13/06/2014 8:34 PM
Không ít sinh viên tự mình kinh doanh phòng trọ để thoát khỏi việc bị chủ nhà gây khó khăn và kiếm thêm khoản thu nhập không hề nhỏ.

Để tự trở thành ông chủ phòng trọ, ngay từ đầu, những sinh viên này đã phải đủ tài chính để thuê trọn gói một căn nhà riêng. Sau đó, căn nhà sẽ được chia thành nhiều phòng nhỏ dành cho bạn bè thuê lại hoặc đăng tin tìm người thuê cùng để chia sẻ tiền nhà. Số tiền dư ra từ việc cho thuê lại giúp sinh viên khôngmất tiền thuê nhà, lại có nguồn thu nhập đáng kể.

Như trường hợp Xuân Dương (sinh viên Đại học Hà Nội) đã mạnh dạn một mình thuê nhà riêng ở Triều Khúc (Thanh Trì). Nhà nằm trong ngõ nhỏ nên giá cũng vừa phải. Căn nhà 4 tầng, diện tích 55m2 có giá thuê 6,5 triệu/tháng. Nhà chia thành 5 phòng nhỏ cho sinh viên thuê lại, giá 1,8 triệu/phòng. Tiền điện, nước Dương tính theo giá kinh doanh chung: 4.000 đồng/số, nước 20.000 đồng/m3 . Như vậy, Dương không phải mất tiền thuê phòng, mà số tiền 2,5 triệu đồng dư ra đủ để Dương sinh hoạt mà không cần viện trợ từ gia đình.

Số tiền dư ra từ việc cho thuê lại giúp các “ông bà chủ” sinh viên không mất tiền thuê nhà, lại có nguồn thu nhập đáng kể.
Những ông, bà chủ trọ sinh viên thường thoáng tính, có thể cho mượn đồ dùng máy giặt, tủ lạnh, không xét nét, an ninh an toàn nên thu hút được rất nhiều sinh viên khác.

Hoành Anh (sinh viên Đại học Luật) chia sẻ: “Em hay đi sớm về khuya, không muốn thuê phòng trọ vì sợ bị quản lý giờ giấc nên ban đầu rủ mấy sinh viên đồng hương thuê riêng. Sau đó, mấy người chuyển đi nên em tự đứng ra thuê nhà và đăng tin tìm người thuê cùng. Thu nhập cũng được nên hiện em đang quản lý ba nhà riêng cho thuê lại".

Từ khi trở thành chủ nhà thực sự, Thu Vân (sinh viên Đại học Công đoàn Hà Nội) cũng phải quen dần với việc phải đi ghi số điện, số nước. Vân kể: "Lúc đầu mình cũng ngại khi cứ cuối tháng lại phải cầm sổ đi thu tiền từng nhà, nhưng sau rồi cũng quen. Cùng là sinh viên nên hiểu cảnh hết tiền, nhưng cứ phải nhắc khéo kẻo đến chính mình cũng ‘viêm màng túi’. Giờ chi tiêu sinh hoạt của mình chủ yếu dựa vào tiền cho thuê nhà".

Tuy nhiên, những sinh viên thuê nhà rồi cho thuê lại cũng nhận thấy đây không phải là hình thức kinh doanh dễ kiếm tiền. Nhiều khi, chính ông bà chủ sinh viên này cũng rơi vào tình cảnh điêu đứng. Bởi, giá thuê của một căn nhà riêng không hề nhỏ. Khi các phòng chuyển đi mà chưa cho thuê lại được ngay thì chính các ông, bà chủ sinh viên phải bỏ tiền ra chịu một mình. Tình trạng này rất hay xảy ra với người quản lý vài ba khu nhà riêng.

Dương tâm sự: "Đợt hè vừa rồi, mấy sinh viên năm cuối đồng loạt trả phòng về quê. Mất hai tháng không tìm được người cho thuê nên mình phải gánh mỗi tháng 6 triệu. Chưa kể thấy mình dễ tính, nhiều sinh viên còn chuyển đi mà xù luôn cả tiền phòng".

Việc cho thuê nhà cũng không hề đơn giản bởi các ông bà chủ trọ này phải kén người để ở cùng. Nếu gặp kẻ gian thì việc lừa đảo, mất đồ có thể xảy ra. Lúc đó, tiền lãi chưa thấy đâu đã phải “méo mặt” đền bù. Thêm vào đó, việc cùng lúc quản lý hàng chục con người với những thủ tục, quy định về giấy tạm trú tạm vắng, về cách sinh hoạt, giữ xe cũng đủ khiến nhiều sinh viên đau đầu tính toán.

Nhị Anh (Vietnamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.