Trong khó khăn người ta hay nói đến cơ hội. Nhưng tận dụng cơ hội như thế nào cho hiệu quả, cân nhắc những yếu tố nào để đưa ra những quyết định hợp lý vượt qua khủng hoảng thì không phải doanh nghiệp nào cũng làm được… CafeLand đã có cuộc trao đổi với ông Lương Trí Thìn – Chủ tịch HĐQT – Kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Đất Xanh chia sẻ về vấn đề này.
Kinh doanh bất động sản: Cơ hội trong khó khăn

Ông Lương Trí Thìn - Chủ tịch HĐQT/ Tổng Giám đốc Tập đoàn Đất Xanh.

Cơ hội trong khó khăn

Trước bối cảnh thị trường bất động sản chìm đắm trong ảm đạm, vẫn có phân khúc tạo nên làn sóng mới cho nhà đầu tư. Theo ông, yếu tố nào đã giúp “hâm nóng” thị trường này?

Tôi không cho thị trường bất động sản đang ảm đạm, bởi trên thực tế vẫn có giao dịch, một số phân khúc vẫn “nóng” và đắt hàng. Tính từ năm 2008 đến năm 2010, thị trường bất động sản trải qua 3 năm đầy khó khăn do chịu sự tác động khủng hoảng kinh tế toàn cầu và chính sách nhưng các doanh nghiệp bất động sản vẫn trụ được đến ngày hôm nay.

Theo nghiên cứu của Đất Xanh và các công ty nghiên cứu khác, mặc dù nền kinh tế khó khăn hay thuận lợi thì nhu cầu ăn, mặc và ở của con người vẫn xảy ra. Con người không thể không ăn, không mặc, hoặc không ở mà có thể tồn tại. Vì vậy, dù nền kinh tế khó khăn hay thuận lợi, doanh nghiệp bất động sản phải biết nắm bắt nhu cầu của con người trong bối cảnh chung mà đưa ra các sản phẩm phù hợp. Trên thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã có hướng đi đúng khi tung ra thị trường những căn hộ có mức giá dưới 20 triệu đồng/m2 và được khách hàng đón nhận.

Theo dự báo, đến năm 2030 dân số Việt Nam sẽ đạt mức 110 -130 triệu người và chúng ta cũng đang cố gắng phấn đấu đưa diện tích bình quân đầu người từ 20 - 25m2 thay cho mức 12 - 15m2 của hiện tại. Chính điều này sẽ tạo ra một nhu cầu về bất động sản rất lớn trong tương lai.

Hiện nay, trong bối cảnh chung của nền kinh tế, Đất Xanh đã có những chiến lược như thế nào để thu hút khách hàng?

Chúng tôi luôn hoạt động trên tiêu chí cung cấp sản phẩm tốt nhất cho khách hàng. Cụ thể một dự án cần hội tụ đủ các yếu tố về vị trí, kết cấu hạ tầng giao thông, quy hoạch,… Đặc biệt sản phẩm đó phải tạo ra giá thị cho khách hàng, tạo giá trị cho công đồng khu vực, tạo giá trị cho xã hội. Chúng tôi đặt tất cả tâm quyết, tấm lòng,… vào những dự án, vì thế tất cả những sản phẩm mà Đất Xanh tung ra thị trường được rất nhiều quan tâm của khách hàng.

Vào ngày 12/6 vừa qua, Đất Xanh đã triển khai chương trình bán hàng trực tuyến dự án Five Star với hơn 900 khách hàng tham dự và có đến 450 nền được bán trong ngày công bố. Vì sao ông lại chọn hình thức bán hàng này?

Trong khi thị trường có sự cạnh tranh khốc liệt như hiện nay thì yếu tố thời gian cần được chú trọng. Vì vậy, Đất Xanh áp dụng chương trình này nhằm rút ngắn khoảng cách giữa nhà đầu tư và khách hàng, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. Thêm vào đó, thời gian hoàn tất thủ tục hành chính cũng được rút ngắn, mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng.

Cần sự chuẩn bị “dài hơi”

Hiện nay, các khu vực vệ tinh Tp.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Long An đang hình thành những đô thị mới, nhưng những đô thị này thường chưa có người ở. Theo ông vì sao có hiện tượng trên?

Thông thường, để phát triển các cụm đô thị, các khu đô thị vệ tinh cần có thời gian từ 10 - 20 năm, khoảng thời gian này ngắn hay dài còn tùy thuộc vào lộ trình phát triển hạ tầng. Thực tế, tại Tp.HCM đã có rất nhiều dự án phát triển giao thông, nhưng tiến độ triển khai còn quá chậm, chưa đáp ứng cho sự phát triển. Chính vì vậy các khu đô thị vệ tinh vẫn chưa thu hút cư dân về ở.

Tuy nhiên, để có những đô thị mới hình thành trong tương lai, phải nhờ vào những nhà đầu tư có tầm nhìn xa và dài hạn, họ sẽ là những người đi tiên phong. Tôi nhớ trước đây, khu đô thị Phú Mỹ Hưng còn cảnh “đồng không, mông quạnh”, ai đầu tư vào đó được xem là “không bình thường”, nhưng hiện nay chỉ những đại gia mới có thể sở hữu được quỹ đất ở khu vực này.

Khi có thông tin thắt chặt tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đã khiến cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng rất khó khăn hơn. Theo ông, doanh nghiệp cần làm gì để tháo gỡ khó khăn này?

Tôi cho rằng, các doanh nghiệp nên bắt tay nhau cùng phát triển dự án. Mỗi doanh nghiệp điều có thế mạnh riêng của mình, người có đất, người có vốn, người có kinh nghiệm,… nếu hợp tác với nhau sẽ tạo ra một sức mạnh tập thể, cùng nhau vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, việc ngồi lại hợp tác còn mang tính hô hào hơn là thực hiện, bởi doanh nghiệp nào cũng muốn mình “kèo trên”. Vì vậy, khó khăn về vốn vẫn khó được giải quyết.

Thời gian tới thị trường phát triển theo hướng nào, thưa ông?

Theo tôi, thời gian tới, xu hướng thị trường vẫn là phân khúc căn hộ có giá dưới 20 triệu đồng/m2 và các dự án đất nền có giá dưới 600 triệu đồng/nền ở các khu vực ven thành phố.

Ông có thể chia sẻ thêm định hướng phát triển của Đất Xanh trong tương lai?

Trong 5 năm tới, chúng tôi sẽ hướng tới đầu tư dự án các khu đô thị ở Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Đầu tư các dự án căn hộ, đất nền, xây dựng nhà để bán và các dự án biệt thự nghỉ dưỡng. Đồng thời chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao hơn nữa các giải pháp tư vấn, tiếp thị nhằm phục vụ ngày một tốt hơn cho khách hàng đồng thời nâng cao sức cạnh tranh.

Xin cảm ơn ông!

Minh Nguyệt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0