rác thải miễn phí. Còn đối với các chủ đầu tư như “kiến bò chảo lửa”, nếu được phép kinh doanh xây dựng khi dự án chưa thể triển khai, sẽ có những khoản thu quan trọng, ổn định còn hơn là bỏ hoang lãng phí trong lúc thị trường BĐS được dự báo là tiếp tục giữ nguyên màu xám xịt. Chia sẻ về điều này, đại diện lãnh đạo Cty CP Ressco Sông Hồng cho biết: Trong bối cảnh hiện nay, nhiều DN BĐS dù mạnh về vốn cũng đã tỏ ra đuối sức. Việc Chính phủ cho phép chủ đầu tư khai thác khu đất hoang đắp chiếu với mục đích làm dịch vụ là rất hợp lý và hợp với nguyện vọng đại đa số DN hiện nay. Bởi khi DN được khai thác dịch vụ mà không bị thu lại (đất), sẽ khiến DN yên tâm mở các dịch vụ để kinh doanh kiếm tiền một cách hợp pháp và duy trì hoạt động của DN mình để chờ BĐS phục hồi.
Nhiều chuyên gia cho rằng, khi các dự án BĐS đang chậm triển khai, thậm chí bị đình chỉ, điều chỉnh… cần tính toán cho phép các dự án ở những vị trí nhất định được kinh doanh trên đất đã hoàn thành GPMB. Điều này chắc chắn sẽ phần nào tháo gỡ khó khăn cho DN BĐS trong lúc còn đói vốn. Tuy nhiên, việc quản lý, giám sát hậu kiểm sau khi “cởi gỡ” cho DN được tận dụng kinh doanh trên đất của mình ra sao lại là một câu chuyện khác. Vẫn là vấn đề chính sách và chế tài từ cho phép đến cấp phép và xử phạt trong suốt quá trình DN kinh doanh, nhưng ít nhất, cũng đang xuất hiện thêm một lối thoát cho đoàn tàu DN BĐS đang dồn ứ tại chân tường.
Đối với những dự án lớn, chiếm quỹ đất lớn tại khu vực ven đô, thì rất cần xúc tiến triển khai dự án. Còn đối với những dự án trong nội thành, đã có các công trình tiện ích, hạ tầng xã hội xung quanh cơ bản hoàn thiện, giống như đất xen kẹt, thì có thể cho phép chủ đầu tư tạm thời kinh doanh các ngành nghề khác để đợi triển khai dự án. Bởi nếu để đất hoang lãng phí như vậy, Nhà nước cũng không thu được tiền, bản thân chủ đầu tư cũng không thu được tiền (mà khi làm dự án thì bắt buộc phải có đủ kinh phí). Khi chưa có đủ tiền, đất cứ bỏ hoang cho cỏ mọc, nếu được tận dụng trở thành các sân bóng đá cho mọi người vui chơi; hoặc trở thành công viên giải trí cuối tuần, sinh hoạt tiện ích cộng đồng mà thu được tiền cho chủ đầu tư thì đấy là giải pháp tốt cho các DN giữa lúc khó khăn như hiện nay. Nhưng chỉ ở những vị trí đất xen kẹt, nhỏ lẻ nằm trong nội đô. Ông Nguyễn Hữu Cường - Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội |