Kết thúc quý 1/2011, thị trường bất động sản TPHCM đúng như dự báo đang rơi vào tình trạng đóng băng.
Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (BĐS) ra sức hâm nóng thị trường bằng nhiều hình thức chiêu thị, khuyến mãi nhằm thu hút khách hàng. Nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia, những cách thức này cũng khó làm nóng thị trường mà tình trạng ảm đạm sẽ còn kéo dài đến năm 2012.


Kinh doanh Bất động sản TPHCM đã hết thời hoàng kim? Ảnh Xuân Ngọc

Ngành kinh doanh nhiều rủi ro

Tại Đêm Bất động sản do Hiệp hội BĐS TP.HCM tổ chức tối ngày 31-3-2011, Ông Marc Townsend- Giám đốc điều hành Công ty TNHH CB Richard Ellis Việt Nam cho biết, trong quý 1/2011 công ty hoạt động không hề có lãi.

Gió đã đổi chiều, việc kinh doanh BĐS trở thành ngành kinh doanh có nhiều rủi ro. Kinh doanh trong môi trường lãi suất cao, doanh nghiệp BĐS còn gặp nhiều khó khăn do thủ tục và một số hạn chế khác nên thời gian đầu tư một công trình tại Việt Nam kéo dài hơn những nước trong khu vực như Singapore, Malyasia. Đơn cử như việc xây một cao ốc khoảng 22 tầng, ở Việt Nam mất từ 36-48 tháng, còn ở nhiều nước chỉ mất khoảng 24 tháng nên nếu đầu tư với tỷ lệ vốn vay cao sẽ là thách thức vô cùng lớn cho doanh nghiệp.


Sơ kết quý I-2011 của ngành BĐS TP.HCM, Ông Lê Hoàng Châu-Chủ tịch Hiệp hội BĐS cho rằng, năm 2011 các doanh nghiệp sẽ còn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức khó khăn và là năm khó khăn nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây. Với mức lãi suất vay phải trả lên đến 20% năm không tính các khoản phí khác, nên hiện nay khâu bán hàng để thu hồi vốn đang là nhiệm vụ trọng tâm của các doanh nghiệp BĐS. Nhiều doanh nghiệp chấp nhận giảm giá, tạo nhiều phương thức khuyến mãi để bán cho được hàng như rút thăm trúng thưởng ôtô, hỗ trợ về lãi suất cho khách hàng...


Giảm giá bao nhiêu là vừa?


So với mức thu nhập bình quân của người dân, giá BĐS ở Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới. Ông Nguyễn Hữu Phước-Tổng Giám đốc Công ty TOPCIMENT cho rằng thời hoàng kim của các doanh nghiệp BĐS với mức siêu lợi nhuận đã qua. “Trong giai đoạn này chỉ cần các doanh nghiệp BĐS đồng loạt giảm giá bán khoảng 30% thì chắc chắn thị trường BĐS sẽ sôi động nhanh chóng. Trong năm 2011 doanh nghiệp BĐS cần chấp nhận kinh doanh hòa vốn để thu hồi vốn, luân chuyển dòng tiền đầu tư. Sau khi thị trường BĐS hết ảm đạm thì lại tính đến các mức lợi nhuận”.


Nghị quyết 11 siết chặt tín dụng với BĐS nhằm hạn chế đầu cơ nên trong bối cảnh này tình trạng lướt sóng với BĐS, mua bán lúa non không thể rộn ràng như trước. Những người có nhu cầu mua BĐS hiện nay chủ yếu là có nhu cầu thực nhưng giữa cung và cầu còn lệch pha. Khả năng của đa số người dân mua nhà để ở có giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, số lượng người có nhu cầu mua nhà ở trên 1 tỷ đồng lại rất ít. Không bán được là chuyện đương nhiên vì người muốn mua thì không có đủ tiền còn người bán thì bán toàn hàng cao giá, nên chuyện giảm giá là chuyện bắt buộc của doanh nghiệp BĐS.


Bên cạnh giảm giá bán còn có một cách bán hàng khác đó là giảm diện tích nhà ở, nhiều doanh nghiệp đầu tư BĐS với những căn hộ rộng trên 100m2 vì vậy vuột khỏi tầm với của đa số người dân có nhu cầu thực. Nên gợi ý của chuyên gia BĐS cho các doanh nghiệp là thay vì xây dựng 100 căn diện tích trên 100m2 thì nên xây 200 căn diện tích 50-60m2 là cách đầu tư hiệu quả, khả thi nhất hiện nay.
Cafeland.vn - Theo Đại Đoàn kết
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland